Văn bài ký này có mấy chỗ gợi cảm tuyệt vời.

Nguyễn Tuân từ Điện Biên Phủ đi thăm Tây Trang.

Ở chỗ khởi hành:
“… nông trang Điện Biên tới tấp gặt vụ lúa tẻ đầu tiên. Đứng nơi bờ sông (Nậm Rốm) mà nhìn lên đỉnh núi Pú Hồng và Tà Lèng, đã thấy nhiều vạt rừng Mèo Pú Tỉu vàng rực hẳn lên. Lúa nương bản Mèo rẻo cao cũng chín rồi, lúa vàng lênh khênh giữa trời như mọc giữa chân mây xốp đang ùn lên từ phía núi bên kia (…) Đã có những con chim chìa vôi quệt đuôi trên những bờ ruộng khô vừa bay vừa hót (…) Lăng xăng những cái bóng cô Thái đi ngắt bông lau về làm thêm đệm, chống gió bấc, gió heo, gió hanh đã lùa dưới sàn nhà gác”.

Tới nơi, buổi chiều:
“… đang bừng lên cái nắng bốn giờ chiều, cái nắng đậm đà của mùa thu biên giới, cái thứ nắng hanh đang sấy khô gió Tây Trang và đang mài sắc thêm tiếng động của hoa lau phất cờ trong bóng núi (...) Nắng tắm mãi lên rừng thu biên giới. Núi xa núi gần liên miên như trùng dương thạch trận. Sơn hệ nối vây nhau như đá khối đang gò đống kéo lên. Tôi nhìn ra một cái biển đá sóng đá tít mù non khơi (...) Chiều về biên giới núi càng tím lơ”. Và chao ơi, đêm khuya: “Sao bủa đầy trời như mặt bể nổi lân tinh, vòm trời cao trong vắt như một bầu pha-lê (…) Những chòm sao run run như muốn né tránh cái gió Lào bốc ngược lên từ mặt đất biên giới. Vòm pha-lê lóe điểm sao chùm đang ngân trả lại mặt đất cái ì ầm của gió núi. Sóng núi rập rờn trong sương buốt và nhấp nhô trên cánh đồng đá (…) Và gió buốt đã làm đông cứng lại những ngọn sóng biển, sóng thành ra đá cùng một lúc. Nhìn lên sao cao tôi thấy như đôi chân đang động trên sóng vỗ nhẹ và tôi như bị hút lên. Đêm Tây Trang, trời sao nhấp nhánh, thấy nó ngờm ngợp, thấy như mình đứng tì tay lên mép cái thành vách biên cương mà nhìn xuống lòng giếng khơi, lòng giếng khổng lồ dội lên cái va đụng của các vì sao đang sải bơi trong gió Lào một đêm giá buốt”.

Giời đất ấy, mà không có người ấy đi để thấy để cảm để viết thành lời thế này, chẳng phí quá lắm sao. Nhưng dĩ nhiên Nguyễn đi Tây Trang không phải để ngắm núi sóng với sao bơi, mà để thăm chiến sĩ biên phòng.

“Ở đây xa vắng nhân dân. Cái bản Mèo gần nhất cũng là gần mười cây số đường núi. Cái đồn thèo lảnh trên núi cỏ (…) Cặp mắt chiến sĩ biên phòng chỉ bạn bầu với cỏ gianh và mây gần mây xa (…) nheo nheo như luôn luôn theo dõi những mục tiêu di động trong rừng núi mịt mùng sương đêm sương sớm sương chiều (…) (có lúc) thăm thẳm vòi vọi như mắt những người đi bể (…) ở ngoài khơi nhìn vọng vào đất liền”. Về vật chất, chiến sĩ biên phòng được đặc biệt quan tâm nên không quá khó khăn, “anh em (…) chật vật nhất là về mặt tình cảm”. Chật vật thế, nên mỗi lần văn công lên diễn, khi về là bao nhiêu quyến luyến, đến nỗi gửi theo mấy đôi chim bồ câu thông tin để người trẩy xuôi có thể “báo cáo” dọc đường! Đi đâu thì cũng ca múa, nhưng lên đồn giữa biển đá, nhớ ca múa cho thật “tươi đời” nhé, đội ơi.


