Mới năm 1964 Nguyễn Tuân cho biết “loại trầm tốt nhất giá một cân”... ba bốn chục bát phở bò.

Thế rồi “trầm hương tự nhiên có 6 loại (...) giá từ 1 đến 25 lạng vàng mỗi ký (thời điểm 1980). Còn hiện nay, trầm xuất khẩu sang Nhật được tính từ 2.000 đến 10.000 USD/kg”.(1)

Chênh lệch, trời đất ơi!

Thảo nào trước kia “bố tôi” và sau đó là “tôi” đã “quanh năm, lúc nào (...) cũng có thể (...) đốt trầm”. Cái “một thời” đốt trầm chỉ đắt ngang ăn phở nó chẳng còn “vang” còn “bóng” gì nữa ráo. Trầm giờ xa vời vợi đàn với sách rồi, chỉ ưa quấn quýt các đại gia thôi.

(Thu Tứ)

(1) Theo Trương Tất Thọ, “Không ngậm ngải vẫn được trầm”, đăng ngày 6 tháng 7 năm 2010 trên trang
truongkha.vn.



Nguyễn Tuân, “Cụ Trầm”





ảnh khuyết danh


Từ đầu làng Mỹ Lộc trông thấy cả núi xanh ngoài Quảng Bình, trông thấy cả núi xanh mấy huyện thượng du phía nam tỉnh Quảng Trị. Chống cái rèm tre lên là ai ở Mỹ Lộc cũng thấy ngay núi và núi (...)

Buổi trưa hè Mỹ Lộc không có con chim gì cả. Chỉ có gió Lào ó la quạt lửa vào những đồi sắn vỡ hoang, và cái giọng lạc quan dễ dãi của một cụ già đang ngồi kể chuyện ngày xưa, những chuyện lạ về rừng Trường Sơn trong kia. Tên ông cụ tôi trót quên mất, xin tạm gọi là cụ Trầm.

Cụ Trầm cách đây hai mươi năm là một người thợ rừng, một người sống bằng nghề đi làm rừng. Nghề làm rừng cũng nhiều mặt: có người sơn tràng làm lim gụ cho lái gỗ; có người làm củi, có người đốt than hoa than tàu; có người đi săn nai, săn gấu, săn cọp giao cho lái cao đặt mua xương; có người leo lên cây quế giữa nơi ma thiêng nước độc mà bóc vỏ. Cụ Trầm làm nghề đi núi tìm trầm.

Sao, anh bạn đọc trẻ tuổi thân mến của tôi kia đang nhíu lông mày cố tìm hiểu xem danh từ trầm dùng để gọi vật gì (...) Thực ra đốt trầm có thể không có lợi ích trực tiếp gì cho đại thể sự sống, nhưng trong một số việc nhất định, nhiều khi có nó mà dùng thì phải nhẽ hơn, thì yêu thích hơn cái việc mình đang làm. Ví dụ trong cái đỉnh cái lư bàn thờ Tổ quốc mà không lạnh lẽo một cách tượng trưng, mà lại có lửa ấm lại có phe phẩy làn khói hương trầm, thì mình càng cảm thấy Tổ quốc mình thơm ấm hơn sống động hơn (...) (Ví dụ) nồi cơm, nhưng cạnh nồi cơm còn có lọ hoa nữa. Hoa không bỏ vào mồm (...) nhưng trong không khí một cuộc chiêu đãi trọng thể, khá nên đừng tiết kiệm đi một cành hoa. Nhưng thôi, ta hãy trở về câu chuyện làm nghề đi rừng của cụ Trầm (...)

Nhà cụ Trầm ở trên lưng đồi. Cụ Trầm khoát cánh tay vung rộng ra: “Rú đó, núi đó, biết là bao nhiêu trong tê ngoài nớ, mà tui đi cả rồi. Biết mấy là cây tươi cây chết khô, nhưng tìm thấy cây trầm thì có mô mà nhiều”. Mắt tôi theo tay cụ mà hướng vào rú núi một dải Trường Sơn. Thấy Trường Sơn xanh xanh hấp dẫn như một tiếng gọi đi đi.

