Thế Lữ nổi tiếng về Lê Phong hơn, nhưng kể chuyện Hai Nhiêu, chẳng hạn, thì văn linh động hơn. Cũng tự nhiên thôi, vì một đằng không đào đâu ra mẫu cho nhân vật phóng viên trinh thám và các bạn, còn một đằng tương đối dễ tìm mẫu cho nhân vật kẻ cắp và các vai phụ xung quanh... (TT)



Thế Lữ, “Câu chuyện trên tàu thủy”




Nhân nói đến những sự nhũng nhiễu trên tầu thủy, người đàn ông trạc năm mươi tuổi, mặc áo bông đoạn, đeo kính trắng gọng vàng, trông ra vẻ một ông ký về hưu, nằm hút thuốc phiện trong phòng hạng ba của chiếc tầu chạy Hòn Gai, có kể cho tôi câu chuyện như sau.

*

Tôi biết một người kẻ cắp rất giỏi, tên là Hai Nhiêu, người Ninh Bình. Bác ta rất thông minh, thiệp nhã, lại “quân tử” nữa. Quân tử trong phường kẻ cắp - cố nhiên. Không bao giờ bác thèm lấy của người nghèo. Ăn cắp đối với bác không phải là một nghề kiếm cơm, đó chỉ là một cách giải trí của tay chơi, hay có thể nói là một... “nghệ thuật”. Bởi thế việc lấy cắp càng khó, càng nguy hiểm, Hai Nhiêu càng thích. Bác ta khi đã “nhằm” món nào, tất món ấy phải lắm tiền, mà đã cố ý lấy tất không bao giờ hụt.

Từ lúc mới quen nhau do một sự ngẫu nhiên - quen nhau kể đã có trên mười năm nay - Hai Nhiêu không giấu tôi cái chí hướng thích ăn cắp ấy. Nằm đối diện bên bàn đèn, bác ta thường đem những “công cuộc hành động” của mình thuật lại với tôi. Nhiều chuyện ly kỳ và lý thú lắm, kể không xiết được. Nhưng tôi chỉ chú ý đến chuyện này, vì nó khác thường hơn; Hai Nhiêu thường nhắc lại luôn và gọi đó là một cái khờ đáng tức cười, một sự “thất bại” của mình lần thứ nhất.

Hồi ấy Hai Nhiêu đang trổ tài nghệ trong mấy sòng bạc ở Hải Phòng. Bác ta thí nghiệm ngón khôn khéo trên túi ai là cái túi ấy sẽ phải rỗng. Nhưng bác lại có tính máu mê, được đồng nào của con bạc thì lại nướng cho nhà cái hết. Đang lúc lập một mưu “chưa xuất bản” để ăn to, bỗng có tin nhà ra báo cho biết rằng vợ Hai Nhiêu ốm nặng.

Là ăn cắp, nhưng cũng là chồng tốt, Hai Nhiêu phải đến vay tạm tôi dăm đồng để về thuốc thang cho vợ. Rồi ngay chiều hôm đó đi tầu thủy xuôi Nam. Xuống đến tầu, công việc thứ nhất của bác là đi xem xét mọi nơi: bác ta mong gặp được cái may có thể giúp mình được ít tiền nữa. Nhưng hành khách tuy đông mà không người nào có “máu mặt”. Phần nhiều là người buôn bán nhỏ, túi tiền không xứng đáng với tài hoa của bác; hay những người phu mỏ ốm dở trở về. Hai Nhiêu thấy họ lại cẩn thận đề phòng giữ gìn các gói hành lý hoặc đồ đạc và thấy một vài tên ăn cắp quèn lảng vảng trong đám ấy thì bĩu môi ra dáng khinh bỉ. Bác thong thả đến ghế ngồi trên mép chiếu ở gần buồng máy, uể oải mượn cái điếu cầy rít một hơi, rồi ngả lưng dựa vào cái cột sắt ngủ gà ngủ gật cho đến khi trong tầu lên đèn.

Bỗng những tiếng ồn ào gần đó nổi lên. Anh chàng mở độc một mắt ra coi rồi lại nhắm lại. Nhưng tiếng ồn ào lại thành tiếng quát mắng lẫn tiếng van lơn. Bác khó chịu, phải mở cả hai mắt ra thì thấy người mại bản đang xỉa xói một người nhà quê thiếu tiền tàu và nhất định đuổi người ta xuống. Hai Nhiêu bực mình quá, đứng lên can thiệp, thì người nhà quê kia lạy lấy lạy để, vừa nhăn vừa kêu:

- Bẩm ông, con về Nam nhưng thiếu mất một hào. Con nói với chú ấy cho chịu đến khi lên bến, con vay con trả, mà chú ấy không nghe.

