Mùa xuân năm 1964 Nguyễn Tuân vào Điện Biên bằng đường trời và trở ra bằng đường đất. Cái con đường Điện Biên – Tuần Giáo, Nguyễn biết “từ lúc nó còn chưa tốt chưa đẹp như bây giờ”, lúc bao nhiêu chiến sĩ hóa công nhân còn đang vất vả làm ra nó. Ngày xuân ấy, sau khi rời vùng trận địa lịch sử, Nguyễn đã ngồi xe bon bon qua bao nhiêu cây số đường, bao nhiêu nhịp cầu mới tinh, để đến đêm khi xe đỗ nghỉ, đứng ở ngã ba Tuần Giáo vắng tanh thấy ngay giữa lòng bỗng “hiện lên rất nhiều bóng cũ”, bóng của đông lắm những người lao động mà Nguyễn đã ăn ở cùng và công phu theo dõi sinh hoạt chỉ mới năm nào. “Tôi (...) đã sống những ngày nước lửa (lụt lũ, cháy nhà) của công trường 426 (…) tay tôi vẫn chưa mất đi cái sẹo Xuân Tre trận cháy mùa xuân 1960”, làm sao “tôi” quên được họ. Chứng kiến một con đường cái quan ra đời giữa núi rừng hiểm trở, nó có phần nào như chứng kiến một trận chiến đấu ác liệt kết thúc thắng lợi, do đó “tôi cảm thấy (...) mình (...) có hạnh phúc”. Hạnh phúc nẩy nở đúng chỗ bèn hóa thành một bài “thơ đường” không thể “tự do” hơn!

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Thơ đường tự do!”



Chuyến bay này, trời xấu thật. Chỉ được cái bằng lòng là cô phục vụ bưng khay nước trà bốc khói, trao tách trà vào tay khách, không lúc nào ngớt cái nụ cười văn minh. Mấy lần trước tôi đi tàu bay của Cục Hàng không Dân dụng này, vẫn cái cười dẽ dàng đó. Qua khỏi quãng sông Đà, trời căng căng. Bầu trời đúng là một đại dương không khí cũng rất là nhiều lạch, nhiều luồng, nhiều cái xoáy, cái hút. Chiếc tàu bay vặn mình giữa một bể lớn không khí chỗ chắc chỗ lép chỗ đặc chỗ loãng không đều nhau. Không khí vần vào chiếc cánh. Cuống đuôi bị quần nhiều nhất là lúc tàu bị sa vào mép ổ gà không khí. Có lúc thấy như mình ngồi tụt vào lòng chiếc thuyền đuôi én sông Đà, bị sóng ở ghềnh thác sông Đà dồi lên dồi xuống. Có lúc lại thấy như tàu bay say rượu vì sóng lừng giữa cái biển trời, và tàu đang húc vọt lên trần mây, cố ngoi lên mặt đại dương không khí mà tìm đường ra (...)

Lòng chảo Điện Biên đã hiện ra dần dần, bên cửa kính mi-ca tàu bay. Dải đường Pom Lót – Điện Biên lướt qua nhờ nhờ như một sợi chỉ gai (...)

Tôi đã nghe thấy tiếng bánh cao-su bụng tàu bay mớm nhẹ xuống mặt đất Điện Biên, chạm miết xuống sân bay, đúng cái sân bay mà cuối mùa thu mưa năm 1958, tôi đã ra đó, theo gót anh em công binh gỡ mìn, và theo những kíp thợ vặn quả lu đầm sân bay, giải phên sắt hoa mai lên đường băng. Rồi là hôm chiếc tàu bay thứ nhất của ta từ Thủ đô lên khánh thành sân bay Điện Biên, chở lên chuyến nhật báo đúng ngày hôm đó và chở chuyến thư thứ nhất về. Tôi đã bứt một cái lá hoa ban, đóng lên đấy một con dấu nhật ấn bưu trạm Điện Biên, và nhờ cái tàu bay hòa bình đó chở hộ một chiếc lá tươi chiến trường cũ gửi về Hà Nội cho một vài người trong chỗ tâm giao (...)

*

Nói đến đường vào Điện Biên, nói đến con đường 42 ấy từ Điện Biên ra ngã ba Tuần Giáo bắt vào đường quốc lộ 6, phải nói đến những cái cầu bắc trên suối. Những con suối mùa xuân trông hiền hiền thế, mà động mùa thu về, nước mưa rừng thu đổ về một cái thì, y như rằng, con suối nào cũng đều là hiểm hóc đáo để ra trò cả (...) Lúc đánh Điện Biên xe tải và các cỗ pháo nặng của ta cũng vẫn là lội suối, nghĩa là toàn đi cầu chìm. Từ sau ngày chiến thắng Điện Biên, sư đoàn 316 về xuôi rồi trở lại miền ngược để chuyển quân chiến đấu sang làm người làm ruộng nông trang, làm người bắc cầu làm đường (...) Chỉ từ ngày đó đường vào Điện Biên mới có cầu (...)

