Người đi xem mở đường nghe liên tục tiếng mìn, tiếng “gỗ tươi kêu, đất kêu, đá kêu, suối la lên mỗi lần núi ngã xuống vực từng tảng”, trông thấy “có những cỗ núi bị thiến đi, có những quả đồi bị bổ ra” và chứng kiến “một dải đường Phù Yên dài mấy chục cây số đang duỗi ra thẳng thắn (…) bụi (…) dày đặc bốc tỏa khắp mặt suối, mặt đồng như một cuộc chuyển quân tiến nhanh ra phía sông Đà”…

Người ấy trầm trồ:
“Tôi chưa được nom tận mắt những công trường vĩ đại (...) ở các nước bạn, nhưng đối với một cái quê hương Việt Nam xinh xinh bé bé và lại bé hạt tiêu nước tôi, thì cái đông đúc của công trường Gia Phù - Vạn Yên mở đường đắp đường một cách giông bão này, tôi thấy cái khối dăm ngàn con người ấy cũng đã nhộn nhịp có quy mô lớn”.

Tất nhiên nếu so số so lượng so kích thước, thì
“hạt tiêu” làm sao có cái gì bì được với bạn Trung Quốc, bạn Liên Xô. Nhưng nếu đem đọ tinh thần hăng say kiên trì của nhân dân đang nỗ lực, thì “cái quê hương bé bé” của “tôi” lại chẳng chịu mảy may nhường bất cứ xứ sở nào đâu, bất kể là bạn hay thù! Người làm đường Việt Nam nhiều khi phải sáng kiến tự làm ra phương tiện giúp mình làm: “Cả ngày dầm mình ngoài gió nắng để nắn những đoạn đường cũ (…) mở những đoạn đường mới (…) tối (…) đóng xe chở đất. Tre rừng gỗ rừng (…) tự kiếm lấy (…) Những gộc tre lụi, gõ kêu như sừng bò tót, được bổ đôi ra làm tay xe (…) Những anh bộ đội ầm ầm đẩy xe cút kít, cười nói như họp chợ trong rừng sương (…) Xe cút kít (có nơi) lại còn chạy trên những đường ray bắc bằng thân tre (…) Để xô đất gọn xuống vực (…) ghép gỗ tròn cây và ván xẻ để dựng những cầu máng (…) những cái máng mái hiên”.

Ai vừa lao động cật lực vừa
“cười nói trong rừng sương”? Thì vẫn chính là những người mới năm nào còn “ngậm tăm” cầm súng len lách giữa rừng sương, tiến lên vây đánh cứ điểm giặc.

Ai ban đêm vào rừng để trông thấy họ bây giờ mà viết ra những dòng ký sống động này? Thì vẫn là một trong những người đã từng cầm bút đi với họ ra tận chiến trường năm nào. Nguyễn Tuân làm công việc mình cũng với cái tinh thần đặc biệt của dân tộc Việt Nam, và không ngại gì mà không nói rõ luôn ra:
“Các chị công nhân (…) các anh chiến sĩ (….) và tôi đây, tất cả chúng ta đều là những con người đầy nhiệt tình đầy thiện chí, mỗi người đều muốn đem một chút đến với cuộc sống (…) Đóng góp vào đời sống, thật là nhiều cách”. Quả thực thế. Đất nước cần đường, nhưng đất nước cũng cần những bài văn có giá trị về, chẳng hạn, làm đường.

“Ký đường” của Nguyễn không phải chứa toàn đất, đá, cây, cuốc, xẻng, xe cút kít, xe lu v.v. đâu, mà chứa cả
“mấy chú bướm rừng đậu lên cái áo bốn túi hai túi bên này rào nứa rồi xập xòe vượt cọc rào mà tìm đậu lên một cái nịt vú trắng ở cái dây phơi xa hơn”. Ấy là “tôi” đang quan tâm đến đời sống tình cảm của “những con người trẻ ấy” đấy.