Tên Khách thì cứ luôn mồm:

- Cái lày ti tầu, không cố tền thì ti làm gì? Không! Cái lày phải xuống tây, không có lôi thôi.

Người nhà quê lại hết lời nói khéo mà tên Khách vẫn nhất mực không nghe, sau hai Nhiêu phải gắt:

- Thì người ta đến bến là có tiền, việc gì mà phải làm dữ thế. Hay là giữ lấy hành lý của người ta để người ta chuộc sau không được ư?

Tên Khách lườm:

- Cái nị không có piết! Hằng lý nó có cái này thì lấy làm gì!

Người nhà quê chỉ có một cái lồng gà rỗng, với trong đó một gói mo chừng đựng cơm nắm, và hai cái nồi đất mới, miệng bưng bằng giấy nhật trình.

Hai Nhiêu đã hối hận vì trót dây vào việc này, lại cứ bị người nhà quê bíu lấy kêu nài mãi.

- Ông làm ơn nói với chú ấy hộ. Con thế nào cũng vay trả chú ấy, chứ bắt con xuống bến này bây giờ, thì khổ cho con quá. Con lạy ông.

Còn người Khách thì cứ:

- Lạy ông! Lạy ông! Cái lày cố tền ti tầu thì ti tầu mà không cố thì từng ti... lạy ông cái gì cơ lớ!

Rồi hăm hở toan túm lấy ngực người đàn ông kia lôi đi.

Sự bất bình liền sôi trong máu Hai Nhiêu. Bác ta chợt thấy mình là người anh hùng kẻ cả, liền gạt anh Khách ra, rút một tờ giấy bạc quăng vào mặt nó, hách dịch nói:

- Bán một cái vé về Nam Định, giữ lấy một hào của người này nữa, rồi trả lại tiền.

Tên Khách đưa vé xong vừa lẩm bẩm quay đi thì Hai Nhiêu giữ vai kéo hắn lại:

- Từ nay phải nhã nhặn với khách đi tầu chút nữa, nghe không?

Nói đoạn, bác ta về chỗ cũ ngồi, làm bộ không thèm để ý đến những câu trầm trồ khen ngợi của mọi người gần đó.

Người nhà quê thì cám ơn đi, cám ơn lại, đưa cái điếu cầy mời Nhiêu hút và xin miếng trầu của một bà ngồi bên cạnh mời Nhiêu ăn. Lại đem nông nỗi làm ăn vất vả kể với Nhiêu để che sự hổ thẹn thiếu tiền tầu lúc nãy. Lúc Hai Nhiêu thoát được những lời tử tế thái quá ấy thì người nhà quê lại đem cái lồng gà đến bên như ý gửi mình coi hộ, rồi đi ra đằng lái tầu.

Hai Nhiêu ngồi bật cười một mình, không ngờ đâu người mà ai cũng chê cũng ghét, nay lại là người được người ta yêu trọng đến thế. Bác ta lẩm bẩm nói: “Giả thử ngài có của nhét chật túi chứ không có mấy cái nồi đất kia, thì có lẽ ngài phải chửi đến mấy đời ông tổ nhà tôi chứ chẳng không”.

Rồi nhớ đến những ngón khôn khéo, gian giảo của bác ta từ trước đến nay, bác ta thấy việc vừa rồi làm cho trái tim kẻ cắp của bác hơi cảm động. Không phải là vì bác đã làm được một điều thiện - thiện với chẳng thiện thì Nhiêu có cần gì? - nhưng vì thấy cái cảm giác đầu tiên được những người hiền lành kia tin bác một cách chân thực. Hai Nhiêu nghĩ bụng: “Hoài của! Giá bọn này nhiều tiền thì chỉ đưa tay một cái cũng lấy được như bỡn, không phải lừa lọc, rình mò”.

Đợi mãi người nhà quê không trở lại, Hai Nhiêu ngoảnh nhìn bốn phía thì thấy người ấy nằm ngay cạnh đó, đã ngủ một giấc bình yên! Bác ta bĩu mội bật ra một tiếng cười khẽ rồi cũng dẹp chỗ ngủ nốt.

Sáng hôm sau thức dậy, Hai Nhiêu đã quên việc tối hôm qua. Tầu tới Nam Định, bác ta vừa bước lên bến, thì người nhà quê tay xách cái lồng gà rỗng, đã đứng chờ đó và mời bác lên xơi với hắn một chén nước cám ơn.

