“Những truyện mà cốt truyện diễn biến nhanh thực ra vốn đã có từ lâu”...

Loại truyện ấy trước kia ăn khách, mà bây giờ cũng vẫn ăn khách, ít nhất là ăn đứt “loại truyện nhẩn nha”. Không có gì lạ hết, vì chúng đáp ứng nhu cầu của số đông. Số đông người đọc lúc nào cũng thế thôi, cũng chỉ ưa đọc thứ truyện có câu chuyện “diễn biến thoăn thoắt”...

Điều đáng chú ý là trước kia song song tồn tại cả hai loại, còn bây giờ coi như chỉ “tồn” mỗi loại “nhanh” thôi.

Ơ, nhưng ở Á Đông trước đâu có cái loại văn nhẩn nha phân tích nhỉ? Thì không, nhưng ở ta vốn trong giới trí thức đã hết sức phổ biến cái loại văn nhẩn nha cảm xúc, tức là thơ, đấy.

Hết rồi, trí thức Đông Tây đi đời cả rồi. Tây đã đưa xong toàn thể nhân loại vào thời đại “dân chủ độc tài”(!) rồi. Nhân dân là vua! Bình dân vạn tuế!

(Thu Tứ)



“Võ Phiến về viết văn ở hải ngoại”



Ngày 21-10-1996

Minh Nguyệt (MN): Trước hết xin bác cho thính giả ở Việt Nam biết vài nét chính về cuộc sống của bác tại Mỹ từ năm 75 đến nay.

Võ Phiến (VP): Cuộc sống đó hết sức tầm thường. Hồi năm 1975 gia đình tôi tới Minnesota, tiểu bang cực bắc của Mỹ, sát kề Gia-nã-đại. Chừng hai năm sau chúng tôi tìm một nơi ấm áp nên chạy xuống California là chỗ cực nam, sát cạnh Mễ-tây-cơ. Ở đây vừa ấm lại vừa đông người Việt Nam, nên chúng tôi ở luôn cho tới bây giờ. Hồi còn ở Việt Nam tôi làm công chức; qua Mỹ, quen nghề cũ tôi cũng làm công chức luôn. Làm là để phục vụ cho ông thần khẩu, một ông thần khó tánh dữ dội, ổng không bỏ qua một ngày nào không hành hạ con người ta. Ở Việt Nam chỉ một mình tôi đi làm đủ sống, còn nhà tôi quản lý gia đình; qua Mỹ cả hai vợ chồng đều phải xông ra đi làm việc hết, vì ở Mỹ cái lương bổng nó không kèm theo món phụ cấp gia đình, cho nên chúng tôi đi làm cả hai cũng đủ sống vậy thôi. Từ đầu thập niên 80 tôi bắt đầu mắc chứng nghẽn động mạch vành tim. Từ năm 85 đến 92 đã phải mổ tim tới hai lần cho nên tôi không còn đủ sức tiếp tục công việc ở sở, tháng 7 năm 1994 tôi nghỉ hưu luôn. Chấm dứt mười lăm năm kiếm sống. Tóm lại đời sống của tôi ở trong nước cũng như ở ngoài nước là một đời sống bậc trung: Khổ thì không khổ hơn ai, nhưng sướng cũng chẳng sướng bằng ai.

MN: Theo như cháu biết thì thế hệ của bác học tiếng Pháp là chính, vậy thì không biết là khi mới sang Mỹ bác có gặp khó khăn gì đáng kể về tiếng Anh hay không?

VP: Ở Sài Gòn tôi cũng có xem sách báo bằng tiếng Anh, thành ra vấn đề đọc viết không có rắc rối gì; nhưng về nói và nghe tôi không rành rẽ, mà người lớn tuổi thì vẫn chậm hơn lúc trẻ cho nên khi làm công chức tôi chọn làm công việc thuộc về kế toán để ít phải đàm thoại, mà chỉ làm giấy tờ thôi.

MN: Như vậy bác có phải đi học thêm lớp tiếng Anh nào không bác?

VP: Không học chị à. Mang theo được bao nhiêu xài bấy nhiêu thôi.

MN: Dạ thưa kinh nghiệm làm việc ở báo Decision của mục sư Billy Graham của bác đã được nhiều văn nghệ sĩ ở hải ngoại biết đến và thích thú. Xin bác có thể kể lại vài nét chính cho quí vị thính giả tại Việt Nam được biết hay không?

