Kinh khác Mường không phải chỉ do người ở trung tâm kẻ ở ngoại vi, mà còn do trong ta có những dòng máu Việt tộc khác. (TT)



Nguyễn Từ Chi, “Món Huế, món Mường...” (2)




Kết quả của cuộc thăm hỏi qua nhiều năm ấy, tôi đã nói ngay từ đầu bài viết: “món ăn Huế là món ăn Mường...”. Nói thế là cố tình nói quá lên, để nhấn mạnh. Thực ra, thức ăn Mường cũng bao gồm một số món Thái, chỉ vì người Thái đã sống bên cạnh người Mường từ hơn một thiên niên kỷ nay rồi. Ngoài ra, thức ăn Huế lại thiếu gì những món nấu từ hải sản mà thức ăn Mường không có, vì người Mường sống xa biển. Nhưng ngoài các biến điệu thuộc loại ấy ra, thì thức ăn Mường không thiếu những món đồng điệu với một số món Huế, khác hẳn thức ăn Kinh ngoài Bắc. Phải chi đây là một bài nghiên cứu, thì tôi đã phải kể tỉ mỉ từng món ăn Mường, đối chiếu với từng món Huế mà tôi nghi là tương đương. Nhưng đây chỉ là một “câu chuyện vui”, như tôi đã nói. Cho nên, ngoài ví dụ loọng hay “lọm” đã kể dài dòng trên kia, chỉ xin thêm một ví dụ khác, có lẽ ngắn gọn hơn, trước khi chấm hết.

Ví dụ này, tôi cố tình chọn từ bánh trái, cho khác thức ăn bình thường như loọng. Mới đi Mường được vài năm, nói tiếng Mường chưa sõi, tôi đã thuộc hết các tên bánh trái Mường. Thực ra, cho đến lúc bấy giờ tôi đã được ăn bánh Mường lần nào đâu. Thấy bằng mắt, cũng chưa được thấy. Mới kháng chiến xong lần thứ nhất, lại cứ lo phải xông vào một cuộc thứ hai, người ta sống chắt chiu lắm, chẳng mấy gia đình Mường làm bánh, kể cả gia đình nhà lang cũ. Ấy thế mà tôi cứ thuộc mọi tên bánh. Phải chăng vì tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, mảnh đất có thể nói là “điển hình” của bánh trái?

Bấy giờ tôi may mắn được kết nghĩa anh em với một cụ ông rất thân tôi. Kết nghĩa đúng kiểu Mường ấy: có làm lễ trước bàn thờ, có buộc chỉ màu vào cổ tay... Từ đó, chúng tôi thành anh em, cả nhà gọi tôi là “chú”: gọi bằng tiếng Kinh kia đấy, và cũng từ ngày ấy, trước mặt tôi, cả nhà thường chỉ nói tiếng Kinh, có lẽ để tỏ tình mến trọng một người thân nhưng kháctộc. Có hôm, đang làm việc tại một làng khác không xa, nhân một buổi rỗi rãi tôi đạp xe đến thăm ông “anh”. Cả gia đình vắng hết, có mặt ở nhà chỉ mỗi mình bà cụ, “chị” tôi. Chuyện trò hồi lâu, khi tôi đứng dậy ra về, chị dặn: Trưa ngày kia chú lại đến nhé, tối hôm ấy nhà có giỗ. Sực nhớ đến bánh trái Mường mà tôi chưa hề được thấy, chưa hề được ăn, tôi vội gửi chị ít tiền, vì nhà chị bấy giờ cũng túng, nhờ chị nhân ngày giỗ làm năm thứ bánh, mà tôi nêu tên từng thứ một. Chị buồn cười: Chỉ có chú mới đòi lắm thứ bánh thế, thường thì mỗi lần làm hai ba thứ là cùng.

Ngày giỗ, tôi đến từ sáng sớm. Đúng như lời tôi dặn, bà chị đã đặt mọi nguyên – vật liệu lên sàn ngoài (sân nhỏ không có mái che, áp sát một cửa sổ), chờ tôi đến mới bắt tay vào gói bánh. Năm thứ bánh, mà chị tôi cùng các cháu không gói xen nhau, trái lại, gói xong thứ này mới qua thứ kia, để tôi tiện theo dõi, ghi chép, cả gói thử một đôi lần cho nhớ. Năm thứ bánh, năm lần tôi kinh ngạc đến lặng cả người, vì chúng gần xa giống bánh Huế. Ở đây, chỉ xin kể ra một trường hợp thôi làm ví dụ.

