Một trình bày tổng quan hiệu quả. Về chi tiết, ở đôi chỗ chắc có một số nhà nghiên cứu chưa nhất trí, chẳng hạn chỗ nói về nguồn gốc những tộc người nói tiếng Nam Đảo. (TT)



Chu Thái Sơn, “Phân bố các tộc người ở Việt Nam”



Đông nhất, trên 68 triệu người, là nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, bao gồm những cộng đồng: Kinh, Mường, Thổ, Chứt (...) Người Kinh tập trung ở châu thổ Bắc bộ, châu thổ Thanh – Nghệ, các tam giác châu ven biển miền Trung (...) và (...) đồng bằng sông Cửu Long (...) Người Mường sống tập trung ở miền núi tỉnh Hòa Bình, một bộ phận ở vùng trung du Phú Thọ và miền tây xứ Thanh. Người Thổ (tức Xá Lá Vàng) tập trung ở miền tây Nghệ An. Còn người Chứt thì phân bố ở miền núi tỉnh Quảng Bình. Vào những thập niên giữa thế kỷ XX (...) người Rục – một bộ phận trong tộc người Chứt – còn lấy hang động hay mái đá làm nơi cư trú (...) mưu sinh bằng săn bắt, hái lượm búng báng (1), dùng vỏ sui – vỏ cây rừng – để làm đồ mặc.

Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me gồm 21 tộc người với trên 2 triệu 100 ngàn dân (...) sống rải rác từ vùng ngã ba biên giới tây bắc Bắc bộ như người Mảng; xen cư với người Thái ở Sơn La, Lai Châu và miền tây Nghệ An như người Khơ-mú, người Kháng, người Xinh-mun, Ơ-đu; rồi men theo dọc dải Trường Sơn như các tộc Bru Vân Kiều, Cơ-tu, Tà-ôi, Co, Hrê; tỏa khắp các cao nguyên miền tây như các tộc Gié-triêng, Ba-na, Xơ-đăng, Brâu, Rơ-măm; đi về phía nam tiếp đó là các tộc Mnông, Mạ, Cơ-ho; cho đến tận miền châu thổ sông Cửu Long như người Khơ-me và cả miền núi thấp ở đông Nam bộ như các tộc Xtiêng, Chơ-ro. Nhìn trên toàn cục, các tộc người nói ngôn ngữ Môn – Khơ-me (...) là hậu duệ của một cộng đồng ngôn ngữ - văn hóa vốn cư tụ ở miền rừng phía tây và tây nam của cả vùng lãnh thổ Việt Nam ngày nay (...)

Các cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo, nhóm Ma-lay-ô – Pô-ly-nê-di (nay gọi là Melayu) gồm có 5 tộc là Gia-rai, Ê-đê, Chăm, Ra-glai và Chu-ru, tổng dân số gần 833 ngàn người. Họ quần tụ (ở vùng) bờ biển (...) Ninh Thuận, Bình Thuận (...) rồi tỏa lên (...) cao nguyên Lâm Đồng, cao nguyên Đak Lắk và cao nguyên Pleiku. Địa bàn phân bố dân cư ấy chia cắt vùng cư trú của các tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me ra làm hai, để về phía bắc người Gia-rai tiếp xúc với người Xơ-đăng và về phía tây nam, người Ê-đê kế cận với người Mnông. Mặc dù đã trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, nhưng bức tranh phân bố dân cư hiện nay của các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (cho thấy) dấu vết chưa mấy phai mờ của những cuộc thiên di tự mấy ngàn năm trước – từ vùng biển Thái Bình dương vào bán đảo rồi tiến lên miền nội địa cao nguyên đất đỏ. Các tộc người Nam Đảo cho đến nay vẫn tổ chức gia đình theo mẫu hệ (...)

