Đúc hàng trăm năm, tức đó là công trình tập thể của nhiều người từ nhiều thế hệ, tức có thể nói là đúc nên bởi một không gian văn hóa lâu đời. Đúc như thế đánh lên nghe vang xa dội sâu là dễ hiểu. Nhưng tại sao những cái do chỉ đúng một cá nhân “trong chốc lát tạo nên” cũng có thể rất vang dội? Chẳng hạn, thơ Nguyễn Bính hay kém gì ca dao. Hẳn lý do là thỉnh thoảng đất nước lại sinh ra được một đứa con đặc biệt dĩnh ngộ, hết sức nhanh chóng thấm thía cái không gian văn hóa xung quanh nó. Nguyễn Bính chứa cả quê trăm năm trong lòng, gặp dịp là “phun nhả” ra thành “châu ngọc”. (Thu Tứ)



Hoài Thanh, “Đúc hàng trăm năm...”




Trong văn học nghệ thuật, những cái có sức vang dội sâu xa thường không phải chỉ do công phu trong chốc lát tạo nên mà phải gắn với cả một quá trình hun đúc lâu dài có khi trải qua hàng thế kỷ. Tại sao một câu ca dao, một điệu hò Huế, một điệu xẩm xoan lại thấm sâu vào con người ta như vậy (...) Không những nó có thể gợi lên những kỷ niệm thời thơ ấu, tiếng ru của một bà mẹ, hình ảnh một ngọn tre, không khí một buổi chiều, nó còn nói được những gì rất mến yêu mà ta không rõ lắm.


(
Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, nxb. Văn Học, 1982. Nhan đề phần trích tạm đặt.)