“Bông huệ trắng”

Nguyễn Hữu Quý




Bông huệ trắng
bay về phía hoàng hôn
những người lính khoác trên mình áo lửa
những người lính gối đầu lên bờ đá
những người lính nằm trong đất tơi tả
những người lính chẳng vẹn nguyên bên cây cỏ bị xới đào
những người lính tìm đường về quê mẹ
không bằng bàn chân mang dép cao su
các anh bay bằng đôi cánh loài chim núi
bằng ánh sáng của vì sao vụt tắt
bằng tiếng gọi của dòng nước mắt
bằng thương nhớ quắt quay từ hai phía chân trời!

*

Trắng thời gian những năm tháng mong chờ
mẹ thao thức mắt mờ tóc bạc
mẹ nghe khúc khải hoàn trong nước mắt
mẹ đợi từng ngày các con mẹ về quê
những đứa con của mẹ đang về…
Mẹ ơi,
các anh về trong gió
phảng phất in dấu rêu sân
cây sào tre hong khô áo trận
những thằng con trai của mẹ cởi trần
nụ cười này, đôi mắt ấy, chẳng đổi thay!
Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay
giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu
những người lính trở về xòe tay trên bếp khói
giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm
những người lính trở về đánh rạ dọn rơm
giấc mơ mẹ bay ra dòng sữa trắng
những người lính trở về cười ngượng nghịu
giấc mơ người bật dậy tiếng oa…oa…

*

Những người lính tay cầm bông huệ trắng
đứng ngắm em bên giếng nước làng
nước quê mẹ soi trăng sao vằng vặc
những giọt khuya buông xuống khẽ khàng
cỏ kéo da non qua vết thương sâu thẳm
qua bờ vai thiếu phụ bão giông
những người lính chở che em qua chuyến đò nghiêng
thôi, em nhé, nước mắt đừng rơi nữa
vòng tay dẫu là cổ tích xa xôi
vẫn ấm áp nụ hôn đầu thuở ấy
đừng khóc nữa nhịp ầu ơ dang dở
những người lính trở về nơi xóm nhỏ
chiều nồm xanh con diều giấy bay cao
chiếc lá giong buồm kỷ niệm trong mưa
phong thư lính gửi về mùa hoa gạo
bài dân ca hát bằng phù sa đỏ
có một bầy con nít lội sông
có một bầy con nít được công kênh
trên bảy sắc cầu vồng các anh vừa dựng
bằng hoa cúc, hoa xoan, hoa lan, hoa súng
bằng cơn mưa mọc ra từ đất
bằng tia nắng nhen lên trong mỗi căn nhà
bằng nhạc
bằng thơ
bằng máu!

*

Những người lính tay cầm bông huệ trắng
trở về nơi mình đã ra đi
các anh lẫn trong vách đất thầm thì
các anh hòa vào mái tranh thủ thỉ
cây của mẹ gọi anh về xanh lại
trái cuối mùa, thêm lần nữa, mẹ sinh anh…


Quảng Trị 1994