(Lời bàn sẽ viết)



Võ Phiến, “Cái văn cái vẽ”




Ai cũng chịu cô Kiều là đẹp, là đáng yêu. Nhân vật nam trong truyện, bao nhiêu chàng mết Kiều, đã đành. Mà theo lời truyền tụng xung quanh tác phẩm của Nguyễn Du thì ở đời có những nho sinh mê Truyện Kiều rồi mê luôn cả cô Kiều, mê như Tú Uyên mê Giáng Kiều trong tranh.

Nghe vậy biết vậy. Nhưng giả sử có một tiên ông hiện đến hỏi thẳng vào mặt: “Cho đấy. Muốn cưới Kiều, cho cưới về làm vợ đấy, chịu không?”, bấy giờ ta hoang mang ngay. Cố gắng vận dụng trí óc để mường tượng xem cô vợ mình ra sao, thấy khó quá. Mắt như nước mùa thu, mày như núi mùa xuân, má đỏ hơn hoa, tóc xanh hơn liễu v.v. Cái gì cũng mơ mơ hồ hồ. Mình có vài ba chỗ yếu: Thích má lúm đồng tiền; hai bên má Kiều có được đồng tiền nào chăng? Thích mắt gái một mí, có đuôi, lúc cười bằng mắt trông mới là xinh; cô Kiều hôn thê có thế chăng? v.v. Dĩ nhiên, Nguyễn Du thì nhất: tả người tả cảnh đều nhất; nhưng cái tả của cụ (cũng như của mọi nhà văn nhà thơ) không thỏa mãn được một số đòi hỏi.

Các họa sĩ biết chỗ ấy. Họ muốn tiếp tay. Do đó có tranh minh họa sách. Hồi 1942, hội Quảng Tri ở Huế cho ra đời tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du: độc giả có thể vừa đọc sách vừa ngắm nghía chân dung diện mạo của thuyền quyên và anh hùng.

Bấy giờ Nguyễn Du chết đã một trăm hai mươi hai năm, Nguyễn Du không nói gì. Gustave Flaubert sinh thời gặp trường hợp tương tự, và đã nạt nộ: “Cấm!”. Khi nhà xuất bản Charpentier tỏ ý muốn cho in tranh minh họa vào tác phẩm ông, ông cự nự ngay: “Cái mà tôi tận lực thí thân giấu giếm, bộ ông muốn cho người ta vẽ ra đấy hả?” (Thật ra lời ông cộc cằn hơn nhiều, ông không dùng chữ “người ta” đâu: “Vous voulez que le premier imbécile venu dessine ce que je me suis tué à ne pas montrer?”) Ông tuyên bố một nguyên tắc: “Minh họa là phản văn chương.” Khiếp, Flaubert hung dữ quá.

Kafka nhẹ lời hơn. Vả lại trường hợp ông có chỗ kẹt: tất cả mọi tác phẩm của tủ sách nọ nhà xuất bản đều cho làm bìa có tranh minh họa, cuốn Hóa thân đòi thoát ra ngoài thông lệ, coi sao tiện? Kafka hoảng hốt, nài nỉ với Kurt Wolff: với bất cứ giá nào cũng phải cứu cho kỳ được con quái vật, không được vẽ hình thù nó ra. Nhất định không đấy nhé. Còn nhân vật Grégoire thì sao? Ðành chịu vậy. Vẽ thì đành vẽ. Nhưng Grégoire xuất hiện trong căn phòng tối, chỉ có một cánh cửa mở hé, mà chàng ta thì hai tay bụm mặt ôm đầu! Ðiều kiện xuất hiện khắt khe ác!

*

Viết lách như vậy có kỳ cục không? Ðưa ra một nhân vật, sao chẳng cố gắng trình bày cho thực, cho sống động, cho đầy đủ, cụ thể, đi vào chi tiết, rõ chừng nào hay chừng ấy? Sao các ông nhà văn này không muốn bày ra, mà lại liều chết giấu đi?

Flaubert đã có lời đáp: Văn không phải vẽ. Cái vẽ phản cái văn.