VP: Tôi qua Mỹ, những người bảo trợ họ có giúp đỡ cho cái việc tìm việc. Mình mới qua, ở một thành phố lạ, không biết đi tìm đâu, họ hỏi, nghe nói mình trước có làm báo ở Sài Gòn, thì họ cũng giới thiệu ở đây vùng này, có tờ báo lớn của ông Billy Graham. Tôi tới, thấy họ đang thiếu cái công việc kêu là mailing clerk là người gửi báo. Ở trong tòa báo Bách Khoa trước kia cũng có người làm công việc viết tên và địa chỉ của độc giả để gửi báo đi; tôi thấy như thế cũng dễ. Có anh Xuân Hiến là một thi sĩ đã làm công việc đó ở tại tòa soạn Bách Khoa nhiều năm. Nhưng tới chừng nhận việc tôi mới biết sự thể khác hẳn: công việc ở Mỹ không giống như ở Sài Gòn. Không có chuyện đề tên từng người, không có quấn từng bao bì mà gửi đi như vậy. Mọi công việc làm bằng máy. Tờ báo người ta có tới trên bốn triệu độc giả, họ làm với máy móc lanh lẹ, tôi làm vài tháng rồi thôi, vì thấy công việc đó nặng về tay chân chứ không phải là việc văn phòng như trước kia ở Sài Gòn.

MN: Dạ còn trong sở Hưu thì công việc chính của bác là gì ạ?

VP: Ban đầu tôi làm sở Thuế hình như độ một tháng rưỡi thì phải, bây giờ tôi không còn nhớ rõ. Bởi vì sở Thuế họ mướn nhân viên chánh ngạch làm quanh năm, nhưng mỗi lục cá nguyệt thì vào những ngày cuối hạn khách hàng tới nộp thuế quá đông, người ta phải mướn thêm hạng nhân viên tạm thời. Tôi làm độ một tháng rưỡi, tới lễ Giáng Sinh, rồi thôi. Sở hết việc. Tôi được chuyển qua làm ở sở Hưu bổng. Ở sở Hưu bổng tôi làm luôn mười lăm mười sáu năm. Làm Hưu bổng là tính lương hưu cho công chức của quận Los Angeles. Ði lần lần từ công việc dễ tới công việc khó. Cuối cùng tôi làm chuyên viên bậc II của sở. Rồi bị mổ tim hai lần, ngồi tám tiếng một ngày vất vả quá, chịu đựng không thấu, tuổi đã cao, tôi nghỉ!

MN: Dạ thưa, về hoàn cảnh sáng tác của một nhà văn thì ở Mỹ có những thuận lợi và những khó khăn nào?

VP: Thưa chị, cái thuận lợi hơn ở Việt Nam tôi không thấy có thuận lợi nào đáng kể. Còn cái khó thì có đấy. Khó là mình sống thiếu hẳn sự mật thiết đối với cuộc sống xung quanh. Dù không có kỳ thị kỳ thiếc gì, mặc ai nấy sống, thì người ngoài đến sinh sống ở xứ lạ, sau hai mươi năm thấy vẫn còn có cái cảm tưởng mình sống ở bên lề xã hội của người ta. Nhìn vô xã hội hay nhìn ra cảnh thổ quanh mình, ta nhìn với cái nhìn bàng quan. Một cái nhìn bàng quan thường không gây được xúc cảm, mà thiếu xúc cảm thì lấy gì để sáng tác? Cho nên khó khăn.

MN: Thưa bác, còn vấn đề thì giờ sáng tác thì sao? Cháu biết là trước khi về hưu bác đi làm toàn thời, và cháu cũng biết là ở bên Mỹ công việc ở sở rất bận bịu chứ không có nhàn nhã như là ở các công sở tại Việt Nam, vậy thì bác thường viết vào lúc nào?

VP: Hồi đó ban đầu tôi còn khỏe, tôi viết ở nhà: tối về, chủ nhật, thứ bảy, viết ở nhà. Còn ở sở, thường thường mình phải đạt được cái mức trung bình hoặc là trên mức trung bình của một viên chức làm xung quanh thì mình mới có rảnh thì giờ chút đỉnh. Nhưng thiệt ra thì cũng... chị nói phải, cũng không có viết được bao nhiêunhư ở Việt Nam, tại sở. Tôi phải viết ở nhà. Kể ra mười mấy năm làm việc mưu sinh tôi không viết được bao nhiêu.

MN: Thưa, còn vấn đề nhuận bút, thỉnh thoảng cháu có gặp một vài văn nghệ sĩ trong nước, họ thường tỏ vẻ thắc mắc về chuyện này. Bác có thể giải đáp thắc mắc của họ qua kinh nghiệm trực tiếp của bác được không ạ?

