Thời tiền chiến, tưởng tượng mà viết “Trên đỉnh non Tản”, hẳn nhà văn không ngờ sẽ có ngày mình được đặt chân tận đỉnh non Phăng. Ở tuổi ấy vẫn còn làm được một chuyến đăng sơn ngay thanh niên khỏe mạnh cũng phải ngại, đôi chân của một người cứng lâu thật! Lên tới nơi, tuy đứng giữa mây trắng, “đoàn” không hóa thành những tiên ông hững hờ với chuyện trần gian mà ngược lại, đã cùng nhau chăm chú lắng nghe tiếng “sấm đất” và tiếng đài đọc tin tình hình chiến sự… Đầu năm 2016, nhờ cáp treo, chúng tôi chỉ phải trèo có 600 bậc đá rộng rãi đã đặt chân được lên chóp Hoàng Liên Sơn. Đứng trên đỉnh trời của quê hương thanh bình, phát triển, nhớ những trang ký cũ kỹ, thấy cái âm thanh đặc thù một thời dân tộc nỗ lực phấn đấu phi thường mà mình không hề được nghe bỗng như đang đồng vọng trong lòng! Và thấy ước ao có một cái đài để mở ra đợi nghe bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam…

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Lên đỉnh giời nghe sấm đất”





ảnh Vũ Thành Kông


Tôi có lóp ngóp lên tới tuyến đỉnh Phăng Xi Păng rồi. Trên ấy, tuyệt đối không một con vắt, không một con muỗi, không một con ruồi. Không khí trong lành. Tốt giời thì đêm nhìn thấy quầng ánh sáng công nghiệp Việt Trì. Bụi thì hiếm mà trúc thì giống như cái phất trần và mặt núi thì như mâm xôi. Mâm núi nào hoa đỗ quyên (rô-đô-đen-đơ-rông) ngũ sắc cũng nở bạt ngàn (...) (1)

Đoàn điều tra tài nguyên đất nước ngủ lại hai đêm trên đỉnh Hoàng Liên Sơn. Thị trấn nghỉ mát Sa Pa 1500 thước ở dưới chân mình, trời mùa hè vẫn quang quẻ và tươi nắng nhưng trên đỉnh Hoàng Liên Sơn thì mây vần gió giật và dông bão và mưa to. Lều vải tốt có lót ni-lông nhưng luôn luôn phải chạy dột và lo gió bay mất lều. Cả một ngày mưa to gió lớn, ngồi hứng giọt lều lấy nước thổi nấu. Và mở tờ-răng-xi-to theo dõi tình hình chiến sự (...) Giữa một thế giới buốt lạnh, mây trắng mịt mùng, trên đỉnh ngọn núi cao nhất nước, nghe cái tiếng nói phát thanh (...) nó có một cảm xúc lạ lắm (...) Chúng tôi nằm ép vào nhau, mà nghe mưa như tháo cống trên mái lều. Chật chội ướt át như một cảnh đò dọc neo lại giữa sông mưa (...) Ngoài những người xúm xít trong cái lều vải ướt mưa này, cả khu vực núi rừng quanh đây là không có ai hết! (...)

Tôi vừa có thêm nhiều người bạn mới đang sống ở chân Hoàng Liên Sơn, nhiều người quê ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi phát triển kinh tế (...) không ít những con người trẻ tuổi quê ở ngay thủ đô Hà Nội (...) Trên suốt tuyến đường từ đèo Ô Quy Hồ vào đến ngã ba Bình Lư, tất cả những người thanh niên ấy đang hăng hái tiến hành một cuộc đấu tranh với thiên nhiên, đang hào hứng mở đường cho ô-tô mai đây nối liền hai tỉnh thượng du Lai Châu và Lào Cai. Từ mấy tháng nay, rừng núi sát dưới chân Hoàng Liên Sơn rền vang lên tiếng mìn bộc phá của đoàn thanh niên đồng bằng lên mở đường cho đồng rừng. Trời quang, đứng trên đỉnh Phăng Xi Păng nhìn xuống, vẫn thấy những cột khói mìn mở đường (...) Cuối xuân sang hè, trên Hoàng Liên Sơn mưa to và động sấm. Nằm trong lều trên đỉnh cao, được nghe cả sấm giời và cả tiếng sấm mở đường vọng lên từ mặt con đường đang xẻ vào lưng núi dưới chân mình. Quả thực là tiếng đồng vọng của một chiến dịch, anh ạ (...) Lúc tôi viết thư cho anh đây, ngồi cạnh Hồ Gươm nhưng tai vẫn đồng vọng cái tiếng mìn mở đường kinh tế trên Tây Bắc (...) (1964) (2)



ảnh khuyết danh



ảnh Phạm Ngọc Triển - Ngọc Bằng



ảnh Phạm Ngọc Triển - Ngọc Bằng







_______________
(1) Trích từ bài Tây Bắc Và Lào Cai trong tập
Ký Nguyễn Tuân, nxb. Văn Học, 1986.
(2) Trích từ bài Vẫn Cái Tiếng Dội Cà Mau Ấy... trong tập ký nói trên.