Khu vực đông dân phía bắc nằm thấp lắm. Chỉ vài mét nước lên xuống đã đủ quyết định ấy là nước hay đất! Khu vực đông dân phía nam lại càng thấp! Do biến đổi khí hậu, băng ở cả hai Cực đang tan nhanh. Cứ đà này, không lâu lắm, nếu không xây đê biển thì phần lớn Nước sẽ hóa nước! (Thu Tứ)



Trần Quốc Vượng, “Chỉ vài mét nước thôi...”




Cách đây 4000 năm (tính số tròn) (...) mực nước biển cao trên 3,5m so với mực nước biển ngày nay (...)

Biển lùi và sông bồi tích phù sa, phá Hà Nội cạn dần. Thế là có đất và có những đầm lầy, vũng đọng. Có đất nên cỏ cây mọc thành rừng rậm, với nhiều loại thú, gồm cả hổ, voi... Có đầm, vực, nên có cá sấu, thuồng luồng, rùa, giải...

Chứng tích rõ rệt nhất của thời kỳ rừng rậm đầm lầy Hà Nội cổ là những dải than bùn xếp dưới lòng đất Hà Nội. Than bùn Từ Liêm (qua lỗ khoan Dịch Vọng) có chỗ dày tới 4m, nằm từ độ cao xấp xỉ mực nước biển trở xuống. Mỏ than bùn giàu có Lỗ Khê (Đông Anh), một dải dài vài ki-lô-mét, Hà Nội ta khai thác đã hàng chục năm nay! Có rừng rậm, đầm lầy, cộng với bão tố, động đất... rồi mới có than bùn: rừng đổ xuống đầm, gỗ dần dà thành than bùn (…)

Phủ lên trên lớp than bùn Hà Nội cổ, là lớp phù sa sông, gồm đất sét và sét pha, càng lên trên càng nhẹ dần tới đất thịt trung bình, có nơi thịt nhẹ. Di tích của đời sống con người sẽ thấy ở lớp đất này (...)


(Trần Quốc Vượng,
Hà Nội như tôi hiểu, nxb. Thời Đại, 2009)