Trước đây đôi ba chục năm, người ta đi rừng làm trầm như thế nào, và người làng Mỹ Lộc đây đã sống như thế nào? Cụ Trầm bảo làng đây là làm bún, là chở đò dọc vô Huế, sắn khô chở vô, nồi đất buôn chở ra. Và đi làm trầm. Ở rừng về xủng xẻng tiền bán trầm là đánh bạc. Hết tiền lại đi rừng tìm trầm. Còn rừng thì còn trầm. Còn trầm thì còn lái trầm thợ trầm. Một năm người đi làm trầm chỉ ở nhà với vợ con trong mấy tháng mưa. Tháng giêng ăn tết xong là lên rừng mà ở rừng. Ở liền cho đến tháng sáu về, hết mùa mưa, tháng mười lại lên và gần Tết lại về. Người đất cát đất đỏ vùng gần bể, mà lại đi núi ở rừng, lấy rừng làm làng ngụ cư (...)



ảnh khuyết danh


Trầm lấy ở thân những cây rừng đã chết. Có những xác cây thật to cao mà không có chi cả, có những cây xương xương nho nhỏ mà lại có trầm. Những cây lụi ngay trên đất thịt, ít khi có trầm. Thường tìm thấy trầm ở những thứ cây chết đi trong kẽ trong đá hốc núi. Có những ruột cây lụi đi, trong lòng gỗ chết, tiết ra hàng yến trầm. Mỗi chuyến đi rừng, phát hiện được trầm mà làm được khoảng dăm ba cân cũng đã là khá rồi. Loại trầm tốt nhất giá một cân được mười đồng Đông Dương ngày xưa (lúc đó một đồng bạc ăn được ba bốn bát phở bò). Trầm tốt loại một, rờ vào thấy có chất dầu nhờn dính tay. Cục trầm thượng hạng đó có khi ruột nó sắc đen hoặc trắng hoặc vàng. Phơi ra nắng, nó chảy dầu.

Không ai đi làm trầm một mình mà đi thành tổ thành đoàn. Cùng là người làng người xóm với nhau, cùng rời làng mà tiến lên rừng Lào, rừng Cam Lộ, rừng Quảng Bình. Đến khu rừng nào đó, đóng lại dựng lều, rồi mỗi người chọn lấy một cái hướng mà tỏa đi, mà đi tìm cây trầm. Có khi hết mỗi ngày lại trở về căn cứ chung của tổ. Có khi đùm cơm nắm mang theo mà đi ba bốn ngày mới về, một tay vác rìu một tay mang chàng đục. Cứ thui thủi mà đi, vạch gai, vạch rú, mở lấy đường mà đi, chứ không phải là cảnh “lối mòn cỏ nhợt màu sương” nó còn là có hơi người. Có người đi rồi về, người về sớm người về chậm, nhưng cũng có những người đi rừng mất tích in như những người đi biển.

Mỗi khi đục ruột cây khô thấy trong ruột thân cây chết đứng kia có trầm, thì chặt ngay một cành tươi mà cắm vào lỗ đục, đánh dấu lại đó. Rồi về báo lại cho anh em cùng tổ làm rừng với mình. Cũng trong một đoàn tổ cùng một thôn xóm với nhau, ít khi xẩy ra những chuyện người nọ nhận chằng cây trầm của người kia (...) Người làm trầm hình như thương nhau hơn là cướp đoạt của nhau. Người làm giỏi còn giúp đỡ người làm kém. Tài giỏi mà tìm được ra không phải chỉ một gốc mà lại năm bảy cây kia – nhiều khi cái giỏi ấy còn là cái may mắn nữa – thì mình cũng không hưởng hết lộc trời lộc núi, mà nghĩ đến những bạn đi rừng khác không được may tay như mình. Đục gốc trầm ra, chỉ moi sơ sơ lấy chừng nào đó, còn thì gọi anh em cùng làng đến mà moi nốt. Bạn nhà nông nghèo, có những người đi mót lúa trên mặt đồng thì trong lòng rừng, cũng có những người theo đoàn theo tổ mà đi mót trầm.

