Ai tự tình thế này?

Hồ Xuân Hương đấy, qua cái óc tưởng tượng độc đáo của Ngô Tất Tố. Chuyện bịa rằng:

“Chú nàng (...) ghép (...) duyên (...) nàng với ông quyền Chưởng Vệ Hà Nội. Những như (...) cái tính cộc cằn lỗ mãng của đức lang quân, cũng đã khổ cho kẻ làm vợ, huống chi (...) còn phải tập những sự luồn cúi, nếm những mùi cay chua, thì một người tài tình như nàng, chịu đựng làm sao cho nổi? Phúc đức thay, lòng hiếu sắc (...) của viên quan (...) địch không lại máu ghen của mụ (vợ cả) sư tử Hà Ðông, qua sáu tháng đọa đầy, nàng được thoát khỏi nhà chồng bằng tội “ái nam” mà ông Chưởng Vệ đã ghép cho nàng để tránh tiếng sợ vợ”.

Rõ ràng mình có “của trời cho, xinh giòn là thế”, mà thiên hạ tin lời phao đồn tưởng mình “tít tịt”. Không thể “vén màn quần bầy biện đồ ra” để biện bạch, thôi thì:“tự tình ta viết ra chơi, không không, có có, miệng người sá chi”.

Nhà nho Ngô thơ như được hồn xưa nhập vào. Mà không phải lần đầu đâu nhé. Theo lời kể của Nguyễn Công Hoan, khi Tản Đà Thư Cục mở ở phố Hàng Bông, Ngô Tất Tố gửi bản dịch cuốn
Cẩm Hương đình tới, Tản Đà đọc đoạn dịch cảnh Dương Quý Phi cưỡng dâm thanh niên (!), lấy làm thú, khen: “Văn anh này láu lắm!”.(1) Cho hay nho ta chẳng có hề kỵ cái dâm bao giờ. (Thu Tứ)

(1) Xem
Tuyển tập Nguyễn Công Hoan, q. 3, nxb. Văn Học, 1986.



Ngô Tất Tố, “Hồ Xuân Hương”




Tự tình rằng:
Khi canh cửi, lúc ngồi thong thả,
Ngẫm sự đời buồn bã gớm ghê!
Âm dương lấy đấy mà suy,
Côn trùng cũng có huống chi loài người.
Gớm rác tai, những lời trò chuyện,
Khéo đặt điều nói đến những câu!

Thơ rằng:
Chém cha cái số má hồng trâu,
Nghĩ đến càng thêm lắm nỗi sầu!
Dệt cửi quăng đi còn có lẽ,
Gieo thoi ném lại, chuyện không đâu.

Gớm thay!
Gan người, dạ thế, sâu khôn xiết,
Phao lên rằng: “tít tịt có chi”.
Tai thấp thoáng, bụng hồ nghi,
Rành rành chẳng biết cái gì mọc đây?

Cơn vắng vẻ mặt dầy ngắm lại,
Lúc buồn tình tay gãi đã quen.
Rành rành múi mít đôi bên,
Lùm lùm trai úp là miền hạ thôn.

Cỏ rêu mọc xanh om cửa tía,
Lá cờ bay đỏ ké song đào.
Môi dầy, miệng rộng, trán cao,
Ðúng trong tướng pháp “anh hào nghi dung”.

Ấy rõ thật là... vông rầy rậy,
Bằng lương nhân trông thấy cũng ghê.
Há như lá tróc, lá tre,
Mà cười mà ngắm mà kề mà hôn?

Của trời cho, xinh giòn là thế,
Người ta còn ẻo ẹo rằng “không”.
Nín thì tức, nói thẹn thùng,
Phải đồ bán chợ mà hòng phô trương?

Mà dãi thẻ như phường tơ kén?
Vén màn quần bày biện đồ ra?
Ðể cho những khách gần xa,
Thử xem cho biết rằng là có không?

Nhưng mà lại vào dòng quý tướng,
Bộ râu xồm quai nón phất phơ.
Màn quần che kín sớm trưa,
Tuyết sương chẳng quản nắng mưa chẳng từng.

Hoặc có lúc hớ hênh khuya sớm,
Chỉ người nào ghé trộm thì hay.
Ví bằng đem để sánh bầy,
Thất kinh vía quỷ, xa bay hồn phàm.

Nhân nay buổi thanh nhàn thư thái,
Chép vài hàng nhắn gửi nước non.
Cậy ai phán bảo ôn tồn,
Nên tin rằng có, chớ đồn rằng không.

Ðời đã thiếu anh hùng, cát sĩ,
Cửa phòng thu dễ hé cho ai!
Tự tình ta viết ra chơi,
Không không, có có, miệng người sá chi.


(Bài thơ này nằm trong truyện văn xuôi
Trong rừng nho của Ngô Tất Tố, nxb. Mai Lĩnh ở Hà Nội in lần đầu khoảng năm 1940, nxb. Ðà Nẵng tái bản năm 1990. Không có tên, tên đây là tạm đặt.)