Võ Phiến không thấy rằng Phạm Quỳnh đã sai khi nói tiếng Việt nghèo từ trừu tượng. Chuyện này chúng tôi trình bày trong bài viết “Tương lai từ vựng tiếng Việt” (xin bấm vào tên bài để đọc).

Người Việt không “đố kỵ cái trừu tượng”. Ta chỉ “đố kỵ” suy nghĩ. Bù lại, ta cảm xúc thật là nhiều và thật là tinh.

Nhưng Võ Phiến có nêu được một điều “hay ho”. Đại khái, nghĩ là lao động, cảm là hưởng thụ. Làm ít hưởng nhiều, đúng ta “được Trời cưng”!
(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Đố kỵ cái trừu tượng”




(…) Người có hai phía: phía cảm thụ, phía suy tư; văn có hai thứ: thứ nghệ thuật, thứ luận thuyết. Ta xuất sắc về một phía thứ nhất. Không chừng đó lại là phía hay ho đa. Có được các giác quan mẫn nhuệ, có cảm xúc tinh vi, ta tha hồ hưởng thụ, sống một đời phong phú, đậm đà. Phía thứ nhất mà kém, không thể trông cậy vào ai được; ta không thể mượn chiếc lưỡi tinh tế của kẻ khác để thưởng thức chén trà ngon, tô phở ngon, ta không thể nghe nhạc hay bằng đôi tai sành sõi của kẻ khác, không thể xem tranh ngoạn cảnh bằng mắt kẻ khác, yêu đương rào rạt bằng con tim kẻ khác. Một dân tộc có thiên khiếu về cái cụ thể, một dân tộc sở hữu những giác quan tinh nhạy không phải là được Trời cưng sao?

Còn suy tưởng cao xa? Hãy giả vờ nêu thử một câu hỏi liều lĩnh: món ấy có thật là cần kíp không? Cao xa như lời Chúa, lời Phật, như bao nhiêu lời các đức Khổng Tử, Mạnh Tử, Aristote, Socrate v.v. trước sau đều lần lượt tìm đến tai ta. Người Tàu người Tây nghe được mấy lời, ta cũng được phép nghe đủ mấy lời. Không một triết gia nào, không thánh hiền nào giấu giếm lời hay ý đẹp cả. Trái lại, mọi sản phẩm cao siêu nhất, quí báu nhất đều mong được truyền bá rộng rãi. Chỉ lo ta không cố gắng tiếp nhận, đừng ngại người không quảng bá. Rồi phát minh điện tử, bí mật vũ trụ, thiên hạ khám phá ra đến đâu, ta tha hồ biết theo đến đấy.

Thành quả của trí tuệ, ta hưởng chung với người; cảm nhận các giác quan thì của ai nấy hưởng kỹ (…)


4 - 1999