Dân tộc đã bao lần đánh ngoại xâm, nhưng phải đến lượt đánh giặc Pháp thì Tây Bắc mới trở thành một chiến trường chính.

Trên đường lên thăm Điện Biên Phủ, Nguyễn Tuân miên man nhớ:
“... cái hình ảnh anh cán bộ địch hậu Tây Bắc thèm muối thèm đường cái chính xứ đã đeo đẳng tôi suốt ngày đường (...) cái thứ muối xót lòng rơi nước mắt ấy (nay đã) nhiều như mùa xuân Tây Bắc nở hoa ban rồi, các đồng chí ạ (1) (...) Và con đường cái quan mộng ước của các anh từ cái hồi còn bí mật nằm trong hang đá bem ngó xuống, con đường ấy bây giờ lại còn đắp thêm mặt đường cho rộng ra nữa...”.

Lên đến nơi, bốn năm sau ngày quân kháng chiến bắt sống Đờ Cát, Nguyễn thấy:
“Đuôi bom, mũ sắt, xích xe tăng, cánh quạt tàu bay, hòm đạn, nòng súng, thùng xăng, khung díp, vành bánh, thiết giáp 18 tấn, tất cả những đồ lề nhớn nhỏ nặng nhẹ của chiến tranh đế quốc ấy đã hóa kiếp thành ra những cái đống dị dạng bẩn thỉu trên đó thời gian cho sùi mãi lên cái màu han gỉ xấu hổ của (…) chiến bại”. Và thấy: “Nắng buổi chiều mùa thu tà xuống bãi chiến trường và lấp lánh soi sáng vào đài liệt sĩ...”.

Khói bom khói đạn tan lâu rồi, bây giờ đứng ở chân cái
“tháp trắng trên đồi A” mà nhìn xuống: “Khói núi bốc lên như khói nồi cơm vừa sôi. Cánh đồng lịch sử Mường Thanh hiền lành như một cái nồi đồng điếu khổng lồ đang sủi tăm nước chờ đón lấy gạo tẻ từ nông trường của những anh bộ đội trước đây đã chính tay mình giải phóng cho nó”.

Tây Bắc đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Với nỗ lực của bộ đội ở lại và đồng bào địa phương và đồng bào miền xuôi “dọn nhà” lên, Tây Bắc đang chuyển mình để tích cực góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước. Cái vai trò nổi bật hơn trước nhiều sau Điện Biên Phủ khiến cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ độc đáo của Tây Bắc bắt đầu được biết đến rộng rãi.

“Người đi tìm cái đẹp” gặp cảnh đẹp, tất nhiên là “vẽ” :
“Ở chỗ cao nhất của thân đèo (Pha Đin), trông xuống, các chóp núi đều lượn rập rờn như các nếp sóng bạc đầu của một vùng biển cả mà phép màu nào đó vừa biến hóa thành ra đá, cứng lại, xanh sẫm và tím ngắt một niềm im lặng”.

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Lên Tây Bắc 1958”