VP: Cái nhuận bút ở Mỹ đây thực ra đối với tôi ít hơn hồi ở Việt Nam. Ở Việt Nam mỗi bài báo tôi nhận được nhiều; ở Mỹ, bởi vì thường thường các báo ít độc giả, số thu không được mấy. Các báo chợ là báo quảng cáo ra hàng ngày, ấn hành được nhiều, cho nên cái quảng cáo họ thu được nhiều, do đó có trả nhuận bút. Còn như mình viết cho tạp chí văn nghệ, số ấn hành không có bao nhiêu, cũng không mấy ai quảng cáo, cho nên số thu ít, báo mong thu được vốn để mà in số sau thôi (thu số trước in số sau) chứ cũng không có thu được bao nhiêu để chi nhuận bút cho khá, mà chi ít ít thì chẳng thấm vào đâu, mình cũng chẳng nên lấy làm gì. Quanh năm họ cho mình báo, thỉnh thoảng mình góp một đôi bài cũng như để trả cái ấn phí và tiền tem cho anh em vậy thôi.

MN: Dạ còn nhuận bút về sách thì sao thưa bác?

VP: Nhuận bút thì tính vào khoảng cũng mười phần trăm như ở Việt Nam. Trước sau tôi in ở nhà Văn Nghệ thôi.

MN: Dạ thường thì mỗi đầu sách in khoảng bao nhiêu bản vậy bác?

VP: Sách tôi thì ban đầu họ in từ một ngàn tới một ngàn rưởi cuốn. Bây giờ chung chung là xuống: in một ngàn.

MN: Bây giờ trở lại vấn đề những thuận lợi và những khó khăn trong sinh hoạt văn học ở hải ngoại. Theo bác thì những khó khăn có ảnh hưởng thế nào đến diện mạo của nền văn học Việt Nam ở hải ngoại từ 75 đến nay?

VP: Cái hoàn cảnh sáng tác ở ngoài nước nó đổi khác tất nó có ảnh hưởng đến việc viết lách của mình. Hồi còn ở trong nước người viết chỉ lo viết cho hay, viết cho đẹp, cho tốt. Chứ còn sống ở ngoài nước thì vừa viết vừa phải nghĩ ngợi loanh quanh, nghĩ xa nghĩ gần nhiều chuyện. Ví dụ như: mình đang xây dựng cái văn học nào đây? gọi tên nó là gì? là văn học hải ngoại? hay là văn học lưu vong? hay là không chừng nó thuộc vào cái văn học thiểu số của Mỹ chăng? Liên hệ của nó với văn học ở xứ cũ của mình? với địa phương mới? rồi tương lai nó ra làm sao? Ở lớp trẻ thì cái vốn tiếng Việt của họ mỗi ngày nó mỗi nghèo dần đi, rồi sau này vừa yêu nước, vừa sáng tác bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ðức, tiếng Phần-lan, tiếng Ðan-mạch v.v. cho nó tiện, như vậy có được không? Cho nên làm văn nghệ ở ngoài có nhiều trăn trở lắm, mỗi một bước tiến là năm ba trăn trở; nhất bộ tam tĩnh kỳ thân, người văn nghệ đầy ưu tư, không có được tươi tỉnh. Lớp văn nghệ sĩ này, cái xã hội họ đang sống thì họ đứng bên lề, mà cái xã hội họ tha thiết lại cách xa nghìn dặm, cho nên nền văn học mà họ dựng lên, diện mạo của nó thiếu cái vẻ hồn nhiên.

MN: So với những sáng tác của bác trước năm 75 thì những tác phẩm sau năm 75 chắc có những thay đổi đáng kể. Thí dụ như về phương diện thể loại thì cháu thấy là bác ít viết truyện mà tập trung nhiều ở tùy bút và phê bình. Bác có thể nói thêm về sự thay đổi này một chút được không ạ.

VP: Như tôi đã thưa, là bây giờ sống ở đây nhưng mà mình sống bên lề. Cái sáng tác nó cần mình phải nhập cuộc thì mình mới có xúc cảm mà viết được nhiều. Ðàng này mình sống bên lề thì sáng tác nó nghèo đi, cho nên tôi viết những cái không phải là truyện nữa. Cái đó là tại hoàn cảnh mà thay đổi, chứ không phải là tôi chọn lựa.

