Đoàn Phú Tứ, “Âm, thanh, ý, tình”




Trong một bài nghiên cứu, ông Ðoàn Phú Tứ có đưa ra một định luật ông coi làm cốt yếu trong hiện tượng kết tạo tiếng nói Việt Nam: “Mỗi âm gợi được nhiều ý niệm có liên lạc. Mỗi thanh có một tình tứ riêng”(“âm” đây là tiếng chưa bỏ dấu, tức gồm phụ âm đầu và vần - TT) (...) (Chỉ mới) nghe (…) ta đã lĩnh hội được (phần nào) tình ý (…) Một người Việt Nam lần đầu nghe những tiếng “lừng khừng”, “mơn man”, “mon men”, “oặt oẹo”, “dẻo”, “mềm”, “cóng”, “toạc”... cũng cảm thấy được cái tình ý đại khái của những tiếng đó (…)

Về vần, ví dụ vần “ong”: ngoài ý nghĩa một giống côn trùng có cánh, ta còn nhận thấy tiếng đó gợi cho ta một hình dáng đặc biệt, hình dáng của cái gì không phẳng lì, không ép dẹp mà cong lên, tròn lên, phồng lên (…) Ta thử nhắc lại vài lần: “ong”, “ong”... ta sẽ thấy hình như ta muốn gởi vào trong đó một cái ý niệm đặc biệt về hình dáng. Rồi ta ngâm lại những tiếng có vần đó: “cong” là không thẳng, uốn tròn (…) Rồi chuyển sang những ý: “còng”, “cóng”, “cõng”, “võng”, “vòng”, “tròng”, “bòng”, “ỏng” (…) Về phụ âm đầu, ví dụ “ph” gợi ý phập phồng (“phảng phất”, “phơi phóng”, “phì phèo”, “phưỡn”, “phồng”…), “th” gợi ý nhẹ nhàng, hời hợt (“thoảng”, “thơ thẩn”, “thấp thoáng”...), “x” gợi ý cọ xát, hay khô khan (“xiết”, “xỉn”, “xơ xác”, “xoa”...).

Về thanh (…) “Không dấu” nhẹ nhàng, trong trẻo nhất, gợi những tứ mong manh, nhiều khi không có màu sắc gì rõ rệt. Ví dụ: “cong”, “xoa”, “êm”, “vương”… “Huyền” âm thầm, tưng bừng thâm trầm, gợi những tứ dồi dào hơn. Ví dụ: “còng”, “xòa”, “mềm”, “phồng”, “bừng”, “chìm”… “Sắc” cứng cáp, mạnh mẽ, thẳng thắn, gợi những dáng chắc chắn, những cử chỉ hăng hái, quả quyết. Ví dụ: “cóng”, “xóa”, “cứng”, “đứng”, “bắn”, “vướng”... “Hỏi” uyển chuyển từ thấp lên cao như một dáng hoạt động mà mềm dẻo, một cử động không muốn ngừng dở dang chưa đến chỗ cùng. Ví dụ: “ngả” (xiêu xiêu dần), “ửng” (đỏ dần dần), “bổng”, “bảng lảng”, “thủ thỉ”... “Nặng” gợi tứ nặng nề, nghẹn ngào, im lặng. Ví dụ: “nặng”, “nghẹn”, “chẹn”, “thẹn”, “ngượng”, “lặng”, “cựa quậy”... “Ngã” gợi tứ sững sờ, (?), ngắn ngủi vụn vặt và cũng cả cái ý trơ trẽn. Ví dụ: “ngã”, “vỡ”, “chững”, “lững thững”, “mũm mĩm”...

Theo tác giả, luật âm thanh này giúp người Việt Nam (…) mỗi khi có một tình ý gì (thì) chỉ việc gởi vào một âm thanh thích hợp, để tự nó gợi hộ mình một cách bóng bảy vô cùng (…) Tìm được âm thanh thích hợp cần có một thiên tính chắc chắn, tươi tốt (…) Những người ít học thức nhất, những người nhà quê, những con trẻ là những người kết tạo tiếng nói dễ dàng và mau mắn nhất (…) Những người chất phác đó hiện nay, hàng ngày vẫn đặt ra tiếng nói mới theo cái luật âm thanh nọ một cách vô tình trong khi những bậc trí thức vùi đầu (…) tìm tiếng trong ngoại ngữ. Trong khi chúng ta vất vả tìm những lối nói thông thái để tả cái vị của một món ăn nào đó, thì một người bình dân kia đã bất giác kêu lên một tiếng rất gợi: “ngọt xớt”, “ngọt lịm”, “ngọt lừ”, “chát xít”, “chát ”, “đắng ngắt”, “nhạt phèo” mà ta nghe thấy tưởng chừng như có tự bao giờ...


( Đoàn Phú Tứ, “Âm thanh”, tạp chí
Thanh Nghị, số 14, 1-6-1942, dẫn theo Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, nxb. Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1961-1965, q. II. Nhan đề phần trích tạm đặt. In đỏ, đậm do người trích.)