Ảnh khuyết danh


Thế là đã sang ngang sông Đà hai lần rồi, và đêm này ngủ lại ở Suối Rút. Suối Rút với những kỷ niệm xây dựng cơ sở buổi đầu của khu Mai Đà trực thuộc Trung ương những năm đầu kháng chiến. Đã lâu lắm, tôi mới lại mắc màn ở một cái phố ruột ngựa nơi đường rừng. Cả đêm thao thức. Và chập chờn hiện lên những bóng hình cả từ xửa xưa cả từ Kháng chiến gần đây. Cuối thế kỷ 19, Pháp đã dựng Suối Rút thành thị trấn lấy đây làm cái cửa rừng để bòn rút dần những của cải rừng Tây Bắc và Thượng Lào, Trung Lào (...) Suối Rút còn ghi nhiều sự việc của dân công Khu Ba Khu Bốn tiếp tế cho tuyến lửa Điện Biên (...) Suối Rút cuối 1953 là một kho khổng lồ phân tán trong lòng rừng. Gạo, muối, đường, cá khô, sữa, nước mắm kem, lựu đạn, đạn các cỡ, tập trung quanh đây (...) Lá ngụy trang cái khô cái tươi rơi rụng trên khắp (...) mặt đường 41, khúc ruột thân yêu của Tây Bắc (...) Tàu bay địch quần con đường này ban ngày (...) Sinh hoạt náo nhiệt nhất của con đường Suối Rút – Sơn La là lúc từ mặt trời lặn (...) Đêm đêm rầm rập tiếng người chuyển, hơi nóng của dòng người đánh tan mù và sương rừng. Bộ đội (...) cán bộ (...) đi miết đi miết, gặp mặt trời ló ở đâu thì rẽ ngang khỏi đường trục, lấy chỗ rừng đó làm nhà mình, ăn ngủ qua quýt rồi chạng vạng mặt giời lại đi tiếp đi tiếp (...) Bài học địa dư Tổ quốc về phần địa dư hình thể Tây Bắc, quảng đại nông dân – kể cả người nông dân mặc quân phục – đã đem tất cả sức lao động và tình yêu đất nước ra mà học một cách tập thể ngay trên con đường Suối Rút – Sơn La này. Họ vừa gánh vừa học. Tôi cũng ôn lại bài học đó trên suốt đoạn xe từ Suối Rút đi Mộc Châu. Đã trưa rồi mà khí hậu cao nguyên Mộc Châu mát lạnh như đầu một mùa xuân nào. Sau lưng tôi một ngày đường, là Hà Nội đang nhễ nhại trong tiếng ve sầu và đường nhựa bốc hơi. Mây trắng Châu Mộc là là trên những ngọn cỏ mát rờn, một thứ cỏ cơm bữa của dê bò ngựa nông trường. Ngay chỗ đỗ xe là căng-tin. Những cái bóng linh lợi của người lính hòa bình kiến thiết Tây Bắc. Bát phở nóng căng-tin, năm sáu năm tới hẳn là ngậy lên cái mùi thịt chín thịt tái của chính bò nông trường đây. Tách cà-phê nóng căng-tin gợi trước lên cái hương vị cà-phê tương lai của nông trường Tây Bắc. Chẳng bù với quang cảnh năm nào, bộ đội ta vào Tây Bắc mở rộng căn cứ, đất Xồm Lồm đây chỉ một màu trúc võ cỏ cháy, nồng lên cái mùi hổ đói. Hàng ngày đường không có tiếng nói của người đi. Toàn là cỏ dại và củ riềng, cái vị riềng cay muối mặn nhớ đời của bữa cơm đơn vị chủ lực quân vào mở đất ở Sơn La. Bây giờ thì khác quá đi rồi (...) Trong tôi đang hình thành lên một tấm tranh áp-phích (...) Trong lòng tấm áp-phích sẽ thu bé lại để in tem, tôi muốn vẽ một con đường hồng hào vắt vẻo trên một cái nền màu lam, một màu lam sâu sắc và chung thủy nó diễn tả đúng cái chất của triền núi Tây Bắc (...)