MN: Về phương diện chủ đề tư tưởng thì sau năm 75 bác có sự thay đổi gì đáng kể hay không? Thí dụ như cháu có cảm tưởng trong các tác phẩm của bác trước 75 bác hay bị ám ảnh về sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị. Rất nhiều truyện của bác lúc ấy tập trung vào chủ đề môi trường sống, môi trường sinh hoạt của con người; nhưng mà sau năm 1975, thì hình như lúc đầu, trong tập Thư gửi bạnLại thư gửi bạn bác cũng hay ưu tư về môi trường sống mới tại Mỹ, tuy nhiên càng về sau vấn đề ý nghĩa của đời người, của cuộc đời, càng ngày càng nổi bật trong tác phẩm của bác. Không biết cháu nghĩ như vậy có đúng không?

VP: Chị nói đúng. Trong nước thì tôi là gốc ở quê; về sau, trong hai mươi năm sau sống ở Sài Gòn cái đời sống nó khác, tôi có nhiều nghĩ ngợi về sự thay đổi của hoàn cảnh sinh sống. Tôi cũng có những bài viết về tình hình trong nước, thế cuộc thay đổi ở trong nước. Nhưng mà ra ngoài thì không còn hoàn cảnh đó nữa: Mình không phải là người quê ra tỉnh, cũng không còn có cái trách nhiệm trực tiếp đối với tình hình ở trong nước nữa, mà mình cũng không biết vững vấn đề, không còn theo dõi sát cuộc sống trong nước được, cho nên tôi cũng tách lìa đề tài này. Vấn đề lúc này là suy nghĩ về hoàn cảnh mới của mình đang sống: có sự khác biệt giữa chỗ nơi mình đang sống và cái nơi mà mình đã rời bỏ. Thường là những suy nghĩ về chuyện đó và về cuộc đời nói chung.

Ngày 28-10-1996

MN: Thưa bác VP, bác đã nói về những sự thay đổi trong các tác phẩm của bác sau năm 75, về phương diện thể loại và chủ đề. Xin bác có thể vui lòng cho biết thêm những sự thay đổi đáng kể về phương diện kỹ thuật trong những tác phẩm được bác sáng tác tại Mỹ.

VP: Sau này, về mặt kỹ thuật, điều được người ta chú ý là tôi có viết loại truyện thật ngắn. Chuyện đó bắt nguồn từ ở ngoài đời: cuộc sống nó gấp, mỗi ngày mỗi gấp thêm, cho nên truyện gấp theo. Vì vậy, nói về truyện thật ngắn, tôi xin bắt đầu bằng cách kể cái chuyện ngoài đời. Cách đây chừng hơn một tháng một tác giả ở San Fransisco có cho xuất bản một cuốn tùy bút. Tác giả thuật lại sự việc xảy ra tại vùng ông đang ở. Tại đó, có một vị sư tôi xin tạm gọi là nhà sư B. Nhà sư đó mới từ Việt Nam sang, gặp lại bạn cũ - người bạn cũ đó xin gọi là nhà sư A - đã đến Mỹ từ trước. Thầy B gặp thầy A, ngạc nhiên thấy thầy A đi sao nhanh quá, không giống như hồi ở Việt Nam, cũng không ra tác phong của một kẻ tu hành. Thầy B thấy vậy để bụng thôi. Rồi thầy tiếp tục tu trì tại một ngôi chùa ở San Francisco. Một thời gian sau đó lại có một nhà sư khác nữa, cũng từ Việt Nam mới qua - tôi xin gọi đây là nhà sư C -. Thầy C gặp thầy B, ngạc nhiên thấy thầy B bây giờ đi nhanh quá, không giống sư mà lại giống như là một người chuyên môn chạy việt dã. Thầy A qua trước, thầy B qua, thấy thầy A đi nhanh quá. Ít lâu sau, thầy C qua thì lại thấy thầy B đi nhanh quá. Chuyện xảy ra như vậy, không biết chừng có người nghĩ là người Mỹ có thói ham chạy, mà người ở bên mình thì có thói ham bắt chước, nhưng không phải vậy. Chắc chị còn nhớ cuốn To kill a mocking bird của Harper Lee xuất bản hồi năm 1960. Một nhân vật trong đó là cô Scout, cô ấy hồi tưởng lại thời thơ ấu sống tại thị trấn Maycomb ở tiểu bang Alabama. Hồi thời đó, vào khoảng thập niên 30, cô Scout cô ấy nhớ ra là dân phố thường thường đi thơ thẩn, chậm rải, cứ dạo qua dạo lại ngoài công viên, rồi ra ra vô vô các cửa tiệm, thấy món gì cũng ngắm nghía bàn tán, nhưng mua thì chẳng mua bao nhiêu. Thỉnh thoảng lại có người ghé vô nhà thờ nghỉ chân, nhân tiện đọc một bài kinh, bước ra, rồi lại dạo tiếp nữa. Thành ra hồi đó, khoảng năm 1930, thì mỗi ngày cũng 24 giờ thôi, mà sao ngày nào ngày nấy cứ thấy dài thậm thà thậm thượt. Người Mỹ ở quận Maycomb hồi đó chắc là bước chân cũng không nhanh bằng bà con mình sau này ở quận Bình Chánh, quận Nhà Bè, quận Gò Vấp. Như vậy cái nhanh cái chậm không do ở dân này dân kia, cũng không do địa phương này địa phương khác, mà là do thời đại sau nhanh hơn trước. Hễ nhịp sống nó nhanh lên, thì mọi hoạt động của con người cũng nhanh lên theo.

