Văn hóa Hoa Nam khác văn hóa Hoa Bắc, cơ bản không phải do chủng Hoa xuống ở phương nam lâu ngày mà văn hóa dần dần trở nên khác nơi đất gốc. Văn hóa Hoa Nam khác Hoa Bắc, cơ bản là vì khi nam tiến chiếm đất của chủng Việt, văn hóa Hoa đã lai với văn hóa Việt. Ruột thực ra là lai, nhưng vỏ thì do Hoa thắng trận nên nhãn dán chỉ đề tên Hoa mà thôi.(1)

Tình hình chung là như thế, còn cụ thể từng thành tích văn hóa thì phải xét thật kỹ. Có trường hợp có thể kết luận dứt khoát, có trường hợp bây giờ không sao biết chắc được nữa.

Những bằng chứng mà Trần Ngọc Thêm trình bày sau đây về nguồn gốc của lịch âm dương thiết tưởng rất đáng chú ý.

(Thu Tứ)

(1) Xem hai bài “Mềm như nước” và “Trời Đông, Trời Tây” của TT.



Trần Ngọc Thêm, “Lịch âm dương gốc Bách Việt”



Cho đến nay, đã có khá nhiều cơ sở đáng tin cậy để cho rằng lịch âm dương bắt nguồn từ nền văn hóa Bách Việt – Nam Á. Những cơ sở đó (mà một phần đã nhắc đến ở trên) có thể tổng kết như sau:

1. Về mặt lý thuyết, cư dân nông nghiệp có nhu cầu tính toán thời tiết để trồng trọt cao hơn nhiều so với người du mục, bởi vậy, các hệ lịch trên thế giới đều là sản phẩm của các vùng văn hóa nông nghiệp. Mà phía nam sông Dương Tử là nơi có cuộc sống nông nghiệp định cư sớm hơn nhiều so với vùng Hoàng Hà của dân gốc du mục đến từ miền Trung Á.

2. Cấu tạo của lịch âm dương này phản ánh rất rõ lối tư duy tổng hợp và biện chứng của văn hóa nông nghiệp phương nam: Đây là lịch duy nhất kết hợp được cả quy luật mặt trăng lẫn mặt trời (tổng hợp) và được xây dựng theo nguyên lý âm dương để từ 10 x 12 yếu tố, ta thu được hệ đếm kỳ dị chỉ có 60 đơn vị (linh hoạt, biện chứng)!

3. Tên các chi không liên quan gì đến ngôn ngữ Trung Hoa mà, ngược lại, có nhiều cơ sở để kết luận rằng chúng có nguồn gốc từ tiếng Đông Nam Á cổ đại.

4. Lịch này không đúng với diễn biến thời tiết vùng Hoa Bắc (lưu vực sông Hoàng Hà), nhưng lại phản ánh rất chính xác tình hình thời tiết vùng nam Trung Hoa và bắc Việt Nam (khu vực cư trú của người Bách Việt – Nam Á khi xưa): Ngày Tết Nguyên đán ở vùng này bao giờ cũng đánh dấu sự thay đổi về thời tiết; các lễ hội hàng năm ở vùng Kinh Bắc (Việt Nam) tuân theo một sự biến đổi thời tiết rất chặt chẽ, chẳng thế mà tục ngữ có câu: Lâm râm hội Khám, u ám hội Dâu, vỡ đầu hội Dóng. Kinh nghiệm làm nông tang được phản ánh trong tục ngữ là: Muốn biết lúa tháng 5, trông trăng Rằm tháng 8; Tỏ trăng 14 được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm (14 và 15 tháng 8). Dịp tháng Bảy hàng năm có mưa Ngâu rất đúng lịch: Vào mồng 3, ra mồng 7, rẫy mồng 8; truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ là sản phẩm của vùng văn hóa này; ngâu, ngưu, sửu là những từ có cùng một gốc v.v.

5. Lịch này gắn bó mật thiết với hiện tượng thủy triều, mà thủy triều thì gắn liền với phương thức canh tác nông nghiệp cổ, vùng Bách Việt gần xích đạo hơn, thủy triều mạnh hơn, nên người Việt “phải có hiểu biết về âm dương lịch sớm hơn người Trung Hoa” (Nguyễn Thường 1992: 47).

6. Nếu chấp nhận giả thuyết coi lịch âm dương có nguồn gốc phương nam thì sẽ giải đáp được trọn vẹn hàng loạt sự kiện mà giả thuyết về nguồn gốc phương bắc của lịch này chịu bó tay: Đó là việc nhiều nơi ở Việt Nam còn lưu giữ được những dấu vết cổ xưa về hệ tên tháng nguyên thủy bắt đầu từ tháng Tý; quan niệm về ngày Tết Đoan Ngọ 5-5 như một ngày giữa năm; những dấu vết về sự tương ứng can-hành nguyên thủy; việc các hành tinh được đặt tên theo ngũ hành và thứ tự nguyên thủy của ngũ hành theo Hà Đồ (Thủy-Hỏa-Mộc-Kim-Thổ) phản ánh gần đúng khoảng cách xa dần của các ngôi sao tính từ trái đất mà người xưa quan sát thấy (bằng mắt thường), trong khi thứ tự của các ngôi sao theo ngũ hành đã sửa đổi không nói lên điều gì. Cũng không phải ngẫu nhiên mà hệ lịch này chỉ thấy xây dựng trên cơ sở âm dương – ngũ hành là những tư tưởng triết lý phương nam và hoàn toàn không có chút bóng dáng nào của bát quái được tạo ra từ phương bắc.

7. Kết quả nghiên cứu của những năm gần đây cho thấy cư dân phương nam thời trước Đông Sơn và Đông Sơn đã đạt đến một trình độ thiên văn rất cao: Từ 6000 năm trước công nguyên, chiếc rìu đá Bắc Sơn đã khắc hình chòm sao Vũ Tiên (Hercules) – một chòm sao mang tính chu kỳ đã xuất hiện trên bầu trời Đông Nam Á lúc đó. Trống đồng Hoàng Hạ (và một số trống đồng khác) được xác định là những bức thiên đồ cho phép xác định được các ngày tiết trong năm bằng cách đo bóng nắng với mốc là những hoa văn có hình dáng rất gần với hình ký hiệu của những ngày tiết ấy trong thiên văn học hiện đại (Bùi Huy Hồng 1974: 364-372).


(Trích Trần Ngọc Thêm,
Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. TPHCM, VN, in lần 3, 2001, tr. 163-165. Nhan đề phần trích tạm đặt.)