Tôi ra và vào Điện Biên cũng đã nhiều lần. Lần đi mùa xuân 1964 này mới thật là một chuyến đi hả hê, thoải mái. Đường đã có cầu nổi, chiếc thì bằng sắt và gỗ, chiếc thì bê-tông cốt sắt, xe không phải lội suối như trước đây nữa (...)

Một vài mùa thu trên đường Điện Biên – Tuần Giáo chưa bắc được cầu, tôi đã có dịp ngồi trên xe mà sang suối lũ. Anh bạn công nhân cầm tay bánh lái xe tải ấy thật là tài quá. Phải những tay cừ khôi như thế thì mới trị nổi bọn suối phá ngang vào đường rừng. Anh dừng xe, ra lệnh cho người phụ lái hãy lội chân qua trước, đo chiều sâu của nước, kê đá đầu sư vào những ổ gà bị xoáy suối khoét sâu xuống. Trên này, cứ thong thả mà tháo cánh quạt đầu máy cho tí nữa nước khỏi cản vào. Rồi lấy ni-lông buộc bu-di lại. Thế là sang ngang. Nó chịu mình, mình ăn thua nó là chuyến sang này đây. Xe mình sang lọt là anh em xe sau cứ thế mà sang tiếp thôi. Mà phải sang thật nhanh để khỏi chết ngạt máy ở giữa dòng. Ngạt máy giữa suối là bỏ mẹ, có mà trời cứu. Nước suối đánh rào rào bùng bùng vào thành xe ca-mi-ông. Anh ra lệnh cho tôi là ngồi cho vững. Nó như cái tiếng quát thân mật của ông lái Thái trên sông Đà mỗi lần vượt thác lao thác. Phía dưới bánh xe, đá hộc lòng suối kêu lục đục lục đục như là sóng trên nhồi đá dưới. Có những hòn đá hộc bẻ ngang đi cái lốp bánh trước, đòi cướp tay bánh lái, đánh vào ngực anh cầm lái. Đầu bánh trước đã bám vào chân dốc bờ bên kia ngập đến nửa dốc đang đỏ vàng xoáy tít những chiếc lá tù. Cái xe vút lên đầu dốc, nhễ nhại, đầu máy khói mù như một cái bếp cháy bằng củi đẫm mưa (...)

Nhưng mà đó là chuyện cũ rồi của con đường 42 này (...) Tôi nhìn cái cầu bê-tông vừa mới hoàn thành, trên mặt cầu còn phủ lá phủ đất và còn cả cái ngáng tre ở chỗ nối đường vào cầu (...) Rừng vắng. Nhưng tôi vẫn thấy nó như đang lao xao cái tiếng động của đám đông (...) Một vài năm trước đây lúc khởi công làm cầu, những chỗ suối bắc cầu đó, đông đúc ầm ầm rào rào chứ đâu có lặng lẽ im ắng như thế này. Nào là tiếng chí cha chí chát của hiệp thợ chạm ngồi tẩy mặt và góc đá hoa cương dành cho mố cầu. Tiếng lách ca lách cách chàng đục thợ mộc. Tiếng cưa miết đều mạch gỗ của hiệp thợ xẻ. Tiếng cút kít nghiến trục gỗ, tiếng vành sắt xe bò nghiến xuống đá đường. Và cái tiếng máy dũi húc đất. Tiếng búa đập lên đe rèn những đinh đỉa cho ván cầu. Tiếng bễ phì phù, tiếng máy bơm xình xịch, hút cạn nước để đào móng xây mố cầu. Máy bơm hỏng, tắt tiếng, chờ thợ sửa bơm từ khu lên, thì lại có tiếng tát nước bằng guồng đạp. Bên dòng suối, vợ bộ đội công nhật nối nhau mà gánh cát cấp phối mặt đường. Và giữa lòng suối là cái tuyếc-bin thủy điện con con đủ chạy vài chục ngọn đèn, chạy cái máy ra-đi-ô, làm vui thêm sinh hoạt hàng ngày, và làm sáng thêm cái Tết rừng của những người thợ làm cầu bên suối. Gần cái cầu đang nghiên cứu này là một nhà an dưỡng của bệnh viện cầu đường. Gần cái cầu đã bắt đầu khởi công kia là một cái nhà đất dùng làm lớp học kỹ thuật ngắn ngày cho những người làm đất, làm sỏi, làm đá, làm cống: nói chung là làm đường. Cái lớp học lý thuyết mở ngay trên phần đường lại lấy ngay mặt đường trên tuyến đường làm nơi bổ túc và thực tập. Quanh quanh nơi đó là một vài công trường làm đá và đúc cống, trưa trưa chiều chiều đồng vọng lên cái tiếng mìn nổ bắn đá tan tầm mỗi buổi làm.