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Đi mở đường”



Nông trường Điện Biên gần thu nốt bông lúa cuối cùng của vụ gặt đầu cho vào kho thì ở ngã ba Tuần Giáo ngoài kia cũng vừa xong một buổi lễ: các đơn vị cầu đường hạ nhát cuốc đầu tiên mở rộng con đường 42 từ Tuần Giáo vào Điện Biên (...) Ở nông trường trong này ầm ầm ù ù tiếng xay gạo xay thóc, quạt thóc, đổ thóc; các bộ phận chăn nuôi càng động tiếng: bò rống, ngựa hí, dê kêu, lợn sặc; cho đến mấy anh cao-su đưa từ giới tuyến Vĩnh Linh lên hồi nọ mới vực được có mươi lăm cái lá non mà cũng đua vui thi reo trước gió nồm cuối năm. Công trường cầu đường các đơn vị ngoài ngã ba Tuần Giáo động tiếng càng dữ hơn. Gỗ tươi kêu, đất kêu, đá kêu, suối la lên mỗi lần núi ngã xuống vực từng tảng (...) Có những cái sụ đá bướng bỉnh bao năm nay xoay lưng ra đường cái chổng mông giơ đít ra bắt bí, bắt chẹt những xe vận tải mùa mưa, thì nay là a-lê hấp cho đi hết. Mìn kêu liên tiếp (...) Có những cỗ núi bị thiến đi, có những quả đồi bị bổ ra. Tiếng động rền ở đây là tiếng động của một cái chiến dịch. Có những tảng đá mọc thay lảy ra lòng đường vểnh ra như một cái mộc nhĩ khô cứng; cái tai đá ấy như đang cố nghe ngóng xem việc mở đường cái đã chuyển đến đâu rồi (...)

Qua sông Đà, tôi vào châu Phù Yên giữa lúc cuộc sống ở đây cũng vặn mình vươn vai mà bước dài chẳng kém gì ở Điện Biên. Phù Yên đang mở đường từ Gia Phù ăn ra sát bờ sông Đà rồi sang bên châu Mộc, nối liền khu nông nghiệp Mộc Châu với khu nông nghiệp cánh đồng Quang Huy, một cánh đồng lớn bậc ba trong bốn cánh đồng lớn Tây Bắc.

Tôi chưa được nom tận mắt những công trường vĩ đại (...) những đông đảo hằng hà sa số ở các nước bạn, nhưng đối với một cái quê hương Việt Nam xinh xinh bé bé và lại bé hạt tiêu nước tôi, thì cái đông đúc của công trường Gia Phù - Vạn Yên mở đường đắp đường một cách giông bão này, tôi thấy cái khối dăm ngàn con người ấy cũng đã nhộn nhịp có quy mô lớn (...) Độ này lại đang có phong trào đóng xe cút kít để chở đất đi chở đất lại, để lấy cái bánh xe gỗ giải phóng cho đôi vai và tăng năng suất lao động. Tất cả đều hùa nhau làm xe cút kít. Cả ngày dầm mình ngoài gió nắng để nắn đoạn đường cũ vẫn lượn gần suối Tấc, để mở những đoạn đường mới cắm sát vào phía núi gần mé sông Đà, ban ngày dành cả cho làm đường, tối tối mới chuyển qua việc đóng xe chở đất. Tre rừng gỗ rừng mỗi người mỗi tổ tự kiếm lấy mà đóng. Có những cái bánh gỗ, mặt đường kính hơn nửa thước liền một tấm rất đẹp rất vững, có những bánh gỗ phải ghép phải vá nhiều mảnh như một tấm áo người nghèo can nhiều miếng mụn khác nhau. Những gộc tre lụi, gõ kêu như sừng bò tót, được bổ đôi ra làm tay xe. Có những xe cút kít cổ điển một bánh, có những xe cút kít cải biên có đủ cả hai bánh (...) Những anh bộ đội ầm ầm đẩy xe cút kít, cười nói như họp chợ trong rừng sương: “Muốn hiểu được khoa học một cách thật khoa học, vẫn cứ là phải thấy nó theo một cái nghĩa tương đối và tùy theo tình hình kinh tế cụ thể, có đồng ý không anh em ta đi mở đường!” (...)

Cán bộ và chiến sĩ bên Điện Biên – Tuần Giáo cũng cử người sang trao đổi kinh nghiệm mọi mặt giữa hai công trường cầu đường (...) Xe cút kít bên Điện Biên lại còn chạy trên những đường ray bắc bằng thân tre. Để xô đất gọn xuống vực, chiến sĩ cầu đường Điện Biên đã ghép gỗ tròn cây và ván xẻ để dựng những cầu máng, dựng những cái máng mái hiên. Đất từ lưng đồi lưng núi xô thẳng xuống vực, người đi đường mỗi khi qua máng nghe ào ào trên đầu mình những thác đất bột đất tảng đổ như mưa (...)

Đứng trên cao điểm xa mà nhìn về một dải đường Phù Yên dài mấy chục cây số đang duỗi ra thẳng thắn, thấy áng bụi trần của những người hăng say mở đường đang dày đặc bốc tỏa khắp mặt suối, mặt đồng như một cuộc chuyển quân tiến nhanh ra phía sông Đà (...)