Pẹng goẹng (mà người Mường, khi nói tiếng Kinh, qua phiên âm thành “bánh hoánh”), cái tên ấy, tôi biết đã lâu, nhưng nó không hề gợi cho tôi một hình ảnh nào, một khẩu vị gì cả. Nghe cứ xa lạ làm sao! Ấy thế mà chị tôi chỉ gói một lần trước mặt tôi, nhất là sau đấy, khi tôi gói thử một lần trước sự kiểm soát của chị, tôi đã hiểu ra ngay. Này nhé, mà nói tóm tắt thôi. Nguyên – vật liệu: nguyên liệu chính là bột ướt làm bằng gạo tẻ (chứ không phải gạo nếp); nhân rắc vào bột ướt là cá con (bắt ở suối, ao) băm nhỏ ra, và đảo qua đảo lại nhiều lần trên chảo; vật liệu để gói là lá chuối (chứ không phải lá dong). Cách nấu: luộc trong nước, cho kỳ sôi. Đến đây, bạn đọc người Huế chắc đã nhận ra được loại bánh tương đương ở quê mình. Nhưng cái tên pẹng goẹng, “bánh hoánh”, cứ làm tôi băn khoăn không thôi. Trong nhà anh chị mình, tôi tránh không mấy khi nói tiếng Mường: tiếng Mường của tôi bấy giờ còn quá kém; hơn nữa người ta đã cố tình nói tiếng Kinh để tỏ lòng trân trọng mình, mình không thể lờ đi trước tấm lòng ấy... Nhưng lần này, tôi bất thần hỏi chị bằng tiếng Mường, gọi là cố tình gây một bất ngờ, để có gì chị nói tuột ra ngay: Cậy pẹng ni cọ hôộc la pẹng lạ chăng? (Cái bánh này có gọi là bánh lá không?). Chị tôi buông đũa xuống, nhìn tôi trân trân hồi lâu, rồi buông nhỏ (bằng tiếng Kinh): “Chú giỏi quá, chú giỏi quá”. Quay lại hai cháu gái đang gói bánh, chị trỏ tay vào chúng: Chú biết, tôi biết, chứ chúng nó có biết đâu. Rồi chị giảng giải: ngày chị còn bé, bé hơn chúng nó bây giờ nhiều, loại bánh này được gọi khi pẹng goẹng khi pẹng lạ, nhưng rồi chị lớn lên, không hiểu sao cái tên pẹng lạ cứ ít được dùng đến dần, đến nay thì hầu như lớp trẻ không còn biết đến nó nữa...

Cháu gái lớn nhất (bấy giờ cháu đã 19 tuổi, đã học xong cấp hai) phì cười bảo mẹ (cũng bằng tiếng Kinh): Mẹ buồn cười thực, chú ấy đi khắp nơi rồi, chú biết cả rồi, giờ mới hỏi mẹ để kiểm tra lại đấy chứ. Tôi nhìn các cháu mỉm cười, không nói gì. Thực ra, cả hai mẹ con chị đều nhầm: tôi có biết gì đâu mà “giỏi”, như chị đánh giá; hơn nữa, cho đến sáng hôm ấy, tôi đã hỏi ai về bánh trái Mường đâu, như cháu tưởng. Có điều tôi là người Huế. Mà đã là người Huế, có dịp nhìn người Mường gói pẹng goẹng, nhất là có dịp tự tay thử gói một lần, qua đó mà vô tình nhìn vào cấu trúc của nó, thì không thể không nhận ra cái “bánh lá” Huế.

Tất nhiên, cũng một loại bánh ấy thôi, nhưng ở hai nơi không khỏi có những khác biệt về chi tiết: nhân của pẹng goẹng Mường được chế từ cá con ở suối, ở ao, còn trong trường hợp “bánh lá” Huế thì đấy lại là “tôm chấy” (tiếng Bắc: ruốc tôm), nhưng mặt khác biệt ấy chẳng mấy quan trọng, trong chừng mực cả hai đều là thủy sản, và được chế biến sẵn trên lửa cho gần thành bột, để đóng vai nhân bánh; còn về cách gói, cùng trên một mảnh lá chuối như nhau mà người Huế thì đổ bột ướt ra và gói lá lại thành hình chữ nhật, còn người Mường lại xếp cả bột ướt và lá gói lại thành hai túi nhỏ tách nhau bằng một nếp gấp. Mặc những dị biệt nho nhỏ ấy, cứ nhìn vào cấu trúc mà nói, thì pẹng goẹng còn mang cả tên pẹng lạ (bánh lá).