Ðó là một chuyện. Lại còn chuyện này nữa. Là cái nhanh nó không tăng đều đều, tăng lần lần, mà trước tăng chậm, sau tăng nhanh vùn vụt. Như từ thời đức Khổng Tử cho tới thời cụ Chu Văn An, cách nhau tới ngót hai ngàn năm, mà có lẽ bước đi của hai vị cũng không nhanh chậm hơn là bao nhiêu. Giả sử như đức Khổng Tử có dịp ngắm nghía cụ Chu Văn An bước đi chắc ngài cũng hài lòng về cái phong thái của một môn sinh cách xa tới hai thiên niên kỷ. Nhưng cô Scout ở Alabama lúc ba mươi tuổi nhớ lại hồi 6,7 tuổi thì ngạc nhiên vì bước thời trước quá chậm, một thời mới cách xa hơn vài chục năm. Sự gia tăng tốc độ đột ngột của thời đại này nó gây xúc động mạnh, nó gây ảnh hưởng sâu xa đến tâm lý của mình. Nói tới đây tôi nhớ lại... Tôi xin lỗi chị... tôi xin lỗi quí vị thính giả là tôi đã nói dông dài, nói chậm, nói như người thời xưa. Tôi xin vắn tắt là một khi cái nhịp sống chung quanh nó tăng nhanh, thì ngay các nhà sư ngày đêm tụng niệm cũng không kiềm được tốc độ của hai chân mình, làm sao đám cầm bút lại giữ nguyên được chiều dài câu văn? Bất giác, tự nhiên, nó đâm ngắn bớt lại, cụt bớt đi. Sư đi nhanh không phải vì sư muốn làm đẹp mắt thiện nam tín nữ, mà văn sĩ viết ngắn cũng không phải vì muốn làm đẹp ý người xem, hay làm đẹp lòng nhà xuất bản. Trước tiên họ viết là họ viết theo xu hướng tâm lý của mình, một xu hướng mới nẩy ra sau này. Họ cắm cúi viết, họ không để ý; cứ tự nhiên, ngoài ý muốn, cái nhịp nó mỗi lúc một ngắn đi, cho nên về mặt kỹ thuật mà nói thì quả là có một sự thay đổi.

MN: Dạ, để đáp ứng với nhịp sống ngày càng nhanh người ta có hai cách. Hoặc là rút ngắn câu chuyện lại, hoặc là tăng tốc độ câu chuyện, làm cho nó nhanh hơn, biến hóa mau lẹ hơn. Bác có vẻ chọn biện pháp thứ nhất, vậy thì bác nghĩ gì về biện pháp thứ hai?

VP: Không chừng cái mà chị gọi là biện pháp thứ hai đó đã được mang ra ứng dụng rồi. Có lẽ trong các truyện dài thành công bây giờ đã có sự tăng cường tốc độ của câu chuyện, làm cho nó nhanh hơn, biến hóa mau lẹ hơn. Kể ra trước kia không phải tiểu thuyết nào cũng rề rà. Những Chinh Ðông chinh Tây, Tam quốc chí bên Tàu, những Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Những kẻ khốn cùng bên Tây, cốt truyện đều diễn biến thoăn thoắt chứ không chậm. Cái chậm là ở những người viết loại truyện nhẩn nha, truyện phân tích, như phân tích cảm giác, phân tích tâm lý, phân tích sự việc... Những truyện mà cốt truyện diễn biến nhanh thực ra vốn đã có từ lâu, bây giờ hình như nhiều tác giả chú ý khuếch trương theo hướng đó và họ có vẻ đang thành công, hẳn vì viết như thế đáp ứng được yêu cầu của độc giả.

