Đất nước ta có đủ núi, sông, biển, thì lịch sử chống ngoại xâm phương bắc của dân tộc ta cũng có đủ chiến trường núi, chiến trường sông, chiến trường biển nơi tiếng reo hò thắng trận của quân Đại Việt còn vang như không bao giờ tắt: ải Chi Lăng, sông Bạch Đằng, biển Vân Đồn... Nhưng tự nhiên không phải chỉ tiện làm trận địa, mà trước tiên là thắng cảnh. “Tôi (…) thấy hình như…”, bèn tự mình ra tay ghi lại cái đẹp. Những bài “ký cảnh” của Nguyễn giá trị vô cùng nhưng cô đơn quá, khiến cái sự “cần phàn nàn thống thiết” năm xưa đến năm nay (2018) thấy vẫn rất cần... À, có điều này cũng ngộ là đi thăm cảnh đẹp có khi không phải chỉ có đôi mắt được no nê. Chắc nhân gió mùa đông bắc tạm ngưng thổi, “tôi” đã cho cả cái lưng mình được thưởng thức “cảnh”: “cả người chỉ vẻn vẹn mảnh khố tắm, lăn ềnh ra trên (...) cát mỡ cát sữa (...) đẹp hơn đường hoa mơ đường mỡ gà, có chỗ ánh ngần in hệt đường kính”. Nằm chơi trên cát mỡ sữa đường của bãi Vân Hải chán, Nguyễn ngồi đò trạm về bến huyện Vân Đồn, ghé thăm một vạn gần bến để mũi tha hồ hít ngửi mùi thơm lừng của cái thứ “rượu mặn” mà khi uống vào, “chắc lưỡi một cái”, lại “thấy ngọt lừ”! Trời cho bao nhiêu là cảnh đẹp, tổ tiên lại sáng kiến ra bao nhiêu là miếng thơm miếng ngon, dễ nhớ nhung thương yêu quá đi mất, Tổ quốc ta ơi!

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Mùa đông cảng biển xưa”





Bãi Sơn Hào, xã Quan Lạn - ảnh Phó Nháy


Cả một vùng biển Vân Đồn cứ theo gió bấc như thế mà ầm ầm sôi bụng mấy buổi liền. Bãi ướt vắng cả đến bóng gầy của những người đi bắt sa trùng càng làm cát trắng Vân Hải tăng thêm độ nhớ và nỗi mình. Đêm đảo về sáng, những gộc củi lấy từ bên rừng Vân đỏ cháy như không bao giờ có thể tàn được; tiếc cái đống lửa đảo Vân mà thành ra như người mắc bệnh không ngủ, tôi nằm xuống ngồi lên nhại đúng cái dáng và cái tâm một gã si đang hờn với một cái hẹn sai nào. Gió mùa đông bắc vẫn lùa gộc lửa bùng và dựng dậy sóng biển ngoài. Trong tiếng lửa trong mùi gió trong hơi sóng, đã trở về quanh đây tất cả cái tấp nập nhộn nhịp cái dẻo bền cái năng động đáng yêu của đời Trần. Trong sóng đứt chân và gió bấc mùa còn nghe rộn lên tiếng xáp trận của thủy quân ta (...) Trận Vân Đồn năm 1288, từ sa trường Vân Hải đây kéo qua biển đảo Ngọc Vừng mà vào thấu trong biển Lục (qua chỗ phà máy Bãi Cháy, Hồng Gai ngày nay) đã tiêu diệt tổng hậu cần quân Nguyên Mông (...) góp phần oanh liệt vào (...) chiến thắng ngoại xâm (...) Ngồi bó gối lắng lửa biếc gộc rừng Vân về sáng đang reo trong gió bấc, thấy yêu thêm thơ Trần Quang Khải. Mấy câu chữ Hán đó: “Thái bình tu nỗ lực – Vạn cổ thử giang san” tôi muốn xin phép thượng tướng mà hiện thời hóa nó ra câu dịch như thế này:

Giành được hòa bình càng cố gắng
Cho non nước đó ngàn ngàn thu
.

Chập chờn hết mấy đêm trên sa trường Vân Hải xưa cùng nay, thấy gió lòng quê lộng mãi lên hơn bất cứ thao thức nào đã đu đưa mình bao năm qua các triền núi quẩn gió lũng trong đất liền (...) Đất nước mình có núi, có sông lở, có biển bồi, có đảo, có nhiều đảo. Riêng huyện Vân Đồn (tên cũ đáng yêu của huyện Cẩm Phả bây giờ) có trên sáu trăm hòn đảo lớn nhỏ, chia làm ba quần đảo (...)