Chỉ hai ví dụ thôi, loọng - “lọm” và pẹng lạ - “bánh lá”, cũng đã giúp ta ít nhiều mường tượng ra mối quan hệ chặt chẽ giữa thức ăn Mường và thức ăn Huế. Một câu hỏi mới hiện ra trước mắt: Sao thế? Người Mường và người Kinh ở Huế, hay ở Bình Trị Thiên thì cũng vậy, từng có quan hệ với nhau như thế nào, đến mức nào, mà thức ăn Mường mãi đến tận hôm nay, còn để lại những vết tích đậm đà đến vậy trong thức ăn Huế? Không dễ gì trả lời cho thỏa đáng câu hỏi đó, nhất là khi lời giải lại đòi hỏi sự hợp lực của nhiều ngành (khảo cổ học, ngôn ngữ học, biết đâu cả Đông Nam Á học, thậm chí Đông Á học...) chứ không riêng cái nghề nho nhỏ của tôi. Trong khung cảnh đó, những gì tôi nói ngay sau đây, để chấm hết bài viết, cũng chỉ là “nói” thế thôi, bạn đọc cứ xem như một “chuyện vui” thêm vào những “chuyện vui” khác đã kể từ đầu bài (...)

Tôi không tin rằng người lưu dân thuở trước, muốn di cư đi nơi khác kiếm sống, phải chờ các thủ tục ngoại giao, kể cả hộ chiếu... Đói, mà đi được, là họ đi. Thẩm thấu qua biên giới! (...) người Kinh có mặt trên đất Bình Trị Thiên có muộn cũng vào thời Trần, sau vụ đổi Huyền Trân. Ngược về (...) khoảng thế kỷ VIII nếu tin vào lời một số nhà ngôn ngữ học, thì người tiền Việt - Mường (hay tiền Kinh - Mường cũng thế thôi) mới bắt đầu phân hóa thành hai tộc cho đến ngày nay. Qua những thế kỷ phân hóa đầu tiên, cho đến thời Trần và cả ít lâu sau, khoảng cách giữa người Kinh và người Mường hẳn chưa quá xa, nhất là quanh nếp sống hàng ngày: ăn, mặc... Các nhà dân tộc học thường tin rằng, trên địa bàn cư trú của một cộng đồng, khu vực trung tâm là nơi văn hóa nhanh chóng biến đổi qua tiến hóa và tiếp xúc, còn khu vực ngoại vi, hay trên biên, thường lâu dài lâm vào tình trạng trì trệ, “đóng băng”. Dưới thời Trần, Bình Trị Thiên ngày nay chính là khu vực trên biên của đất nước ta. Qua các triều sau, Chămpa còn tiếp tục bị đẩy lùi xa hơn nữa về phía nam. Nhưng chừng nào người Chăm (hay Chàm) còn có mặt trên những vùng đã bị chiếm, thì đất từ đèo Ngang trở vào, bao gồm cả Bình Trị Thiên giờ đây, vẫn là “đất mới” (...) người định cư ở đấy không có quan hệ mật thiết với những chuyển biến ở khu vực trung tâm. Từ cuối thế kỷ XVII, tình hình đã khác (...)

Dù sao, Huế và Bình Trị Thiên đã lâm vào tình thế đất trên biên qua nhiều thế kỷ, kể từ đời Trần, khi người Việt còn giữ được nhiều nét văn hóa chung với người Mường. Phải chăng chính vì thế mà thức ăn Mường, hẳn là bên cạnh nhiều mặt khác nữa, đã để lại trong thức ăn Huế một dấu ấn (không) khó nhận ra? Đó là điều tôi tự hỏi. Đó cũng là câu hỏi tôi muốn đặt ra trước bạn đọc.


(Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2003. Nhan đề phần trích tạm đặt.)