Tất cả những tiếng sinh hoạt của những khu vực từng đại đội đường đại đội cầu, đều đã biến nhanh đi đâu hết. Cái hồi thật náo động cả ngày có khi cả đêm nữa ấy, thì cái cầu chưa thành hình. Nay cái cầu đã vắt trên suối đem cái lạc quan vào chỗ đường rừng thì sao lại thấy quãng đường đây vắng lặng đi như thế này? Người xưa trở lại vườn cũ chỉ còn thấy có hoa đào nở thường hay động lòng về cố nhân chủ vườn. Nay qua cầu bê-tông, thấy lòng bồi hồi vẽ lại ít khuôn mặt đáng yêu của những con người ở kíp ở đội làm cầu. Rừng quãng này nay chỉ còn có tiếng suối và tiếng chim, cùng là cái tiếng nổ giòn của máy xe đang lướt đi. Tất cả họ đi đâu mất cả rồi? Họ kéo nhau đi sang những phương nào? Đồng chí bí thư đội trưởng đội cầu 30 đó, nay đang làm cầu cho suối cho sông chỗ phần đường nào? Cái đám cưới nhà giai là đội cầu nhà gái là đội mặt đường mà tôi có được mời đến dự ấy, thì nay cô dâu chú rể đã được mấy con rồi? Và hai đứa nhỏ sinh đôi của vợ chồng anh lái tàu lăn, nay đã biết chạy ra đường cái quan chưa, và đang theo xe lăn của đấng mẹ cha ở những phần đường mới nào đây?

Cái xe cứ bon bon mà chạy, mà qua hết cầu này cầu khác. Nhà cửa, lều, lán, kho, trại, sân, cổng, vườn, bến, cột cờ, chòi phát thanh, đâu hết cả rồi? Chỉ còn có rừng xanh một dải và đường trắng cũng một dải. Thấy tênh tênh mà tan quạnh cả đi như người và lầu Liêu Trai sau tiếng gà gáy sáng. Nói cho đúng hơn thì nó như là trở lại một cái phố trong lòng rừng Việt Bắc những năm tản cư kháng chiến hàng quán tấp nập là thế, mà nay tìm hỏi thì trước sau chỉ còn thấy có giọt nắng treo trên lá cũ (...)

Cái miếng đất bằng kia đúng là Xuân Tre ngày nọ. Tôi sống ở Xuân Tre ba bốn chuyến, có đợt nằm đấy mấy tháng, đã quen lắm rồi với những tiếng mìn của người mở đường. Cho đến bây giờ đây xe chạy qua một vùng Xuân Tre lặng tờ, vẫn còn như vang trong lỗ tai mình những tiếng mìn công trường ấy. Khách qua đường hôm nay qua trước cổng công trường 426 cũ mà không chú ý, thì cũng khó mà biết được trước đây chỗ này là một thị trấn (...) Hoàn thành con đường vào Điện Biên với tất cả hệ thống cầu nổi của nó, tôi rất mừng cho đơn vị công trường và tiếc rằng chưa có dịp thăm lại anh Thông anh Thuần và tất cả những người bạn cũ ở các đại đội, trung đội hiển vinh cũng lắm mà gian truân thử thách cũng nhiều. Nạn nước, nạn lửa, đủ cả.

Trận lụt lũ mùa thu 1959, nước ào về như voi đàn tràn qua vườn chuối nhà. Gần đội làm đá, có mấy cây to tưởng phải đánh đến mấy cân bộc phá mới bật được gốc, thì nước lũ xiết vào có mấy vòng là gỡ luôn cả cây cuốn mang đi, đút cả cái gốc to ấy vào cống ngầm, tắc cống, và phá luôn mảnh đường dưới (...) Sau trận lũ, vững tâm lắm mới không chán đời. Đất vùi kín lũ rau tăng gia. Tôm cá khô trong kho ướt sũng hôi rình. Gạo ẩm mục lên men. Muỗi kêu như ong. Giun dế chết hôi thối. Nhà cửa tan hoang, nhìn nhau ngơ ngác. Chẳng khác gì vừa qua một trận Tây càn. Sự mất mát tài sản vật liệu của công trường 426 trong trận lũ ấy, kể cũng đã nhiều thứ.