(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Tây Trang”



Ở bên này bờ cũng như ở bên kia bờ Nậm Rốm, hết mảng lớn này đến mảng lớn khác, nông trang Điện Biên tới tấp gặt vụ lúa tẻ đầu tiên. Đứng nơi bờ sông mà nhìn lên đỉnh núi Pú Hồng và Tà Lèng, đã thấy nhiều vạt rừng Mèo Pú Tỉu vàng rực hẳn lên. Lúa nương bản Mèo rẻo cao cũng chín rồi, lúa vàng lênh khênh giữa trời như mọc giữa chân mây xốp đang ùn lên từ phía núi bên kia. Trên những ngọn đồi của khu chiến trường lịch sử, cỏ gianh đã bung ra một thứ hoa tia tía cái màu tử tô. Đã có những con chim chìa vôi quệt đuôi trên những bờ ruộng khô vừa bay vừa hót, đúng là những cái tiếng bạn bè của những người cày ruộng sắp gặt lúa đưa về. Lăng xăng những cái bóng cô Thái đi ngắt bông lau về làm thêm đệm, chống gió bấc, gió heo, gió hanh đã lùa dưới sàn nhà gác. Đêm đêm lại cứ nghĩ lung về biên giới, về đồn biên phòng. Tây Trang ở cách xa Điện Biên đây chỉ có hơn một ngày đường, và đấy là cái chỗ cùng tột của con đường 42 này đi thông sang Lào. Chao ôi, hình như từ muôn thuở, biên giới vẫn có một sức hút đối với tình cảm con người. Thật vậy, không đi Tây Trang mà mai mốt lại về xuôi rồi, thì sao cho đành lòng. Tiểu đoàn liền cho chúng tôi một con ngựa thồ. Con đường đá đi Tây Trang trước kia là con đường xương máu. Nhiều người còn nhắc lại những chuyện đế quốc Pháp trước đây đưa những chính trị phạm Sơn La, Nghĩa Lộ lên làm. Cỏ gianh lên cao lấn ra giữa lòng đường cứa vào da mặt, da tay lại nhắc lại những cảnh máu và nước mắt của một thời đen tối ấy đã qua rồi. Đường rộng nhưng vắng người. Khác với bên Việt Bắc, rừng ở đây không có nứa, chỉ có cây, rừng trông sạch gọn hơn. Núi hói, núi trọc, núi đá và đồi gianh. Con ngựa thồ đi trước rũ hộ sương đêm đóng giọt trên lá trên cỏ mặt đường. Móng ngựa in vệt xuống mặt đường ẩm cái hình lá cây hoa ban. Trong nắng hanh, trước mắt đã hiện lên một khu doanh trại, xa trông như tường lũy gạch cũ của một dải thành xưa. Đây là một cái công trường làm đá làm vôi để chuyển về kiến thiết Điện Biên. Đơn vị đá đây là một đơn vị đánh đồi Him Lam, đồi A, dự phần chiến thắng Điện Biên và nay bắn mìn bộc phá lấy đá hộc, đá củ đậu, đá dăm về nung lò vôi. Ở đây suốt ngày chí chát tiếng đập choòng đục lỗ mìn và tiếng búa cái đập đá hộc. Chiều chiều tiếng nổ mìn phá đá vang dội qua các triền núi. Đoàn chúng tôi nghỉ lại ở công trường đá (...) Chiến sĩ có người choòng một ngày được thước rưỡi lỗ mìn, mức đá đề ra cho đơn vị là ba vạn thước khối đá hộc. Cái núi đá to cao đã vẹt dần chân, lưng núi cứ trắng dần ra vì mìn, gợi lại một số hình núi phía ải Chi Lăng hồi mới tiếp quản, ta làm lại đường xe lửa Hà Nội – Mục Nam Quan, phá núi lấy đá rải lót đường sắt.