Làm cái nghề kiếm trầm trên rú, đau khổ nhất và kinh hãi nhất là mỗi khi có người lạc rừng. Cùng đi với nhau lên rừng, bạn lứa thì tìm được ra hết gốc trầm này đến gốc trầm khác, mình thì càng tìm càng không thấy một gốc mô. Cây xanh nhiều hơn cây khô, và cũng đã đục nhiều gốc lụi héo mà lòng cây không có chi. Gạo cá muối ruốc của lái trầm ứng trước ra cho mình đó, ăn mãi đã gần vợi hết đi, mà thuyền lái trầm tiếp tế gạo mắm lên nữa thì còn lâu lắm mới tới kỳ sau. Anh em người ta ai cũng một vài gốc một vài cân trầm rồi. Mà mình thì càng tìm càng chẳng thấy. Nhiều khi anh em tìm được những gốc trầm to, phải mất đến ba bốn ngày mới hạ được cây xuống, cũng cầm lấy rìu đẵn giúp vào ít nhát cho cây trầm của bạn mình chóng đổ xuống. Cây đổ, rừng vọng lên ầm ầm. Nhưng trong lòng riêng anh thợ trầm chưa có trầm cũng vọng lên những mối lo mùa mưa sắp tới rồi. Mùa mưa sắp tới rồi, hoặc năm cùng sắp Tết rồi, vợ con chờ mong ở một cái làng giáp biển, chao ôi! Sao cho tìm ra ngay một cây trầm bây giờ! Người thợ trầm cứ nghĩ thế mà càng lao sâu vào rừng, mở gai mở bụi ra mà gọi là mở lấy đường mà đi. Lách người qua chưa hết hai bàn chân là lối rừng đã khép lại. Nhiều khi không dám quay lại. Cứ đi thôi. Đi cho tới lúc nào thấy một cái gốc cây lụi khô trong kẽ đá vôi thì mới dừng lại mà đục lỗ thăm dò. Đục không có gì, lại đi tiếp. Lòng rừng thăm thẳm, ban ngày xanh thẫm cũng đen gần như ban đêm. Chẳng biết là mấy ngày mấy đêm. Chẳng biết là đi đúng hay đi sai, nhưng là đang đi tìm. Có lúc chán nản muốn đầu hàng sơn lâm muốn quay về chỗ lán lều. Nhưng đi thì dễ chứ tìm đường trở về thì khó. Hỏi thăm lạ mặt toàn là cây rừng. Người đi biển muốn nhận định phương hướng còn có mặt trời ban ngày và ánh sao ban đêm. Ở rừng bưng bít như lọt trong một cái hũ xanh ve, nhiều khi chỉ dựa vào đám rêu trên vỏ cây to mà định hướng. Thế rồi mình trở thành một người lạc đường rừng lúc nào mà không biết nữa (...)

Người Mỹ Lộc làm trầm quê tỉnh Quảng Trị, nhưng ông tổ nghề đó lại là người Quảng Nam, truyền nghề cho ứng tiền cho. Tiền và nghề là của Quảng Nam, sức lao động của người Quảng Trị, nhưng rừng có nhiều trầm lại thuộc về đất Quảng Bình. Trên con sông Gianh (Linh Giang), vẫn xuôi về những con đò trầm. Trên sông Gianh đò trầm vẫn đưa lái trầm thợ trầm ngược dòng. Và từ bờ sông Gianh đi sâu vào một hai ngày đường rừng, thỉnh thoảng vẫn có những vụ lạc rừng (...)

