“Hồi hương ngẫu thư”

của Hạ Tri Chương




Hình dung một cụ lạ hoắc bỗng nhiên xuất hiện ở đầu làng. Trẻ làng lạ cụ, mà có lẽ chính cụ thì đang bỡ ngỡ trước cái chỗ vốn thật quen. “Ngước mắt trông lên trời cũng lạ, làng ai đây chứ phải làng tôi”!(1) Chính nó đấy cụ ơi, sau bao nhiêu nước chảy qua cầu. Thôi, “giọng quê” đã về thì cứ chống gậy đi tìm khắp nơi đi, rồi sẽ gặp lại nhiều ít quê mà...

Nguyên văn

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.


Dịch nghĩa

Xa quê từ bé, già mới trở về
Giọng không đổi, chỉ tóc tai xơ xác
Trẻ con thấy không biết là người làng
Cười hỏi khách từ đâu đến.

Dịch thơ

Bản 1:

Bé đi, lụ khụ mới về
Người còn, tóc mất, giọng quê đậm đà
Trẻ làng trông ngỡ khách xa
Vỗ tay xúm hỏi ông nhà mãi đâu.


Bản 2:

Tóc râu còn chỉ lơ thơ
Giọng quê vẫn đậm, tôi xưa đây mà!
Trẻ làng lạ mặt cụ già
Ông ơi, cho cháu hỏi nhà ông đâu?


Bản dịch thơ khác

Bé đi, già mới về nhà
Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa
Trẻ con trông thấy hững hờ
Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao.
(Trần Trọng Kim)

Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?
(Phạm Sỹ Vỹ)



Thu Tứ















_______
Tên bài nghĩa là “Về quê tình cờ ngồi viết”.
(1) Bài “Trở về quê cũ” của Nguyễn Bính:
“Ngước mắt trông lên trời cũng lạ, nhà ai đây chứ phải nhà tôi”.