Tuy ba tầng, nhưng tầng dưới cùng trong vũ trụ quan Mường không phải là âm phủ.



Nguyễn Từ Chi, “Vũ trụ quan Mường” (1)




Thực ra, trong văn học truyền miệng của người Mường, kể cả văn học tôn giáo, không có tác phẩm nào miêu tả vũ trụ (hoang đường) ấy. Ngay cả áng mo lớn “TÉ ĐẤT TÉ ĐÁC” (Đẻ Đất Đẻ Nước) mà chúng ta có thể xem phần đầu là thần thoại Mường cận đại đã cố định lại dưới hình thức lời thơ (1), cũng chỉ đề cập sơ lược đến việc tạo thiên lập địa, mà không hề cho ta biết vũ trụ được cấu trúc như thế nào. Theo dõi diễn biến của tang lễ, thông qua đường đi nước bước của hồn người chết, cũng có thể biết một số vùng thuộc vũ trụ ấy. Nhưng một số vùng chưa phải là toàn bộ. May thay, tất cả các bố Mo, cũng như những cụ, kể cả những mế (bà), thạo cổ tích mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc đều thống nhất với nhau về những nét cơ bản, khi họ kể cho chúng tôi những gì họ biết được về vũ trụ huyền hoặc mà ta muốn tìm hiểu. Rõ ràng vũ trụ quan tôn giáo của người Mường còn cố định trong quan niệm dân gian (...) tập hợp và sàng lọc lại, có thể rút ra một cái “vốn” chung (...) Chúng ta sẽ thấy rằng đó là một quan niệm phức hợp, như nhiều mặt khác trong nền văn hóa phức hợp của người Mường.

Theo quan niệm cổ truyền của người Mường, vũ trụ chia làm ba tầng, ba khu vực khác nhau phân bố trên một trục dọc.

Ở giữa là MƯƠNG PƯA (mường Pưa, nghĩa là mường bãi bằng, hay là mường bằng phẳng), thế giới của người sống.(2) Ở đây, người sống tập hợp lại thành NOÓC (mường, địa vực, gồm nhiều xóm) dưới sự cai quản của Lang, đẳng cấp thống trị, và Âu (Ậu), tay chân của Lang. Mường Pưa là khung cảnh địa lý quen thuộc của người Mường, là thung lũng và núi đồi, là ruộng nước và nương rẫy, là xóm, là mường, nhưng cũng là KE CHO (Kẻ Chợ) nữa. Và, trong quan niệm vũ trụ của họ, người Mường không hoàn toàn loại trừ địa bàn của những dân tộc khác, đặc biệt những dân tộc đã sống bên cạnh họ từ lâu đời, như CON TÁO (Con Đáo, tức người Thái). Do đó, từ Pưa không hạn chế mường Pưa trong phạm vi thung lũng, nơi có nhiều bãi bằng. Có hạn chế chăng, là hạn chế trong phạm vi mặt đất, mặt phẳng, đối lập với trời ở bên trên và với lòng đất ở bên dưới (...)

MƯƠNG K”LƠI (mường Trời), ở bên trên mường Pưa, là nơi ngự trị của BUA K”LƠI (vua Trời), có các KEM (Kem) phò tá. Xã hội Mường cổ truyền không có vua, nhưng vì nhiều lý do lịch sử khái niệm “vua” rất quen thuộc với người Mường.(3) Trong mo Đẻ Đất Đẻ Nước mà chúng tôi vừa nhắc đến, nhân vật BUA GIT GIANG (vua Gịt Giàng), người đầu tiên xưng vua ở Kẻ Chợ, được xem là dòng dõi trực tiếp của TÁ CÂN (đá Cần, ông Cần), anh hùng văn hóa của thần thoại Mường cận đại. Chức Kem nêu rõ tính cách xã hội của vua Trời: tại đôi nơi trên địa bàn Mường (Hòa Bình), một số chức Ậu – tay chân của nhà Lang – được gọi là Kem (...) Vua Trời mang diện mạo một ông Lang: xã hội mường Trời là hồi quang của xã hội có thực, xã hội của những con người thực sống ở mường Pưa (...) Vua Trời và các Kem (...) không thể chết (...) thời gian ở mường Trời là vô tận. Nhưng không gian ở đây lại hữu hạn (...) “Mường Trời cũng có chỗ cùng” (...) trên đường xuống mường Pưa, có một con sông (...) khi lên trời, người chết phải vượt qua KHUÔÔNG KHANG PỆN KHẠN (sông Khàng bến Khạn). Như vậy, giữa mường Trời, thế giới siêu nhiên, và mường Pưa, thế giới tự nhiên, có sẵn lối thông thương. Nhưng người sống không thể men theo lối đó mà lên mường Trời được. Đây là lối đi dành cho hồn người chết, vì lên mường Trời là một chặng đường trong hành trình của linh hồn đã thoát xác (...) (ngay) hồn người chết (...) cũng không thể bước vào địa hạt mường Trời, nếu không có (...) bố Mo (...) không có tác động của pháp thuật.


(Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2003. Nhan đề phần trích tạm đặt.)









_____________
(1) Mo Đẻ Đất Đẻ Nước gồm ba phần. Phần đầu là phần ngắn nhất, mang tên chính thức “TÉ ĐẤT TÉ ĐÁC”. Hai phần sau dài hơn là “CỐN CHU KẸO LỘI” (Chặt cây chu, kéo cây lội) và “TOOC MOONG” (Săn muông). Từ phần này qua phần kia, tích chuyện trải ra theo thứ tự thời gian và cả ba họp thành một tích thống nhất, tuy mỗi phần có trọng điểm và ý riêng của nó.
Toàn áng mo không phải là một hệ thần thoại. Nó đã bước đầu lịch sử hóa và mang dạng một câu chuyện truyền kỳ (kể ra lịch sử hóa cũng là đặc điểm thường thấy trong thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới). Nhưng riêng phần đầu (phần Đẻ Đất Đẻ Nước) rõ là thần thoại. Như một hệ thần thoại, nó kể lại sự hình thành của vũ trụ và của văn hóa: cảnh khô cằn khởi nguyên và nạn hồng thủy; cây vũ trụ (ở đây là cây si) “bủa róng” để xây lại trần gian; cặp chim huyền hoặc sinh ra muôn loài, trong đó có loài người; những cố gắng của anh hùng văn hóa (ở đây là Đá Cần, tức Ông Cần) để an bài trần gian, xây dựng cuộc sống, tổ chức xã hội.
Lưu ý: tích chuyện trong phần đầu nói trên rất giống tích PHẢ TA PUNG (Chuyện Quả Bầu, một trường ca Thái mà chúng tôi được tiếp xúc qua bản dịch chép tay do đồng chí Hà Văn Tiến ở Hòa Bình vui lòng cho xem. Hơn nữa, trong Đẻ Đất Đẻ Nước cũng như trong nhiều áng mo khác của dân tộc Mường chốc chốc lại thấy xuất hiện những “Dạ” (Bà) diện mạo không rõ nét lắm: ta còn gặp lại những nhân vật này trong cổ tích Mường. Nhiều dấu hiệu khiến chúng tôi ngờ rằng đây là vết tích của những nhân vật vốn có vai trò quan trọng hơn, trong một hệ thần thoại thực sự là Mường và cổ hơn Đẻ Đất Đẻ Nước.
(2) Từ MƯƠNG (mường) thực ra không phải là tên chỉ dân tộc, mà chỉ có nghĩa là một địa vực bao gồm nhiều xóm và đặt dưới quyền thống trị của một dòng quí tộc. Người Mường tự xưng là CON MỌL (con người). Nhưng từ lâu, ngay cả trong các văn kiện chính thức, chúng ta đã quen dùng chữ “người Mường” hay “dân tộc Mường”. Vì vậy ở đây, chúng tôi cũng cứ dùng thế cho tiện (...)
(3) (...) Trong hoàn cảnh ở bên nách triều đình miền xuôi, khó lòng có một dòng quí tộc Mường nào dám cát cứ xưng vương. Nhưng chính vì ở sát miền xuôi và có quan hệ chặt chẽ với triều đình mà từ lâu xã hội Mường đã quen với khái niệm BUA (vua). Điều này hiển hiện trong văn học Mường. Mặc dầu “ki mi” là chế độ mà triều đình Việt Nam từ Lý đến Lê áp dụng một cách thường xuyên đối với “thổ tù” (...) mọi dân tộc, nhưng theo chỗ chúng tôi biết, thì trong số các nền văn học ở miền núi nước ta, văn học truyền miệng Mường phản ánh chế độ ấy ở mức sâu sắc nhất. Nhiều truyền thuyết và trường ca, kể cả trường ca tôn giáo – đó là trường hợp của mo Vườn Hoa Núi Cối – đề cập đến hiện tượng quí tộc Mường lấy công chúa miền xuôi, hoặc về chầu vua ở miền xuôi...