Mặt trời biển đông đứng bóng rồi xế bóng mà gộc lửa rừng Vân của tôi vẫn cháy rực màu mai cua chín tới, chúng tôi bỏ lửa mà tìm đường lên núi. Cao điểm của xã Quan Lạn đây (Quan Lạn hay Quan Lan?) là ngọn đồn công an vũ trang. Từ trên đồn nhìn ra bốn phương tám hướng của khu vực Vân Đồn. Mấy buổi trước đây mù sương dày đặc, nhưng gió bấc vừa quét quang vùng trời này. Nay trời, núi, biển cùng đồng đều một sắc thiều quang. Có những tiếng nổ dữ như tên lửa đang phóng lên, nhưng đây chỉ là những tiếng mìn mỏ Cẩm Phả mở rộng khu than lộ thiên trên đất liền. Tiếng nổ dội ra các núi quần đảo đi thẳng đường chim bay, âm vang trên nước biển, nghe sao thấy gần quá. Nhìn xuống một toàn cảnh năm xóm nhà tợ bát úp, lung linh nhấp nhánh bốn trăm sân phơi cùng bốn trăm nóc ngói. Hoàng hôn Vân Hải đúng là một lẵng hoa nổi bềnh trên sóng biển mẹ hiền (...) Tôi nhìn mãi vệt xanh đảo Cái Làng đang chuyển sang lam tía mà lòng thêm bồi hồi về thiên nhiên muôn vẻ của mình, bâng khuâng nhớ cái đẹp và băn khoăn tiếc cái đẹp ít ai ghi lại cho. Thấy hình như đã đến lúc cần phàn nàn thống thiết cho văn chương và hội họa một nước Việt Nam mênh mông biển là như thế (...) mà sao còn gầy guộc quá về (những) hình ảnh lớn, đẹp, giàu của biển mình (...)

Không hiểu gần bảy thế kỷ trước đây cha anh lớp trước đánh thắng ngoại xâm tại thủy trận Vân Đồn, sa trường Vân Đồn có khác gì lắm với mỏ cát thủy tinh ta đương ngày nay bắc đường goòng khai thác tại thôn Sơn Hào không? (...) Y cụ dược cụ, cái phễu cái lọ có ngấn xăng-ti-quýp, bóng đèn, phích nước hàng ngày chúng ta dùng trong đất liền là bắt đầu từ hạt cát chính cống Vân Hải ấy đấy. Cát mỡ cát sữa Vân Hải có chỗ đẹp hơn đường hoa mơ đường mỡ gà, có chỗ ánh ngần in hệt đường kính (...) Tháo giày ra, xéo lấm trên cát bãi, vừa đi vừa nghe cát Vân Hải nó kêu như tiếng dế đứt hơi trong cỏ mùa thu, hoặc nói một cách cho mạnh hơn, thì cát Vân nó kêu như cái tiếng còn ròng rọc miết từng chặng mà nhích dần trên một sợi dây cáp căng thẳng. Cả người chỉ vẻn vẹn mảnh khố tắm, lên ềnh ra trên cát xốp đảo Vân mà nhìn vọng ra ngấn trời chấm phá mấy đường chân dung mờ quần đảo Cô Tô. Trong khoảnh khắc ấy, chao ôi, thấy như mình vừa cầm hẳn vào bàn tay của hạnh phúc, một thứ hạnh phúc mà chỉ có Tổ quốc tươi đẹp mới ban nổi cho, và đã ban cho ta đúng vào lúc ấy, đúng vào chỗ bờ cát Vân ấy nó xôm xốp đường hoa mơ, chứ không phải ở bất cứ bãi cát tắm nào khác.

Đò trạm của huyện đã trả chúng tôi đúng về bến huyện (...) Chà, vui mắt quá, cái sân chế biến nước mắm, hàng ngàn chum kiệu màu da lươn thẫm dựng đứng theo hàng lối từng khu, mỗi khu xếp theo tuổi của nước mắm. Có những chum nước mắm cá nục đã hàng chục niên tuổi, mở nắp ngửi thơm lừng như hương quý bốc lên từ một thứ rượu mặn. Uống một chén suông, chặc lưỡi một cái, thấy ngọt lừ (...) Lại thấy nhơ nhớ cái thơm lừng sảng khoái của nước mắm hòn những năm xưa ghe bầu đem từ hòn đảo Phú Quốc về. Để tránh mắt cú vọ tàu bay Mỹ, những chum kiệu da lươn này phải đặt trong rừng cây um tùm, xa trông những khối hình ống chửa bụng màu nâu gỉ óng, có cái cảm tưởng như đấy là một kho xăng tiếp sức cho một cỗ xe tên lửa SAM nào quanh đây. Nay đều chặt hết cây, chum kiệu lồ lộ dưới nắng xuân (...) chế ra nước mắm là một đặc điểm của trí tuệ Việt Nam và nó rất có tính dân tộc đó. Nhân gặp anh Giảo và anh Lệnh rất yêu quý nghề nước mắm, trong bọn tôi có người lại tiếp tục nói về Tổ quốc và hương vị Tổ quốc.

Mà nhắc lại rằng đồng chí đại sứ đầu tiên của nước ta tại Mạc-tư-khoa thường hay mời các phái đoàn ta tới ăn một bữa cơm gia đình tại sứ quán ta, sau mỗi chuyến hoàn thành công tác. Anh Cả, - bí danh rất thân mật của đồng chí đại sứ, ngày nay là phó chủ tịch nước – bao giờ cũng dành cho anh chị em xa nhà một chén nước mắm ngon đặt giữa bàn ăn sáng trưng. Những cán bộ tha hương công tác, mỗi lần đặt chân vào sứ quán mình tại nước ngoài thì đã coi như gặp lại Tổ quốc rồi. Nhưng, hình như phải chấm vào cái chén nước mắm ấy ở giữa Mạc-tư-khoa, thì mới thấm hết cái tấm lòng Việt Nam mà không một thứ nước chấm hảo hạng nào của cơm thế giới có thể làm khuây khỏa khẩu vị lúc xa quê.


(Trích từ bài Huyện Đảo trong tập
Ký Nguyễn Tuân, nxb. Văn Học, 1986. Nhan đề phần trích tạm đặt.)