Ðó là ông ta nói vắn tắt. Trong văn chương có phép tả; đó cũng là vẽ. Nhưng cái vẽ của văn khác cái vẽ của họa. Họa vẽ bằng hình dạng màu sắc; văn vẽ bằng lời.

Vẽ một khuôn mặt thiếu nữ xong, họa sĩ có thể chợt nảy ra ý kiến: Thử thêm cái nốt ruồi ở khóe miệng xem sao. Cầm cọ thêm vào, quả thấy có duyên hơn. Một nhà văn đã buông bút xuống lại nâng bút lên, viết thêm mấy dòng tả nốt ruồi, e không thêm được duyên dáng gì. Chẳng có mấy nhà văn đi gây duyên dáng cho nhân vật bằng cách ấy. Không phải nốt ruồi đặt vào khuôn mặt nào cũng hợp: có khuôn mặt đặt vào thêm xinh, có khuôn mặt khác cho vào nom dễ sợ. Người họa sĩ đặt nó vào một khuôn mặt cụ thể trên vải, và thấy ngay tác dụng của nó. Còn nhà văn đặt nó vào khuôn mặt nào? Trên giấy chỉ có chữ; khuôn mặt nhân vật vừa tả xong là khuôn mặt nằm trong trí tưởng tượng của độc giả. Cùng đọc một sách, mỗi độc giả có trong đầu một khuôn mặt nhân vật riêng; mỗi người có một cô Kiều, cô Nguyệt Nga, cô Loan, cô Thúy, cô Kiều Thu, cô Giáng Hương v.v. riêng. Hô: “Điểm nốt ruồi!”, họ gắn vào những gương mặt khác nhau, khéo hỏng to.

Người viết vẽ bằng lời, vẽ một chân dung trên giấy thành muôn vạn bản chân dung trong trí người đọc. Người họa (cũng là một độc giả) đem cái chân dung thành hình trong trí mình đặt lên khung vải, như thế là chỉ đưa ra một bản trong muôn bản, là làm rõ ra nhưng nghèo đi cái bản vẽ bằng lời. Cái vẽ bằng lời nó gợi một hình dạng chứ không minh định hẳn hình dạng. Ðem cọ ra vẽ, vẽ ra sao cũng bị chê: “Không phải thế. Thế chưa đủ, chưa thể hiện hết, chưa diễn tả được mảy may...”. Ông viết tha hồ ngúng nguẩy chê ông vẽ.

Chẳng qua phương tiện khác nhau, ông này không thể dùng cọ dịch chữ ra màu, dịch lời ra nét được.

*

Nhất Linh “vẽ” ra một cảnh gần nhau của Dũng và Loan trong cuộc đi chơi ban đêm trên đường phố Hà Nội: “Ánh trăng đang mờ bỗng sáng hẳn lên. Gió đưa tà áo Loan khẽ chạm vào tay khiến Dũng sực nghĩ mình đi sát gần bên Loan quá. Chàng nhớ đến hôm lễ thọ (...) Chàng nhớ, chàng nghĩ từ cái nọ tới cái kia, quả tim chàng đập mạnh. Chàng lại nghĩ nữa (...)”. Và “sự yên lặng của Dũng khiến Loan thốt nhiên giật mình lo sợ.” (Ðôi bạn).

Chu Tử “vẽ” ra cảnh Ðào ngồi chung xe với Thái đi lòng vòng một lát thưởng xuân ở Sài Gòn:

“- Cô nghĩ tới Hiệp à?

Ðào đột nhiên nghe Thái hỏi, giật mình:

- Chịu anh là tinh quái! Còn anh, chắc anh đang nghĩ cách lợi dụng tôi.

Thái tủm tỉm cười, lắc đầu:

- Không Ðào ạ. Tôi không nghĩ chuyện lợi dụng cô! Tôi đợi lúc cô sẵn sàng ngã vào hai cánh tay tôi. Chẳng chóng thì chầy cô sẽ cũng yêu tôi...

Thái nói bằng một giọng không có vẻ gì là hợm hĩnh, trái lại Thái điềm tĩnh, thản nhiên, vững chắc, vững chắc như hai cánh tay lông lá để trần của Thái, điều khiển vô-lăng xe, tưởng chừng không cần chạm vào vô-lăng mà cái xe vẫn tuân theo mệnh lệnh của Thái, len lỏi, lướt qua các xe khác rất nhẹ nhàng.” (Loạn).

