Tạ Chí Đại Trường cũng cho rằng chuyện Thánh Gióng chỉ mới ra đời vào thời Lý - Trần chứ không phải xưa tận thời Hùng Vương. Nhưng TCĐT nghĩ Thánh Gióng có gốc ở tục thờ đá, còn đây bảo Thánh cội nguồn nơi tục cầu mưa của người Việt cổ. (TT)



Trần Quốc Vượng, “Thánh Gióng, dông”




Ta có thể thấy rõ: huyền tích Gióng thoạt kỳ thủy là một huyền tích về Mặt Trời và hội Gióng thoạt kỳ thủy là một nghi lễ nông nghiệp. Cầu Trời “mưa nắng phải thì” cho dân quê làm ruộng trồng lúa. Chi tiết hay nhất trong huyền tích là ông Gióng “lớn lên như thổi” nhờ “bảy nong cơm”, tức là nhờ LÚA GẠO của nền VĂN MINH LÚA NƯỚC Việt cổ và Đông Nam Á cổ. Mô-típ về một đứa bé sau khi ăn rất nhiều cơm đã lớn nhanh phi thường thành anh hùng khổng lồ được tìm thấy trong truyền thuyết dân gian ở nhiều vùng thuộc Đông Nam Á. Ví dụ, anh hùng ca dân gian đảo Lombok về cội nguồn dân Sarak (...)

Tôi nhấn mạnh chi tiết này: (...) các đền thờ Gióng bao giờ, ở đâu cũng được gọi là ĐỀN THƯỢNG, rõ ràng (...) GIÓNG (...) tượng trưng cho “thế giới bên trên” MÂY – DÔNG – TRỜI (...)

Ai cũng biết, như một qui luật, huyền thoại phai dần, vỡ dần ra và còn từng mẩu tách rời hay lắp ghép vào các truyện cổ tích...

Như một qui luật, huyền thoại được thời sự hóa và lịch sử hóa (...)

Từ một thần thoại về MÂY DÔNG – MẶT TRỜI, nó biến dần thành một câu chuyện truyền kỳ về đánh giặc.

Từ một người anh hùng văn hóa, anh hùng huyền thoại, ông Gióng được biến dần thành người anh hùng chống giặc ngoại xâm được tôn thờ. Chiến trường Thánh Gióng đánh giặc Ân là chiến trường truyền thống của người Việt chống giặc Bắc: Lê Đại Hành phá Tống, Lý chống Tống, Trần chống Nguyên Mông... (...)

(Ông Gióng) đã trở thành tượng trưng vĩnh hằng cho các anh hùng Việt Nam chống giặc Bắc...

Và hội Gióng, từ một (...) nghi lễ nông nghiệp cổ truyền CẦU MƯA, THỜ THẦN MẶT TRỜI (...) đã trở thành (...) một nghi lễ diễn xướng ANH HÙNG CA.


(Trần Quốc Vượng,
Hà Nội như tôi hiểu, nxb. Thời Đại, 2009)