Sớm hôm sau, đi tiếp lên đồn biên phòng (...) Con đường đá vẫn rộng và vắng. Cây chó đẻ mọc ngay giữa đường, như đứng sẵn ra đấy chờ ai lên cắt về làm phân xanh và chờ cũng đã lâu rồi (...) Cây số 120. Dốc núi bắt chếch lên mây trời thăm thẳm. Mây ấy là mây của nước khác rồi. Trên khối mây ùn như khói, trên cái không phận xanh lơ nước hàng xóm, sừng sững hiện lên một mái đồn Tây Trang (...)

Gió trên đồn cao biên phòng (...) thổi lộng óc, thổi cả mùa nóng, thổi cả mùa lạnh, thổi cả ngày, thổi cả đêm, thổi cả tháng thổi cả năm, năm ấy và năm khác quanh chỗ Lầu Tây (tôi tạm dịch hai chữ Tây Trang). Giờ nghỉ trưa lại nghe chính các chiến sĩ biên phòng đang nằm trên những đệm cỏ gianh kia nhắc lại: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang”. Anh bộ đội đội cái mũ bông có hai quai bịt tai – nó là cái nét đặc biệt của chiến sĩ đơn vị biên phòng này – nói thêm cho biết rằng một ngày ở Tây Trang cũng đủ bốn mùa: sớm mát như mùa xuân cây ban ra hoa, trưa là mùa hè, chiều là mùa thu đến và đêm là đêm đông trường. Và trên tất cả bốn mùa trong một ngày, là chỉ có gió, gió Lào. Chao ôi, gió Lào. Gió Lào đang lùa qua phên cỏ gian nhà chúng tôi nằm. Tôi ngờ rằng đêm hôm nay, mặc dầu tôi không phải thức làm nhiệm vụ canh gác như chiến sĩ Tây Trang, nhưng tôi cũng khó mà ngủ nhiều được (...)

Giời đang xuống màu dần ở nước hàng xóm. Mà bên nước tôi thì đang bừng lên cái nắng bốn giờ chiều, cái nắng đậm đà của mùa thu biên giới, cái thứ nắng hanh đang sấy khô gió Tây Trang và đang mài sắc thêm tiếng động của hoa lau phất cờ trong bóng núi (...) Nắng tắm mãi lên rừng thu biên giới. Núi xa núi gần liên miên như trùng dương thạch trận. Sơn hệ nối vây nhau như đá khối đang gò đống kéo lên. Tôi nhìn ra một cái biển đá sóng đá tít mù non khơi. Có những mảng trông ra mênh mông xanh tít một vùng chẳng khác chi một cánh đồng đá liền mấy tỉnh hỗn canh hỗn cư (...)

Chiều về biên giới núi càng tím lơ (...)

Đêm về, gió Lào càng thổi mạnh trong sân đồn phên cỏ, vạch cỏ phên ra mà chui vào. Đơn vị đã cho mỗi chúng tôi mượn thêm một chăn bông, nhưng tôi vẫn thao thức mà nghe gió (...) Tôi mở mắt mà nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác. Tây Trang không phải là tiếng Lào, không phải là tiếng Thái tiếng Mèo, nó có vẻ như là chữ Hán do người Kinh đặt ra, gọi cái nơi heo hút này là một cái “trại ấp ở phía giời Tây” (...) Chiến sĩ đồn Tây Trang chốc chốc lại bấm đèn pin lên giá súng tiểu liên, bấm vào những lá màn trắng rủ buông, khe khẽ gọi nhau dậy thay phiên gác. Những cái bóng chiến sĩ đổi gác quanh đồn, người nào cũng nai nịt đầy đủ gọn ghẽ. Tôi nhớ lại nhiều đoạn đời tư đời công của một số chiến sĩ đơn vị này vừa làm quen, tôi nhớ lại cảnh sinh hoạt buổi tối cùng anh em, đèn bão đốt thêm nhiều lên để chúng tôi kể chuyện và ngâm thơ và hát cho anh em nghe. Có những khuôn mặt tôi đã thuộc nét. Nhiều anh em chậm chạp trong cái cười, nhưng lúc cười lên thì truyền ngay được niềm an tâm cho người khác. Ở đây xa vắng nhân dân. Cái bản Mèo gần nhất cũng là gần mười cây số đường núi. Cái đồn thèo lảnh trên núi cỏ, đã trở nên cái gia đình chí thiết của anh em. Cái thư nhà của riêng mỗi người nhận được cũng chóng trở thành cái thư chung chuyền tới tay nhiều người đồng đội. Anh em được cấp phát ba chăn, hai mũ, nhiều áo hơn bộ đội nơi khác; bữa cơm ăn cùng mâm với anh em, tôi thấy nó tương đối đủ mỡ thịt và đậm đà ngon lành hơn ở nhiều bếp đơn vị điển hình; cái mức thường xuyên của đồn là như vậy, chứ không phải là vì có “khách” và tiếp khách. Thực ra, cái khó khăn của anh em không phải là về cơm áo thịt rau (...) Chiến sĩ biên phòng chật vật nhất là về mặt tình cảm. Tháng sau nằm ở Điện Biên, tôi mới có dịp hiểu thêm (...) Chả là có đội ca múa của Tổng cục Chính trị lên diễn ở đồn biên giới. Lúc đội trở về xuôi, chiến sĩ gửi văn công mấy đôi chim bồ câu thông tin, để mỗi lúc văn công ngừng ờ dọc đường thì viết mấy dòng cảm tưởng buộc vào chân chim, thả chim, chim sẽ bay lộn lại Tây Trang “báo cáo” tình hình xuống núi về xuôi của đội ca múa tươi đời (...)