MN: Thưa như vậy thì tại sao bác lại chọn biện pháp thứ nhất?

VP: Như chị để ý, sau cuốn Nguyên vẹn, năm 1978, tôi không viết truyện dài nữa. Tôi đi làm công chức, không có thì giờ để mà viết những tác phẩm dài; tôi viết truyện ngắn, từ truyện ngắn tôi chuyển sang truyện thật ngắn. Nếu sau này mà tôi có thì giờ để viết truyện dài, có thể tôi sẽ phải theo biện pháp thứ hai mà chị vừa nêu đó. Nói cho gọn: vì không viết truyện dài nên tôi theo biện pháp thứ nhất.

MN: Trong các cuộc phỏng vấn đăng trên báo chí ở hải ngoại trước đây bác luôn luôn tỏ ra hoài nghi về tiền đồ của nền văn học hải ngoại. Không biết là hiện nay ý kiến của bác có gì thay đổi không ạ?

VP: Tôi cũng nghĩ như trước là cái văn học này đến một lúc nào đó nó tàn đi, nó biến thành cái văn học của một cộng đồng thiểu số của Mỹ, chứ nó không còn phải là Việt Nam hải ngoại nữa. Sau này lớp trẻ lớn lên họ không nói được tiếng Việt Nam bao nhiêu làm sao họ viết được. Lớp này rồi cũng có một ngày già, cỗi, tàn đi. Thành ra e văn học hải ngoại không có cái tương lai gì khác.

MN: Nhưng mà sáng tác với nỗi hoài nghi như vậy, tâm trạng của bác ra sao? Ðiều gì làm cho bác vẫn tiếp tục cầm bút?

VP: Tôi thì tôi không viết vì cái tiền đồ của văn học hải ngoại chị à. Tiền đồ đó nó rực rỡ, tôi viết. Mà nó có tối om om tôi cũng cứ viết. Hễ cứ lúc nào có cái gì để viết thì tôi viết; còn không có gì thì tôi nằm nghỉ cho nó khỏe... con tim. Trên tạp chí Văn Học xuất bản ở California, số tháng 10, tôi thấy anh Nguyễn Hưng Quốc có câu trả lời phỏng vấn, ảnh nói rằng ảnh viết vì ngứa ngáy: Hễ cứ ngứa ngoài da thì gãi, ngứa trong tâm hồn thì viết cho nó đã. Tôi nghĩ ảnh nói như vậy nghe nó thành thực. Tôi nhìn lại bản thân mình thấy cái viết của mình cũng là một cách gãi tâm hồn thôi. Văn học hải ngoại nó có ra sao mình ngứa cũng phải gãi. Cho nên chuyện tiền đồ của nó không có ảnh hưởng gì.

MN: Xin hỏi bác thêm chỉ câu này nữa: Thưa bác, bác có thường đọc tác phẩm của các nhà văn trong nước không, và bác có đặc biệt thích tác giả nào không?

VP: Tôi có đọc đấy, chị. Kể ra người ở nơi này cũng không dễ gì có nhiều sách báo nghệ phẩm ở nơi khác, cho nên cái biết của tôi có nhiều thiếu sót lắm. Nhưng chị đã hỏi thì tôi cũng nói thôi, nói căn cứ trên cái thiếu sót của mình đó.

Trong số các nhà văn ở trong nước mới xuất hiện mấy năm gần đây, tôi thích những tác giả thực ra đã được dư luận chú ý rồi, là: Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phan Thị Vàng Anh. Ông Nguyễn Huy Thiệp thì ông ấy tài hoa mà ỡm ờ; bà Dương Thu Hương sôi nổi, bộc trực; còn cô Phan Thị Vàng Anh thì thông minh, tinh quái. Nói vậy, ý tôi không muốn nói rằng tôi thích cái ỡm ờ, cái sôi nổi, hay cái tinh quái. Ðó là những biệt sắc của mỗi người, còn thích là mình thích ở chỗ họ viết hay, họ có tài. Nhất là Nguyễn Huy Thiệp.







_______________
Chép theo băng ghi-âm cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Australia ở South Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc. Cuộc phỏng vấn do bà Minh Nguyệt thực hiện, phát thanh ba kỳ: 14-10-1996, 21-10-1996 và 28-10-1996. Ở đây chỉ trích hai kỳ.