Ngô Vĩnh Bình, “Quế Quảng”





Ảnh khuyết danh



Ảnh khuyết danh


Cây quế thuộc họ long não (...)

Ở Việt Nam có bốn vùng quế lớn là Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi (...)

Chủ nhân của vùng quế nam Quảng Nam và tây bắc Quảng Ngãi là người Co và người Ca Dong (một nhóm địa phương của dân tộc Xơ Đăng) (...) (Họ) có mặt sớm trên miền đất này. Người Co hiện có khoảng trên 10.000 nhân khẩu tụ cư ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, và khoảng 4.000 ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nhóm Ca Dong cũng có dân số khoảng hơn một vạn người, sống rải rác trong ba huyện Trà My, Trà Bồng và Sơn Hà (Quảng Ngãi) (...)

Vùng Quảng Nam – Quảng Ngãi có ba loại quế chính:

1. Quế rừng: Là loại quế mọc tự nhiên trên các núi cao, trong rừng sâu. Lá mọc đối, nhỏ, hình bầu dục, có màu lục sáng, mặt dưới lá có lông. Vỏ màu đen như sừng, mỏng mịn, dẻo quánh, hương rất thơm và có vị cay ngọt. Loại quế này rất hiếm và đặc biệt quý, các lái buôn xưa thường lùng săn ráo riết. Các già làng Co, Ca Dong thường nói đây là cây quế trời. Trời ban cho ai người ấy được. Trước kia tìm được một cây quế rừng có thể đổi được hàng chục con trâu (...)

2. Quế thanh: Đây là loại quế thấy nhiều nhất ở vùng này. Đồng bào địa phương quen gọi là quế đắng hay quế bùi. Cây quế loại này cao, to, có cây cao tới 10-15m. Chu vi tối đa có thể đạt 1m50 – 1m80. Cành cây còn non nhẵn. Lá hình bầu dục hơi thuôn ở hai đầu, tròn cạnh, dài từ 10-15cm. Mặt lá xanh láng, mặt trái nhạt hơn có ba gân nổi, gân giữa to hơn. Hoa nhỏ như hoa mộc, màu vàng tươi điểm trắng; mặt trái đài hoa có lông nhung; hoa mọc từng chùm từ các kẽ lá gần ngọn hoặc ở gốc các nhánh, nở vào mùa thu, hương thanh dịu. Quả quế nhỏ như quả xoan, mới chín có sắc đỏ, sau tím dần như quả bồ quân, sáng bóng. Vỏ của loại quế này như da voi, lúc còn ở cây có màu trắng, sù sì, sau khi phơi nắng ngả sang màu hơi đen.

Loại quế này mọc ở hầu hết các vùng quế dọc đông Trường Sơn, nhất là (...) từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào Quảng Nam – Quảng Ngãi (...)

3, Quế chành rành: Loại quế này đồng bào địa phương còn gọi là trèn trèn. Quế có thân cao, dáng đẹp. Vỏ màu xám, nhẵn, có nhánh nằm ngang. Lá thuôn nhọn ở gốc, có mũi nhọn mềm, màu lục sẫm ở cả hai mặt, có ba gân, cuống nhỏ ngắn. Cũng như vỏ, lá quế chành rành thơm, nghiền ra làm hương rất tốt. Hoa họp thành chùm ngắn, mảnh. Quả mọng hình cầu, nhỏ. Tuy vỏ và lá quế chành rành cũng có tinh dầu, nhưng nhìn chung loại quế này chất lượng không bằng hai loại quế kia. Đồng bào ở đây nói chành rành là loại quế dễ trồng nhất (...)

Đồng bào các dân tộc ở đây không biết dùng quế (...) Ngoài làm rẫy, người Co và người Ca Dong không có một nghề phụ gì đáng kể. Họ không dệt, không rèn, không làm gốm (...) tất cả mọi thứ (...) đều phải nhập từ các dân tộc láng giềng (...) họ trồng quế, trao đổi quế lấy vật cần dùng (...)

Phong tục ở một số xã vùng Co quy định mỗi một em bé ra đời phải trồng một cây quế con. Những gia đình có con trai phải lo sao cho đến khi người con trai đó đến tuổi xây dựng gia đình thì đã có 10-15 gốc quế làm vốn hoặc để chi phí cho hôn lễ, hay cũng có thể là để lo liệu cho lễ Các-pư-rác (lễ hiến sinh trâu) (...)

Thấy rõ được lợi ích của việc trồng quế đối với đời sống của mình, các dân tộc ở đây rất quý, rất yêu cây quế và gọi nó là “cây thiêng”, cây do chim nhà Trời mang lại (...) Theo phong tục, người Co không mang quế vào nhà, không làm ô uế vỏ quế đã lột. Trước kia mỗi nhà có một chòi chứa quế (như kiểu chòi lúa) dựng cạnh vườn quế, có khi cách nhà ở đến một, hai ngày đường. Chòi làm nhỏ nhưng cao ráo, sạch sẽ. Nơi đây, đồng bào có đặt bàn thờ thần Mặt Trời (Cơi Măt Ngơi) và thần Đất (Cơi Bri) (...)

Nếu như ở các địa phương có quế ngoài Bắc, đồng bào sản xuất quế con theo ba phương pháp là “cuốc hố, bỏ hạt”, “chiết cành” và “tái sinh chồi”, thì đồng bào Co, Ca Dong ở đây chỉ có một phương pháp là “ươm hạt”.

Thông thường cứ vào quãng tháng 5 dương lịch, khi công việc trỉa lúa đã vãn, người ta bắt đầu vào rừng lượm hạt quế về ươm giống. Họ chọn quả của những cây to, cao, có cành lá xum xuê, quả sai mẩy và chín đều, gùi về đổ vào nước ngâm ít giờ, sau đó dùng tay bóp nát hết phần vỏ và cùi, rồi đem đãi (như kiểu đãi đậu) thu lấy những hạt chìm (...) Hạt lựa được đem rửa bằng nước lã (có nơi pha thêm ít nước vôi) để khử nhớt. Hạt đã khử nhớt được trộn đều vào tro bếp và đất bột mịn, ủ chừng 2-3 ngày thì đem gieo (...) Hạt quế gieo được khoảng 10 ngày thì mọc mầm (...) Quế con đã được mười tháng hay một năm rồi thì nhổ đem đi trồng ở ơi cố định (...) Một số nơi ở Trà Bồng trước kia quế nảy mầm được khoảng 20 ngày hay một tháng thì nhổ và đem trỉa (...) Theo đồng bào đây là cách trồng phổ biến xưa kia ở vùng dân tộc Co. Cách này có tỉ lệ cây sống rất thấp so với cách kia (...) Từ khoảng ba năm trở ra, cây quế tự sống và phát triển cùng với cây rừng (...) Quế đến tuổi lột vỏ là quế đã có trên mười năm. Ở những vùng đất cằn cỗi có thể phải chờ đến 15-20 năm sau (...)



Ảnh khuyết danh


(Trích “Nghề trồng quế của người Co và người Ca Dong ở xứ Quảng”,
Người Co, nxb. Trẻ, 2005. Nhan đề phần trích tạm đặt.)