Đi trên con đường 41 này mà từ nay ta gọi là đường quốc lộ số 6, đi trên đường số 6 qua Châu Mộc, Châu Yên, Châu Thuận, Mường La, Mường Muội, Mường Mùn, Mường Lay mà rủi quên đi cái dĩ vãng phức tạp của cuộc sống hai bên trục đường này thì đó là một thiếu sót nó hạn giới tấm lòng cảm thông của mình với cảnh và người trước mắt. Cách đây bảy mươi năm, Tây Bắc là khu vực Pháp xâm lăng cuối cùng trong lịch sử mất nước của nước ta. Trước khi có Cách mạng, con đường đá này là con đường của những người cách mạng đi lưu xứ mười niên hoặc cấm cố chung thân, người đi lên con đường này cũng gần như là đi con đường biển ra đảo Côn Lôn hoặc sang đất an trí Guy-an của Pháp ở Mỹ La-tinh (...) Cán bộ gây cơ sở địch hậu Tây Bắc hồi ấy chỉ đem theo trên người một cái bật lửa, một cái thuổng đào củ mài và một tấm lòng. Rạch bẹ chuối rừng ra hứng lấy từng giọt mà uống, ngắt lấy búp cỏ gianh mà nhai cho đỡ đói đỡ khát; nằm trong hang đá mà khát mà đói mà thèm muối, nhìn đá lấp lánh trong hang mà mơ đến những tảng những hòn muối mỏ. Muối thời chiếm đóng là vàng trắng. Giặc Pháp đã đem cái vàng trắng ấy ra mà thử lòng bọn tham bọn xấu. Cũng đã có những đứa ham mấy bơ muối mà cắt đầu anh cán bộ đem nộp cho Tây. Cán bộ địch hậu hồi ấy nhớ muối và thèm đi trên đường cái quan. Có đồng chí mải mê nhen lửa trong lòng nhân dân Tây Bắc để Cách mạng sớm bùng ngọn khắp nơi, mong Tây Bắc mà giải phóng rồi, thì cái nguyện vọng đầu tiên và cũng giản đơn của anh lúc ấy sẽ là được nhảy ngay xuống con đường trục mà chạy suông một đoạn giữa mặt đường thênh thang chói chang ánh sáng tự do, cười nói cử động thừa thãi với cái tư thế của một người làm chủ đất nước mình. Ẩn ẩn hiện hiện, cái hình ảnh anh cán bộ địch hậu Tây Bắc thèm muối thèm đường cái chính xứ đã đeo đẳng tôi suốt ngày đường. Hôm nay đây, cái thứ muối xót lòng rơi nước mắt ấy đã từ dưới xuôi đưa lên đây, ô-tô vận tải quốc doanh đã đưa lên rất nhiều, mậu dịch heo hút và cao vắt vẻo nhất cũng có nhiều, nhiều như mùa xuân Tây Bắc nở hoa ban rồi, các đồng chí ạ (...) Và con đường cái quan mộng ước của các anh từ cái hồi còn bí mật nằm trong hang đá bem ngó xuống, con đường ấy bây giờ lại còn đắp thêm mặt đường cho rộng ra nữa, lòng đường đắp cao vồng lên, nền đường cấp phối đủ đất, đá, cát, đá sỏi lần lượt chồng xếp lên nhau (...)

Đời sống Tây Bắc ngày nay (...) Dọc châu Mộc và châu Yên, những quán tự giác mọc mãi lên ở ven đường ở mé suối (...) Các bác các chị Thái (...) sáng kiến dựng nên (...) Ở đây không có người bán hàng, nhưng có đủ thời trân phẩm quả: chuối, dưa, muỗm, mía, cam, tùy theo từng mùa từng vụ, giá nhất định đã ghi trên chõng quán. Khách đi đường cần giải khát lót dạ, tự mình chọn lấy món quà và tự mình bỏ tiền vào cái túi vải thêu dắt ở mái gianh (...)

Đèo Pha Đin thuộc vào loại những đèo vừa cao vừa đẹp của cả nước ta. Đường đèo ngoặt chữ “chi” liên chi hồ điệp, nhiều dốc dựng cao. Nhìn ngang nhìn ngược nhìn xuôi đều thấy được những đường lượn vừa vượt qua và những khuỷu sắp lao xuống. Một tấm tranh toàn cảnh của núi rừng Tây Bắc điển hình. Núi trọc, sườn cỏ gianh, và đường xén vào núi, đất rực lên cái màu đỏ gạch nung già (...) Ở chỗ cao nhất của thân đèo, trông xuống, các chóp núi đều lượn rập rờn như các nếp sóng bạc đầu của một vùng biển cả mà phép màu nào đó, vừa biến hóa thành ra đá, cứng lại, xanh sẫm và tím ngắt một niềm im lặng.