Người viết, họ vẽ như vậy. Một người đưa ra một số chi tiết gợi ý: Ðêm trăng, tà áo khẽ chạm tay, tim Dũng đập mạnh, Loan lo sợ. Từ đó, chúng ta tiếp tục bổ túc trong trí về hình ảnh, dáng điệu, tâm hồn, phong cách của cặp nhân vật này. Một người khác đưa ra chiếc ô-tô, cánh tay khỏe mạnh, mấy câu đối đáp thẳng thừng, một giọng nói điềm tĩnh, vững chắc. Mỗi người trong chúng ta đem cái kinh nghiệm sống trong đời mình ra mà hình dung lấy một cặp Thái - Ðào riêng. Cái đóng góp của độc giả là phần quan trọng. Em bé mười tuổi biết đọc sách mà thiếu kinh nghiệm sống, không đóng góp được thì cũng chẳng hưởng được gì. Người đọc phải san sẻ nhiệm vụ của người viết. Người viết không muốn ông họa sĩ đứng ra láng cháng, giới hạn tự do tưởng tượng của người đọc, làm xao lảng trách nhiệm đóng góp của người đọc.

*

Người viết, họ vẽ như vậy là sơ sài quá chăng? là đòi hỏi ở người đọc quá nhiều chăng?

Thực ra “như vậy”, như ở vài trường hợp vừa nói, chưa phải đã là sơ sài, vắn tắt. Có khi chỉ cần dùng một chữ, một lời.

Trong đời lưu lạc của Thúy Kiều đã có nhiều người đàn ông đến với nàng, mỗi người có một cách đến. Ðây là cách đến của Sở Khanh:

“Tường đông lay động bóng cành
Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”.

Một nhà văn nào đó đã nói ở đâu đó rằng một chữ “lẻn” đã giết Sở Khanh, giết chết cái nhân cách của anh ta. Con người ấy “vừa trạc thanh xuân, hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng”, trông vẻ cũng ra “mạch thư hương”, thế mà lại chuyên về “lẻn”. Ðến đã lẻn, lúc đi cũng lẻn. Khi Kiều hỏi xem kế hoạch tháo củi sổ lồng ra làm sao, anh ta nói ngay:

“Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn”.

Chữ “lẻn” là một chữ mô tả. Người viết mô tả thế, người vẽ có phép minh họa cung cách lẻn chăng? có phép phiên dịch thích hợp chăng?

*

Dù sao một chữ cũng là lời, có lời thì mới có dịch. Người viết lắm khi diễn tả ở chỗ ngoài lời nói.

Chuyện ý tại ngôn ngoại ai cũng biết. Xuân Diệu đặc biệt thích thú những bài từ của Ðào Tấn, cho rằng: “Thể loại thơ vẫn còn nặng về diễn đạt ý và tình; thể loại từ thiên về diễn đạt cảm và xúc: nhịp điệu của câu, âm thanh của chữ đúng là ngôn ngoại, nói thêm ngoài cái nghĩa của lời văn.”

Xuân Diệu dẫn bài từ Nhất Tiễn Mai của Phạm Thái:

“Tuyết sương lác đác nguyệt mờ mờ
Quế nhạt hương đưa
Sen nhạt hương đưa...
Rải rác trên không nhạn lửng lơ
Oanh cũng thờ ơ
Bướm cũng thờ ơ...
Chồi ngô gió thổi lá bơ sờ (...)”.(1)

Rồi ông nhận xét: “Cấu trúc của bài từ này: 12 câu chung một vần bằng: xen kẽ một câu thơ bảy chữ với hai câu thơ bốn chữ, và láy lại trong các cặp câu thơ bốn chữ, nhạc điệu rất tiêu tao và day dứt, nhấn mạnh thêm cái nỗi niềm trông ngóng bâng khuâng...”.

