Cái “đặc điểm của tư duy tôn giáo Mường: óc thực tiễn, khuynh hướng phàm hóa siêu nhiên (...) nặng nhân tình”, cũng chính là đặc điểm của văn hóa tâm linh Việt. (TT)



Nguyễn Từ Chi, “Vũ trụ quan Mường” (4)




Từ diễn biến của tang lễ (...) chúng ta thấy hiển hiện một quan niệm khác về vũ trụ, hoàn toàn không giống quan niệm “ba tầng – bốn thế giới” mà chúng ta đã biết (...)

Đây là một vũ trụ gồm hai thế giới (...) một là MƯƠNG MÓL (mường Người), hai là MƯƠNG MA (mường Ma). Mường Người và mường Ma, “cõi sống” và “cõi chết”, tự nhiên và siêu nhiên, đối lập nhau trong thời gian. Vì mường Người còn có tên là MƯƠNG LÁNG (mường Sáng) và mường Ma còn được gọi là MƯỜNG THỘL (mường Tối) (...) “ngày mường Ma là tối ở mường Người, tối ở mường Ma là sáng ở mường Người”. Một bố Mo ở mường Động cũ còn dẫn một câu trong mo “Nhìn họ”:

“CON CHIM LA CON CHỌ
CON VỌ LA CON CA”

(“Con chim là con chó
Con vọ là con gà”).

Đối lập vọ, chim ăn đêm, với gà, loài gáy sáng, cũng là đối lập đêm với ngày. Nhưng tại sao lại đối lập chim với chó? (...)

Chúng tôi (...) nghĩ rằng mường Ma và mường Người chung nhau một không gian (...) căn cứ vào nội dung phần “Nhòm họ”, thì ở thế giới bên kia cũng có xã hội, gồm linh hồn những người đã chết, cũng có gia đình, họ hàng, xóm mường, lang ậu: xã hội ma chỉ là xã hội người sống ảnh xạ vào thế giới siêu nhiên (...)

Đến đây, một câu hỏi tất nhiên được đặt ra: mường Người và mường Ma có phải là hai mặt đối lập của mường Pưa không? Nói một cách khác, phải chăng vũ trụ “hai bên” và vũ trụ “ba tầng – bốn thế giới” được phối hợp lại, trong quan niệm cổ truyền của người Mường, thành một thể thống nhất? Chưa có ai cho chúng tôi một câu trả lời dứt khoát (...)

Chúng ta thấy rằng điều quan trọng trong đám tang Mường là chuyển cho được linh hồn người chết (...) từ mường Người qua mường Ma. Đây là việc riêng giữa người và người, giữa người sống và người chết, không có bàn tay can thiệp của thần linh (...) Nội dung nhân bản đó càng nhấn mạnh tính chất hầu như vô nghĩa của mường Trời (...) Mường Trời không tìm đâu ra một thể đồng dạng và đối lập với nó (...) những lời phán quyết của vua Trời không được một Diêm vương nào thi hành ở Thập điện (...) Chắc hẳn mường Trời, với những nhân vật chưa tô đậm nét (vua Trời chưa rũ sạch diện mạo của một ông Lang), với những lời phán quyết không được thi hành (...) là một yếu tố mới trong vũ trụ quan cổ truyền của người Mường (...)

Nói tóm lại, vũ trụ “ba tầng – bốn thế giới” của người Mường là một hệ thống phức hợp: thế giới bên trên bắt nguồn từ Đạo giáo (và có lẽ cả Phật giáo nữa), các thế giới bên dưới là vết tích của những hệ thần thoại cổ hơn nhiều (...)

Sức hỗn dung của tôn giáo là vô cùng (...)

Đặc điểm của tư duy tôn giáo Mường: óc thực tiễn, khuynh hướng phàm hóa siêu nhiên, và ít nhiều luyến tiếc đối với một hệ thần thoại (...) lỗi thời (...) mang nặng nhân tình hơn thế giới thần linh sặc sỡ mà lạnh lùng của Đạo giáo (...)


(Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2003. Nhan đề phần trích tạm đặt.)