Tôi nằm trong gió Lào đêm buốt, mở mắt mà điểm lại nhiều khuôn mặt chiến sĩ biên phòng, tôi nhớ lại cái nét, cái dáng, cái giọng chất phác hiền lành của anh tiểu đội trưởng. Anh quê ở làng miền xuôi (...) Từ ngày tắt tiếng súng chiến tranh, anh đã ăn liền mấy cái Tết ở đồn Tây Trang (...) Tôi nghĩ lại không rõ sự có mặt của mình ở Tây Trang đã động viên tinh thần chiến sĩ được tới cái mức nào, nhưng chính là cuộc sống thật của anh em ở đồn biên phòng động viên mình không phải là ít (...)

Ngoài sân đồn, cái đường hào lờ mờ dưới ánh trăng cuối tháng đã gần về sáng. Sao bủa đầy trời như mặt bể nổi lân tinh, vòm trời cao trong vắt như một bầu pha-lê. Những chòm sao run run như muốn né tránh cái gió Lào bốc ngược lên từ mặt đất biên giới. Vòm pha-lê lóe điểm sao chùm đang ngân trả lại mặt đất cái ì ầm của gió núi. Sóng núi rập rờn trong sương buốt và nhấp nhô trên cánh đồng đá. Gió về sáng càng nổi lên như sóng vấp đất liền. Và gió buốt đã làm đông cứng lại những ngọn sóng biển, sóng thành ra đá cùng một lúc. Nhìn lên sao cao tôi thấy như đôi chân đang động trên sóng vỗ nhẹ và tôi như bị hút lên. Đêm Tây Trang, trời sao nhấp nhánh, thấy nó ngờm ngợp, thấy như mình đứng tì tay lên mép cái thành vách biên cương mà nhìn xuống lòng giếng khơi, lòng giếng khổng lồ dội lên cái va đụng của các vì sao đang sải bơi trong gió Lào một đêm giá buốt (...)

Quá trưa ngày sau, chúng tôi rời Tây Trang, trời vẫn lồng lộng nắng và gió. Đoàn người ngựa chúng tôi trông cũng dễ lầm với một đoàn đi tìm mỏ (...) Tôi đổ hết cái dốc đồn biên phòng, còn cứ bịn rịn ngoảnh lại nhìn cái bóng xa các chiến sĩ vừa chia tay (...) Ngoảnh lại một lần nữa, mái đồn Tây Trang vẫn vi vút trên nền mây Lào (...)


Điện Biên, cuối 1958


(Trích từ bài Tây Trang trong tập ký
Sông Đà, nxb. Tác Phẩm Mới, VN, 1978)





Cửa khẩu Tây Trang như xây năm 2007 - không biết đây là đoàn khách nào