Dọc theo con đường ở Phù Yên (...) cơ man là mái nhà mới (...) Rừng Tây Bắc đang mọc lên những cái làng thuyền thợ (...) Chỗ này phơi hàng dây quần áo lá cơi bợt màu vá đầu gối vá vai vá cửa tay; chỗ kia la liệt những sào áo cánh vải phin trắng, quần chéo go đen, những tấm áo sợi củ cẩm huyết dụ, những tấm bun-ô-ve màu chói, màu mát. Những tấm áo màu ướt im ả như một xâu bướm cánh tắm sương ngái ngủ trong nắng rừng gianh. Tôi không rõ công trường đã xây dựng được bao nhiêu đám cưới đời sống mới giữa bộ đội và công nhân đàn bà con gái rồi (...) Những dây quần áo của những làng mới kia, mặc dầu áo đàn ông áo đàn bà phơi riêng từng chòm từng xóm nhưng chúng cũng ra vẻ quen dần cái hơi hướng của nhau. Nhiều khi gió rừng có phần giúp cho những con người trẻ ấy càng quen hơi với nhau thêm nữa. Mắt tôi theo dõi mấy chú bướm rừng đậu lên cái áo bốn túi hai túi bên này rào nứa rồi xập xòe vượt cọc rào mà tìm đậu lên một cái nịt vú trắng ở cái dây phơi xa hơn (...)

*

Tôi biết rằng một số chiến sĩ làm đường đang có một số khó khăn nội tâm (...) nó làm bận tâm tôi nhiều lắm (...) Đã có những lúc tôi hỏi tôi: “Giả thử anh là chính trị viên là chính ủy của một đơn vị đang mở đường, thì anh sẽ nói gì... nói những gì để... để... Nếu anh viết một tiểu thuyết về các nhân vật cầu đường Tây Bắc chẳng hạn, với cái nhan đề ví dụ là Mở đường, thì anh mở truyện và đóng truyện lại như thế nào?” (...)

Chả là ở căng-tin nông trường Điện Biên, một số anh em ngồi uống trà tối thứ bảy kháo chuyện nhau về diễn biến tư tưởng của một số anh em đơn vị này đơn vị khác, một người kể (...) cậu gì ở đại đội cầu đường 98 (...) chỉ cái quả lu máy bánh gang to tướng mà bảo một cách mỉa mai rằng “tương lai và hạnh phúc tớ là đây, là theo cái quả hồ lô mà rồi ngày tháng dãi ra trên các nẻo đường, nay công trường này, mai cầu quán khác...” (...)

Đến cái hôm xe ca-mi-ông tôi rời công trường Phù Yên – Vạn Yên (...) tôi cũng có dịp để ý đến một anh khác. Một anh mà tôi cho đúng là một người lòng chưa thông với lòng đường, chưa thấy được cái vui lớn và cái nghĩa cả của người đi mở đường. Anh ta đã chỉ lên xe tôi gọi như giật tôi xuống: “Xuống đây làm đường đi!”. Tôi rất lấy làm suy nghĩ về cái tiếng gọi thiếu bình tĩnh một cách dữ tợn ấy (...)

Trong kế hoạch ba năm, các chị các anh ở Phù Yên ở Điện Biên sẽ hoàn thành một con đường cái, hai con đường cái. Cuốn sách Mở đường “định” viết, chưa rõ sẽ xong trước, hay là các anh các chị sẽ cắt băng khánh thành đường trước? (...) Tôi tưởng (đằng nào) cũng chả hề gì, vì vấn đề (...) nó là thế này: các chị công nhân làm đường Phù Yên, các anh chiến sĩ làm đường Điện Biên và tôi đây, tất cả chúng ta đều là những con người đầy nhiệt tình đầy thiện chí, mỗi người đều muốn đem một chút đến với cuộc sống. Đóng góp vào đời sống, thật là nhiều cách đấy (...) Con đường (...) không những chỉ để chở mắm muối chở cày cuốc lên Tây Bắc mà còn là để vận chuyển lên tất cả những cái vốn văn hóa chúng ta có được. Không biết nói thế này có gán ép quá không, chứ có lúc tôi cứ thấy rằng đứng trước công cuộc tiến lên ở đấy, con đường đang làm và những cuốn sách đang viết đều bình đẳng về giá trị phục vụ trực tiếp cho cuộc sống rất đáng yêu ở Tây Bắc (...)


Xuân 1959


(Trích từ bài Đi Mở Đường trong tập ký
Sông Đà, nxb. Tác Phẩm Mới, 1978)