Cái quá trình Việt hóa một món nhập ngoại có thể bắt đầu sớm hơn ta tưởng.

Chỉ vài mươi năm sau khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, ở miền Nam người Việt đã táy máy gọt lõm cái phím của cây đàn ghi-ta "thực dân" và lên dây nó theo kiểu bát độ.

Còn cây đàn cò Tây (tức
violon) thì hình hài không bị chạm đến, nhưng khi kéo các nhạc sĩ cải lương vùng Bạc Liêu cũng lại ưa lên dây theo cách riêng của mình!

Gọt phím, lên dây, hay sửa thế nào đó, hẳn đều nhằm cùng một mục đích cuối cùng, là làm sao cho tiếng đàn nghe mùi... rụng rún!

Các ông Tây nghe tiếng ghi-ta "tẳng tẳng" chắc hỡi ôi. Nhưng kệ các ông ấy chứ.

(Thu Tứ)



Phạm Duy, “Gọt phím, lên dây”



Nhạc cụ Tây phương được thu dụng trong giới nhạc sĩ cải lương (...) từ khoảng 1920 - 25: đàn violon và đàn guitare. (...) violon có khi giữ nguyên các dây sol re la mi (gọi là dây Rạch Giá) có khi lên theo (...) re la re la hoặc re sol re sol (dây Bạc Liêu) (...) Và (...) đàn guitare đã được sửa đổi lại (...) phím đàn bị gọt trũng xuống (...) lên dây theo kiểu bát độ


(Phạm Duy,
Ðặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, Sài Gòn, trước 1975, tr. 197)





_______________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.