- Đến đây thì chúng tôi đã có nhiều người quen, chúng tôi sẽ trả lại số tiền ông cho giật hôm qua với lại xin ông để chúng tôi đền đáp lại ông một chút.

Hai Nhiêu nóng về Ninh Bình ngay nhưng từ chối thế nào người nhà quê cũng không nghe:

- Chả mấy khi gặp người tử tế như ông, nếu ông không cho tôi được trả ơn, thì tôi ân hận mãi... Nào, mời ông, xin ông đừng từ chối, phụ lòng tôi.

Thấy vẻ chân thực của người nhà quê và biết không khi nào họ để cho mình đi ngay, Hai Nhiêu phải ưng theo vậy.

Người nhà quê mừng rỡ:

- Thế thì quý hóa quá! Chúng tôi chẳng dám phiền giữ ông lâu...

- Nào có gì mà bác phải bày vẽ ra...

- Không, nếu không có ông thì hôm qua chúng tôi bị rày rà lắm.

Câu lễ phép đi, câu lễ phép hơn đáp lại; cứ thế đến chừng năm phút, khi hai người bước tới hàng cơm gần đó thì câu chuyện kết luận bằng một câu không lễ phép mấy, nhưng nghe cũng vui tai:

- Bà hàng đâu, bà dọn cho tôi một mâm rượu thực tươm tất ấy nhé, mà làm mau lên, ông quý khách của tôi vội.

Hai Nhiêu ngạc nhiên, bụng bảo dạ: “Có lẽ nào một người đi tầu thiếu tiền mà lại dám tiêu rộng rãi đến thế, hay là họ lại định nhờ khéo mình thêm một bữa cơm nữa đấy?”.

Nhưng thấy bà hàng ra chiều quen thuộc người nhà quê, nên Nhiêu ta cũng yên bụng. Uống xong một bát nước, người nhà quê bỗng gọi bảo một người nhà quê khác đứng chờ đó, đưa cho hắn cái lồng đựng gói mo cau với hai cái nồi đất:

- Chú Ba về làng trước, đưa cái này cho bu nó cất đi, tôi còn bận một chút, xong về ngay.

Rồi quay lại bảo hai Nhiêu:

- Nào bây giờ mời ông vào hàng, xơi với tôi chút cơm rồi tôi lại xin tiễn ông lên đường không dám giữ.

Cơm rượu xong, thấy người nhà quê mở hầu bao ra chi tiền cơm, Hai Nhiêu không hiểu ra sao, toan hỏi nhưng sợ bất tiện. Đến lúc đưa chân ra ga, người kia lại nhất định nài lấy vé cho mình. Hai Nhiêu lại càng kinh ngạc. Người nhà quê thấy vậy mỉm cười và thong thả nói:

- Thưa ông, ông lấy làm lạ cũng phải. Nhưng việc thiếu tiền hôm qua, chỉ là một mẹo đấy thôi. Tầu Chấn Dinh này có tiếng là lắm kẻ cắp. Chúng tôi có tiền mang theo mà không làm thế, thì giữ sao được của mình?

- Vâng, nhưng tôi thấy ông chỉ mang có hai, ba đồng thì tội gì phải thế?

- Nếu hai, ba đồng thì cất đâu chẳng được. Đây tôi lại dồn một món tiền lớn về để mua cái phó lý cho tôi, lo cưới vợ cho thằng cháu, lo khao, lo vọng...

- Ồ thế ra...

- Vâng, tôi về chuyến này đem những ngót năm trăm bạc, mà để kẻ cắp biết, thì tôi có khi cũng không về được tới nhà.

- Nhưng... ông giắt trong mình thì...

- Chết! Giắt trong mình nguy hiểm lắm. Tôi phải bỏ vào một cái nồi đất trong cái lồng chú nó đem về ban nãy đó.

Rồi vừa cười, người nhà quê vừa tiếp:

- Cái lồng gà với mấy cái nồi, mà lại của một anh nhà quê không có lấy một hào để trả tiền tầu... ông tính còn kẻ cắp nào để ý đến nữa. Nếu tôi không nghĩ đến kế ấy thì ngủ yên sao được... mà nếu không làm thế thì sao tôi được gặp người quý hóa như ông.

Xe lửa về đến ga, Hai Nhiêu bước lên toa ngồi mà vẫn còn choáng người đi vì tiếc của. Bác ta tìm hết tiếng độc địa để rủa cái trí khôn ngu ngốc của mình và tự hứa rằng lần sau đi tầu, không nên coi thường những cái lồng gà trong đựng có hai cái nồi đất.