Mây ở đây xốp lên như bông như len (...) Trên Pha Đin, cỏ gianh liên tiếp đồi nọ đồi kia như một tấm áo nhung đại cà sa óng ánh xanh một màu cỏ pha, trên cái áo căng phơi dài rộng đó, ánh sáng láng đi láng lại nhiều lần (...)

Từ chân Pha Đin vào Điện Biên, từ Tuần Giáo vào, đường 42 dữ hơn. Suối ác hơn, phong cảnh lầm lì. Ai hay đau tim chỉ nên đi vào mùa khô. Ai tài nghệ lái chưa già dặn, cũng dễ chùn tay lái. Những anh bạn trẻ cùng xe đều là những con người vào sinh ra tử của đất Điện Biên, nên chuyến xe đi rất trầy trật hồi hộp, nhưng cũng rất vui (...) Đã đến bản Nà Tấu. Phong cảnh rộng hẳn ra. Hồi ta tấn nó, Nà Tấu là cái tuyến sâu nhất của dân công và cái tuyến cuối cùng của bộ phận hậu cần. Cách đây ít cây, vẫn còn dấu vết con đường kéo pháo vào Mường Thanh (...) Những ngọn đồi phía đông Mường Thanh không còn đỏ trụi như lúc đánh nhau lấy đi lấy lại. Cỏ cây xanh rì. Có những cây soan đã cao hơn tầm với. Đuôi bom, mũ sắt, xích xe tăng, cánh quạt tàu bay, bao đạn, nòng súng, thùng xăng, khung díp, vành bánh, thiết giáp 18 tấn, tất cả những đồ lề nhớn nhỏ nặng nhẹ của chiến tranh đế quốc ấy đã hóa kiếp thành ra những cái đống dị dạng bẩn thỉu trên đó thời gian cho sùi mãi lên cái màu han gỉ xấu hổ của bọn xâm lăng huênh hoang và chiến bại. Cái xe tăng có ụ ca-nông trên cánh đồng cỏ trong mấy năm nay chỉ còn có chút ý nghĩa đối với mấy hiệu ảnh bên phố mới: thỉnh thoảng lại có người muốn chơi ảnh, ngồi chơi lên xe tăng cho hiệu ảnh bấm một cái. Trong một nhà bán quà bánh phố Điện Biên, luống hành hoa đang so le ngọn lá trên những cánh tàu bay, đuôi tàu bay lem nhem (...) Bên kia bờ sông mưa ngâu dìm lún xuống thêm nữa cái nóc hầm tò vò của chỉ huy sở tướng Đờ Cát. Đứng bất cứ chỗ nào trên cánh đồng Mường Thanh bao la, cũng nhìn thấy tháp trắng mộ liệt sĩ trên đồi A. Nắng buổi chiều mùa thu tà xuống bãi chiến trường và lấp lánh soi sáng vào đài liệt sĩ. Đồng hồ tôi đúng năm giờ, cái giờ bốn năm trước đây bọn tội phạm ló cái mảnh dẻ dù trắng lên (...) Từ đó, cánh đồng đạn đã trở lại làm cánh đồng lúa đứng hàng đầu trong bốn cánh đồng lương thực ở Tây Bắc (...) Thành núi Pú Hồng Mèo Tà Lèng và bốn bề núi vây tròn lấy cánh đồng Mường Thanh. Khói núi bốc lên như khói nồi cơm vừa sôi. Cánh đồng lịch sử Mường Thanh hiền lành như một cái nồi đồng điếu khổng lồ đang sủi tăm nước chờ đón lấy gạo tẻ từ nông trường của những anh bộ đội trước đây đã chính tay mình giải phóng cho nó (...)




Trên nóc hầm của tướng Đờ Cát - ảnh khuyết danh



(Trích từ bài Đường Lên Tây Tây Bắc trong tập
Sông Đà, nxb. Tác Phẩm Mới, 1978. Bài viết khoảng năm 1958. Nhan đề phần trích tạm đặt.)