Họa có thể họa tuyết, sương, nguyệt, sen, quế, nhạn, oanh, bướm, ngô v.v. Nhưng cái tiêu tao day dứt nó không nằm trong các món kể trên mà lại nằm trong cấu trúc câu này xen câu nọ, trong nhịp điệu của câu, trong âm thanh của chữ... Khổ thế.

Nhân tiện, xin nói luôn một vài “vụ” nữa. Hơn ba thế kỷ trước La Fontaine tả con diệc bước đi: “Le héron au long bec emmanché d”un long cou”, người ta khen: giống quá! Không phải hình thù tả giống, mà là nhịp thơ giống bước đi: cái giống ở nhịp câu, không phải ở nghĩa chữ. Sau này, Xuân Diệu tấm tắc khen nhịp thơ của Nguyễn Du trong câu “Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang”. Kim Trọng là trai mới lớn, mới yêu lần đầu, trong lúc mê mẩn gái đẹp, thế là “cứ từng hai bước một, anh xăm xăm - đè nẻo - Lam kiều - lần sang, chăm chăm chúi chúi đi tìm lại cái bóng ảnh mộng mơ, nếu có đụng trán vào cây, anh cũng không biết! Bằng tám chữ, Nguyễn Du đã tóm hết cái thần thái của hàng trăm thế hệ mê gái vào thơ.”

Họa ra cái thần thái đã khó. Họa một cái thần thái còn đòi truyền cho đúng nhịp từng cặp chữ thế kia thì... ép nhau quá.

Trong văn, xúc với cảm có lúc thì ngôn nội lúc ngôn ngoại, đều xoay quanh cái ngôn cả, đều tùy thuộc cái ngôn, do cái ngôn mà ra cả. Dùng phương tiện khác không làm lại được một công trình đúng như thế, chẳng qua chỉ dịch ra một công trình tương ứng, mong gây một tác dụng tương đương nơi giới thưởng ngoạn. Trời! tương ứng với tương đương! Biết sao mà so sánh. Mông lung quá, mơ hồ quá. Bảo sao Flaubert không giẫy nẩy người lên.

*

Kết cuộc, tắt một lời, nên có luật cấm minh họa chăng? - Ối, ở Ðông phương từ xửa từ xưa đã có lệ các văn nhân cứ bắt gặp bạn bè có bức tranh đẹp đẽ thích ý, là rút cây bút ra phăng phăng đề ngay vào góc tranh mấy câu thơ, rồi lập cập móc túi lấy triện đóng cái tên mình vào đấy đỏ loét. Một bức danh họa có thể mang hàng “chùm” thơ chi chít, dám át luôn cả nét vẽ. Tất nhiên, trong “chùm” trái thỉnh thoảng không thiếu trái thối, vì vậy ai biết xưa nay từng có bao nhiêu họa phẩm giá trị bị mang thương tích văn chương cách vô lối?

Vậy hãy bỏ qua luật cấm minh họa. Sở dĩ nghĩ bâng quơ đôi điều là vì lo lắng cho cái văn. Nghệ thuật bằng ngôn ngữ, bằng chữ viết là đứa em út trong gia đình nghệ thuật. Từ thuở ở hang ở hốc, con người đã vẽ vời đầy cả hang, từ thuở hoặc còn lõa lồ hoặc chỉ mặc một chiếc khố cỏn con, con người đã múa nhảy đàn hát vang núi rừng; nhưng câu văn với cuốn sách là cái mới mẻ lắm. Ấy vậy mà gần đây nó bị các nghệ thuật bằng âm thanh và hình sắc lấn át thấy rõ. Trên truyền thanh truyền hình, hàng ngày cái hình cái tiếng nó lấn cái chữ, lấn chết bỏ. Ðứa em út trong gia đình bị uy hiếp tơi bời, đáng tiếc quá.

Tiếc vậy thôi. Nóng tính như Flaubert, người ta cười cho.


Tháng 12-1995



















___________
(1) Bài từ Nhất Tiễn Mai, Xuân Diệu nhớ lầm là của Ðào Tấn (trong cuốn
Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập II). Tôi đã được bác sĩ Trần Văn Tích nhắc nhở cho biết tác giả bài từ đó là Phạm Thái. (V.P.)