Ông cụ Trầm làng Mỹ Lộc đã kể cho nghe về chuyện những người đi làm trầm lạc đường suýt hóa thành người rừng. Lạc trong rừng lâu ngày, đói, ăn nhầm phải lá rú nấm dại. Rồi mất trí nhớ. Rồi thấy bóng người là lẩn tránh, lủi vào bụi sâu. Những khi có người lạc, đi tìm, hú lên mà thoáng thấy bóng họ tránh mình lẩn vào rừng quãng nào, thì bẻ lá bẻ cây đánh dấu lại. Về lán đùm cơm nắm trở lại chỗ đó, hú to lên, rồi để nắm cơm vắt lên trên tảng đá bên dòng suối. Rồi tránh ra chỗ xa chỗ kín. Người lạc rừng nấp mình kín sau cây lá mắt vẫn theo dõi, chờ ta đi khuất, rồi lâu lâu mới mò ra, nhìn ngang ngửa nhìn trước sau, ngờ sợ mà cầm vào nắm cơm lạnh. Nhìn rõ người bạn đi làm rừng của mình mà mình phải nín tiếng, thấy tội quá. Vì mình động mạnh và hiện ra thì họ vụt biến mất, và có khi lủi đi một khoảnh rừng nào khác. Như thế, càng nguy hiểm, càng khó tìm thêm, và có khi tìm chẳng thấy bao giờ nữa. Cứ ngày ngày đem cơm nắm đặt bên khe lạnh và tránh đi, có trường hợp phải hàng tháng như thế. Có hơi ngũ cốc vào, trí nhớ người lạc rừng dần trở lại. Bấy giờ bạn lứa xúm lại dìu ra bờ sông, để xuôi thuyền về quê. Bờ sông lúc này mỗi người một cảnh. Ai chăm nom người bạn lạc rừng chưa lại hồn thì cứ chăm nom. Ai sửa soạn về làng ăn Tết thì cứ sửa soạn. Ai cân trầm tính tiền thì cứ bắc cân lên mà cân. Người lái trầm mang mỏ cân đi thuyền ngược lên dòng sông đỗ ở cửa rừng, chỉ ghé đò ở cửa rừng nên ít khi gặp sơn lam chướng khí, và chẳng khi nào gặp phải những chuyện không may của rừng thiêng. Chả khi nào họ khen cái công của người thợ rừng lấy một câu cho đúng. Lái trầm không khen công không khen của, mà thường là còn chê bai đáng giảm giá hòn trầm của mình. Người lái trầm thường ăn chặn của anh em đến 80% chỗ tiền rừng mình làm ra đó. Có ai xấu số lạc rừng mà tìm hú không ra rồi mất tích, họ còn rầy la người bảo lĩnh rằng thế là mất đứt chỗ tiền gạo ruốc đã ứng trước bấy lâu nay (...)

Tôi thích đốt trầm đốt hương (...) tôi là một người của phái vô thần, nhưng tôi rất thích thắp hương. Trừ những ngày hè mùa nóng, còn thì quanh năm, lúc nào tôi cũng có thể đốt hương đốt trầm, nhất là khi trời trở lạnh (...) Bố tôi ngày xưa uống trà Tàu, đánh đàn nguyệt đánh đàn thập lục. Tôi đứng cạnh bố tôi làm một thằng hầu lửa, hương tắt trầm hết khói thì tôi lại thắp tiếp lên. Để cho bớt đi cái độ ẩm, để cho dây đàn thật tiếng hơn, để cho không khí âm vang hơn. Mà thật như vậy đó, trời mùa đông, nhà không có lò sưởi như nhà người Âu, đốt lên mấy nén nhang, thấy nó có đỡ lạnh đi thật. Có những lúc nhất định nào đó, làn khói thơm lại có cái giá trị vật chất của tấm áo khoác thêm lên mình lúc ngồi trong phòng sách.


1964


(Trích từ bài Đố Ai Quét Sạch Lá Rừng trong tập
Ký Nguyễn Tuân, nxb. Văn Học, VN, 1986. Nhan đề phần trích tạm đặt.)