Xin xem bài “Rồng lên, rồng lên!” của TT (xin bấm vào tên bài).



Nguyễn Từ Chi, “Vũ trụ quan Mường” (3)




MƯƠNG BUA KHÚ (mường Vua Khú) cũng là thế giới bên dưới, nhưng không phải dưới mặt đất, mà ở đáy nước. Đây là vương quốc của bọn KHÚ, dưới quyền cai quản của vua BUA KHÚ. Khú là nhân vật huyền hoặc thường xuất hiện trong cổ tích và chuyện truyền kỳ Mường dưới dạng rắn lớn ở nước. Nếu có thể nói rằng người tí hon ở mường Pưa Tín là người thực, có thể nói là người "bằng xương, bằng thịt", thì trái lại, bản chất của Khú khó xác định hơn nhiều. Điều khiến chúng tôi lưu ý khi thăm hỏi là, mặc dầu Khú có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, trong ý thức của họ, người Mường không bao giờ tách khái niệm "Khú" khỏi hình tượng rắn gắn liền với nước. Mô tả cảnh khô cằn trong buổi khởi nguyên của trời đất, mo Đẻ đất đẻ nước có câu:

"Chẳng có sông Li chảy lọt lá bài
Không có sông Cái chảy lọt lá de
Nước sông Đằm sông Đè chưa có
Bông cơm trái lúa chưa nên
Tiếng ếch nhái còn lặng im
Hang chưa có nơi nuôi khú
Núi đá chưa có chỗ nuôi rùa
Bên bãi bên gò
Chưa có chốn nuôi giải..."


Ở đây, Khú được xếp cạnh "sông", "cơm lúa", "ếch nhái", "rùa", "giải", những khái niệm có liên quan đến nước.Ngôn ngữ văn học Mường thường ghép hình tượng Khú với hình tượng Rồng (cũng là một thứ rắn) trong một thành ngữ có tính chất lấp láy: "CON KHÚ CON RÔÔNG" (con khú con rồng). Trong những chuyện Khú mà chúng tôi được nghe kể, dù mang hình dạng gì, nhưng khi đã bị người dùng mưu giết chết, hay khi đang ngủ, bao giờ Khú cũng trở lại nguyên hình con rắn. Như vậy, trên cơ bản, Khú là rắn to ở nước.

Rắn gắn với nước là một khái niệm có sẵn trong thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới, và có liên quan mật thiết với ý niệm phồn thực trong tín ngưỡng dân gian và các nghi lễ nông nghiệp: vấn đề này đã được nhiều lần sơ kết. Nguyên hình rắn của Khú có một đặc điểm: bao giờ cũng có một mào đỏ trên đầu như mào gà sống. Qua công trình so sánh của C. Hentze, chúng ta đã biết rằng, cũng như rắn hai đầu và rắn hai thân, rắn có mào là một hình tượng thần thoại và một đồ án trang trí phổ biến khắp miền bao quanh Thái Bình Dương. Nhưng, trong cổ tích Mường, Khú không còn là khái niệm thần thoại, biểu trưng của thế giới bên dưới, thế giới sinh vật và bản năng nữa. Vuợt khỏi khuôn khổ lô-gích chặt chẽ của tư duy thần thoại, tràn vào địa hạt rộng rãi của tình đời trong cổ tích và chuyện truyền kỳ, Khú được nhân cách hóa ít nhiều, trở thành nhân vật có cá tính và lắm khi tai quái, đã thế lại có phép thần thông biến hóa, khi mang hình rắn, khi hiện hình người, khi vật vờ trên mặt sông thành những khúc LOÓNG (thân cây chuối) để đánh lừa người qua bến. Những dạng biến hóa kể trên được phối hợp tài tình trong chuyện "Mế Cụt", một viên ngọc trong kho tàng truyện cổ Mường. Có những người, kể cả bố Mo, quả quyết với chúng tôi rằng Khú cũng là người như ta thôi, nhưng là người ờ dưới nước, đi đâu cũng phải mang lốt rắn. Một số chuyện về Vua Khú có thể khiến chúng ta suy nghĩ theo chiều hướng đó, ví như chuyện người đi cày được mời xuống nước LA WẠI (làm vía, tức cúng) cho con Vua Khú. Dưới đáy nước, Vua Khú sống một cuộc đời vương giả, dưới hình dạng con người, trong những cung điện đầy báu vật. Rõ ràng, trong cổ tích Mường, Vua Khú đã mang diện mạo của một "Long Vương" hay "Vua Thủy Tề" trong truyền thuyết của người Hán và những dân tộc chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hán. Như vậy, khái niệm Khú - con Khú thường - và khái niệm Vua Khú, tuy có chỗ giống nhau, nhưng đã khác nhau về mức độ siêu nhiên. Dù sao, cũng không thể xem muờng Vua Khú là một thế giới thực như mường Pưa Tín được. Tuy đã siêu nhiên hóa, thế giới dưới nước vẫn ở trong một không gian hữu hạn, một không gian rõ ràng bị hạn chế giữa mặt nước và đáy nước. Nhưng, sẵn uy lực phi thường, Khú có hai cách vượt khỏi hạn chế nói trên: một là mở rộng không gian của mình bằng cách dâng nước lên, nước dâng đến đâu Khú vẫy vùng đến đấy; hai là hóa thân thành người để đi vào thế giới của con người. Ngược lại, người sống cũng có thể xuống thế giới dưới nước, nếu có Khú dẫn đường, trong trường hợp ấy, người sống cứ việc theo kẻ dẫn đường bước xuống nước, và khi đã ngập hoàn toàn anh ta sẽ thấy đường sá thênh thanh dẫn đến cung Vua Khú. Cũng có người kể rằng Khú cho người sống ngồi vào một cái thúng, xong một xoáy nước hút thúng xuống đáy, tận cung Vua Khú. Qua đó, ta thấy rằng, mặc dầu giữa mường Pưa và mường Vua Khú có những trường hợp đi lại với nhau, nhưng đây vẫn là hai thế giới cách biệt nhau bằng một hàng rào chỉ có thể vượt qua bằng pháp thuật.


(Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2003. Nhan đề phần trích tạm đặt.)