Nhóm ngôn ngữ Thái – Ka-đai gồm có 12 tộc với tổng số gần 5 triệu người (...) sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc (...) sớm hình thành hai vùng văn hóa với một số sắc thái riêng. Vùng đông bắc Bắc bộ với các tộc người Tày, Nùng, Cao Lan – Sán Chỉ, Giáy, Bố Y, La Chí, Cờ Lao, Pu Péo. Vùng tây bắc Bắc bộ, tràn cả xuống miền tây Thanh – Nghệ, có người Thái, Lào, Lự, La Ha. Văn hóa ở vùng Đông Bắc có ảnh hưởng của văn hóa Hoa Nam, còn văn hóa ở vùng Tây Bắc lại giao lưu với văn hóa của các tộc người ở đông bắc Lào. Ngay từ nhiều thế kỷ trước công nguyên, các tộc người nói ngôn ngữ Tày – Thái cổ đã sống cận cư với người Việt – Mường cổ và sớm tham gia vào quá trình hình thành nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, nhà nước đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cộng đồng ngôn ngữ Tạng – Miến trong lịch sử gọi là Thoán, vốn là những cư dân du mục ở vùng Trung Á, sau thiên di vào cao nguyên Tây Tạng rồi chuyển cư dần xuống miền Hoa Nam. Vào thế kỷ thứ VII sau công nguyên, họ đã từng lập ra nước Nam Chiếu ở Vân Nam; đến thế kỷ X, nước này mới bị thay thế bởi nước Đại Lý của người Bạch. Bộ phận đầu tiên của cộng đồng này nhập cư miền tây bắc từ đầu công nguyên, rồi vào cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) từ thế kỷ XV. Đa số các dòng họ hiện nay mới di cư vào Việt Nam được từ 300 – 150 năm. Trên trang phục của nữ giới, thủ pháp trang trí bằng kỹ thuật chắp vải màu theo những hình hình học đã lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của những cộng đồng vốn là cư dân du mục.

Nhóm ngôn ngữ Hán gồm có ba tộc là Hoa, Ngái và Sán Dìu với tổng số dân gần một triệu người. Bộ phận lớn cư trú ở các tỉnh miền đông Nam bộ, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Một bộ phận khác cư trú thành từng nhóm nhỏ ở các tỉnh trung du và miền núi vùng đông bắc Bắc bộ, nhưng tập trung đáng kể là vùng biển Quảng Ninh và Hải Phòng. Nhóm ngôn ngữ Hán đến cộng cư ở Việt Nam từ nhiều địa phương bên Trung Quốc: Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam... trong nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử. Một bộ phận sinh sống ở nông thôn, làm nông nghiệp và phát triển chăn nuôi. Bộ phận khác quần cư thành từng phường hội tại các đô thị để kinh doanh công – thương nghiệp và làm dịch vụ. Lại có một bộ phận sống ở ven biển, làm chài lưới (...)

Nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao có 3 tộc là Hmông, Dao và Pà Thẻn, dân số chung gần một triệu 150 ngàn người. Địa bàn phân bố của họ là vùng núi cao và vùng trước núi ở các tỉnh miền đông bắc và tây bắc Bắc bộ. Nơi tập trung là vành đai biên giới cực bắc; về phía đông đến Quảng Ninh; về phía tây kéo dài từ đông bắc tỉnh Lai Châu, qua Sơn La, Thanh Hóa, đến tận miền tây Nghệ An. Trong khi các nhóm Hmông sống trên những đỉnh núi vùng cao biên giới (...) thì các nhóm người Dao lại khai thác vùng lưng chừng núi (...) nên về phía nam địa bàn phân bố của người Dao còn vươn tới cả những miền bán sơn địa thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tây... Nhóm người Dao đầu tiên di cư vào Việt Nam là trong thế kỷ XIII (...) Còn (...) người Hmông vào Việt Nam sớm nhất (...) cách đây ngoài 300 năm (...)


Hà Nội, mùa xuân năm 2003


(Trích Lời Mở Đầu loạt sách
Việt Nam – các dân tộc anh em, nxb. Trẻ, VN, 2005. Nhan đề phần trích tạm đặt.)







___________
(1) Một loại cây rừng mà người Rục khai thác lấy bột để nấu ăn (như bánh đúc, cháo đặc). Họ dựa vào việc khai thác cây này để sống khi chưa sản xuất được lương thực.