Nhưng đau hơn nữa là trận cháy. Mùa thu năm trước bị vỡ đường. Mùa xuân năm sau liền ngay đó thì cháy nhà. Cả một cái công trường cháy hết. Nhà cửa đồ đạc xe cộ. May mà không cháy vào kho xăng đấy. Công nhân dũng cảm đã đánh gục mái nhà xuống, lửa các bên không bắt ngang vào được. Nhiều người lo chạy của công. Không kịp chạy của riêng, nên đồ đạc áo quần mất hết. Tôi cũng để trong đám lửa ấy ít đồ dùng, nhưng tiếc nhất vẫn là mấy cuốn sổ tay ghi tài liệu. Cháy vèo hết, mà chỉ trong có 15 phút. Quá trưa cháy, lại có gió Lào. Cái gió Lào thổi đè ngang ngọn lửa xuống, lửa quạt ngang ấy rống lên hồng hộc và bắt vào những nhà khác cách nó hai chục thước. Đám cháy công trường để lại ở tay bỏng tôi một vết sẹo.

Chiếc xe mùa xuân này cứ bon bon chạy qua hết đã lâu cái quãng Xuân Tre nhiều kỷ niệm thấm thía của người làm đường. Tay tôi vẫn chưa mất đi cái sẹo Xuân Tre trận cháy mùa xuân 1960. Mùa xuân 1964 đây đã hết cả hoa ban. Từ trong Điện Biên tới ngã ba Tuần Giáo, cái sự thật mới nhất thích nhất đáng nhớ lại nhất suốt dọc đường là cầu sắt cầu bê-tông đã hoàn thành hết cả rồi, từ nay không lo gì lũ suối mùa mưa tắc xe vào xe ra nữa.

Ngã ba Tuần Giáo trông vui hơn ngày cũ, mỗi ngày cứ hơn bù kém là có ba chục chiếc ô-tô qua đây, đổ về từ ba ngả Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Cửa hàng ăn mậu dịch, trung bình một ngày phải xuất ra hai trăm bữa cơm cho khách qua đường. Nhà cửa lợp ngói mới, nó đã hồng hồng lên rồi một cái ngã ba mấy năm trước chỉ thấy xanh lạnh một màu mưa núi. Hai ngàn bà con Thái Bình (người bản địa gọi đùa gọi yêu là Thái Nâu) đã đưa gia đình lên đây làm ăn khai khẩn (...)

Đêm xuân Tuần Giáo, điểm vào tiếng ô-tô vượt qua ngã ba, là những tiếng con bắt-cô-trói-cột. Ôn quãng đường vừa chạy xe qua từ trong Điện Biên ra, thấy hiện lên rất nhiều bóng cũ. Cái bóng những người làm cầu làm đường. Đông lắm. Hình như trên con đường vắng ấy, họ vẫn đang đứng bên đường mà sung sướng nhìn cái xe tôi lúc ban ngày qua hết bấy nhiêu nhịp cầu mới. Họ sung sướng và lào xào như trận gió chiều reo vào rừng hôm. Gió chiều nổi lên, con đường vắng mà vẫn như rầm rập tiếng chuyển quân của cả một cái công trường hoàn thành đường Điện Biên – Tuần Giáo (...)

Tôi cảm thấy giữa quãng không gian ngã ba Tây Bắc này, mình đích thị là một người bộ hành có hạnh phúc. Cái hạnh phúc của người thấy được cả cái quá trình hình thành của một sự việc lớn, - của một con đường cái quan. Cái hạnh phúc của một người khách qua đường đã may mắn có được cơ hội để nhìn thấy con đường này từ lúc nó còn chưa tốt chưa đẹp như bây giờ. Tuy chưa hiểu được họ thật kỹ, nhưng dẫu sao tôi cũng đã sống những ngày nước lửa của công trường 426 của người làm cầu đường. Tôi đã thắp nén hương lòng bên một mộ chí nơi mép đường đang làm, tôi đã dự những đám cưới của các cặp cầu đường, tôi đã vào bệnh viện của người làm đường mà chứng kiến cái phút lọt lòng của những em bé trong các gia đình công nhân. Lụt lũ đã ập tới họ, lửa cháy đã đốt vào cuộc đời họ. Nay đường đẹp rộng rồi, cầu tốt rồi, mà họ thì kéo đi hết, nhưng trên đường vắng, tôi thấy họ vẫn đang có mặt trong giữa lòng mình (...)


(Trích từ bài Một Bài Thơ Đường trong tập
Ký Nguyễn Tuân, nxb. Văn Học, 1986. Nhan đề phần trích tạm đặt.)