Người Thượng đây là các dân tộc ít người trên Tây Nguyên.

Theo Bình Nguyên Lộc, cách nay khoảng 5000 năm, người Mã Lai Hoa Bắc bị chủng Hoa Hạ lấn, phải bỏ chạy xuống phía nam bằng đường biển, ghé vào Bắc bộ và Trung bộ nước Việt Nam bây giờ. Nhóm ở Bắc bộ là tổ tiên người Kinh, còn nhóm ở Trung bộ là tổ tiên người Thượng. Nhờ Bắc bộ đất tốt hơn, tổ tiên người Kinh mau tiến bộ, trong khi tổ tiên người Thượng tương đối chậm tiến vì Trung bộ đất xấu.

Vẫn theo BNL, cách nay khoảng 2500 năm, đến lượt người Mã Lai Hoa Nam bị chủng Hoa Hạ lấn: họ cũng nam thiên bằng đường biển, cũng ghé Bắc bộ và Trung bộ. Ở Bắc, vì chủ đất và dân di cư cùng trình độ, nên không bên nào diệt hay đuổi được bên nào; họ sống chung, hòa lẫn vào nhau. Ở Trung, vì dân di cư tiến bộ hơn chủ đất, họ đánh đuổi chủ đất lên miền núi; có một bộ phận chủ đất không bỏ chạy mà ở lại sống chung với dân di cư; lại có một bộ phận dân di cư xông lên tận miền núi, tức là hai dân tộc Ra-đê và Gia-rai bây giờ.
(TT)




Bình Nguyên Lộc, “Nguồn gốc người Thượng”




Thượng Việt (...) là bộ Trải, di cư đồng thời với ta, ta ghé Bắc Việt, họ ghé Trung Việt. 2500 năm sau họ bị Mã Lai đợt II là Chàm đánh đuổi lên cao nguyên (tr. 644)

Thượng Việt không đi hết mà có ở lại (duyên hải Trung bộ) để sống chung (với người Chàm) (tr. 714)

Sử Chiêm Thành (bi ký?) nói rằng Chàm đã đánh đuổi thổ dân ở Trung Việt rồi lập quốc ở đó (tr. 716)

Chàm, chẳng những đánh đuổi Mã Lai đợt I lên núi rừng, lại còn rượt theo họ nữa, và hai nhóm Ra-đê và Gia-rai là hai nhóm Mã Lai đợt II không lập quốc được như Chiêm Thành, vì ở núi rừng họ thiếu điều kiện (tr. 716)


(Trích Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971. Nhan đề phần trích tạm đặt.)