Chắc chắn là như vậy. Bởi văn chương thuộc phạm trù Mỹ, cứ Mỹ là được. Thỉnh thoảng, có thứ văn chương kiêm thêm được Chân hay Thiện, hay cả hai. Thêm được thì tuyệt. Nhưng “người ta” chớ nên đòi phải thêm. Đòi quá, coi chừng tác giả sẽ viết ra một thứ “văn chương” tuy Thiện hay Chân, nhưng không Mỹ, khiến mọi người không biết đó là cái gì! Có thể nghĩ hoa là thức ăn cho tâm hồn, quả là thức ăn cho cơ thể. Cơ thể thiếu ăn thì đói rồi chết, đi đời luôn cả tâm hồn. Nên phải lo quả trước lo hoa. Nhưng có đủ quả rồi, cơ thể khỏi sợ chết rồi, thì nên trồng hoa cho tâm hồn ăn, để tâm hồn khỏi héo. Vì nếu tâm hồn héo, cơ thể khỏe mạnh mà chi. Về chuyện “ép”, “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép văn”. Nếu cứ, e sẽ chỉ được cái gì đó dở hoa dở quả! (Thu Tứ)



Hoài Thanh, “Đừng ép hoa phải thành quả”




Văn chương muốn gì thì gì trước hết cũng phải là văn chương đã. Và cứ miễn là văn chương là đủ rồi: Một bài văn hay là một bông hoa, làm sao người ta lại cứ ép bông hoa phải thành quả là nghĩa lý gì? Một tí hương man mác lúc canh trường, những màu xinh tươi rung rinh dưới ánh mặt trời khi ban sớm khiến cho khách giang hồ quên những nỗi nhọc nhằn mà trong chốc lát hưởng những phút say sưa, như vậy chẳng đủ cho một đời hoa hay sao?


(Đăng trên báo
Tràng An, số ra ngày 15-8-1935, in lại trong Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, nxb. Văn Học, 1982. Nhan đề phần trích tạm đặt.)