“Tiễn chân anh khóa xuống tàu” diễn cảm xúc của tác giả khi đưa chân một nhà ái quốc xuất dương tìm đường cứu nước, nhưng để che mắt Pháp, nó mang hình thức lời vợ tiễn chồng. Nhờ đã được sáng tác để ngâm sa mạc là một lối ngâm dân gian rất phổ thông, theo Xuân Diệu là “rất mùi”, bài thơ dễ dàng đi ngay vào lòng dân tộc. (Thu Tứ)



Á Nam TT Khải, “Tiễn chân anh khóa xuống tàu”




Anh khóa ơi! Em tiễn chân anh xuống tận bến tàu,
Ðôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh.
Tay cầm trầu giọt lệ chạy quanh,
Anh xơi một miếng cho bõ chút tình em nhớ thương.

Anh khóa ơi! Cái bước công danh ngoắt ngoéo đủ trăm đường,
Anh đi một bước tấm gan vàng em sẻ làm hai.
Kìa người ta bè bạn vui cười,
Ðôi ta thương nhớ chỉ ngậm ngùi mà đứng trông nhau.

Anh khóa ơi! Còi tu tu tàu sắp kéo cầu,
Ðường trần em sắp sửa gánh sầu từ đây.
Trông anh, em chẳng nỡ rời tay,
Nỗi riêng em dặn anh câu này anh chớ có quên:

Anh khóa ơi! Người ta lắm bạc nhiều tiền,
Anh em ta phận kém duyên hèn mới phải long đong.
Một mình anh nay Bắc lại mai Ðông,
Lấy ai trò chuyện cho khuây lòng lúc sớm khuya!

Anh khóa ơi! Chữ tương tư vai gánh nặng nề,,
Giang hồ anh sớm liệu trở về kẻo nữa em mong.
Tính toan sao cho phỉ chí tang bồng?
Ở nhà em cũng dốc một lòng giữ phận thuyền quyên.

Anh khóa ơi! Cái máy phân ly sình sịch sắp chia duyên,
Thôi anh ngồi lại, để em bước lên trên mạn bờ.
Gió hiu hiu ngọn nước chảy lờ đờ,
Dưới sông con tầu chạy, trên bờ em với trông.

Anh khóa ơi! Anh ra đi mây nước muôn trùng,
Em trở về vò võ phòng không một mình.
Với trông theo tầu ngoắt khúc sông quanh,
Sông bao nhiêu nước, giọt lệ tình em bấy nhiêu...


1914























_______________________
“Anh khóa”: khóa sinh, tức người học trò đã đỗ kỳ thi sát hạch ở địa phương. 007