Trong hồi ký Cát bụi chân ai, Tô Hoài kể Nguyễn Tuân có lúc đã bồi dưỡng cho đôi chân chuyên “trị” đèo dốc của mình bằng cao hổ cốt. Gần lục tuần, còn “úp mặt xuống đất mà leo miết” hết cổng trời này sang cổng trời khác, tưởng nhà văn chịu khó xông pha có dùng đến “cao long cốt” cũng đáng! Nhờ “xưa” có người cầm bút trèo non lội suối, nay ta mới biết đến công lao của những người cầm búa “dầm ngay mình vào giữa lòng suối nước ngập bụng ngập ngực, rồi cứ thế mà lội ngược dòng (...) càn ngược lên”, vừa càn vừa thỉnh thoảng vung búa đập vỡ đá để “bói” quặng. Cái công việc tìm kiếm “của chìm” ấy chắc đã làm xong hẳn lâu rồi. Ở miền cao, trong lòng các con suối, hẳn rêu đã phong kín vết búa trên những viên đá “vỡ to vỡ gọn” một năm chót nào... Theo “anh địa chất” lang thang, “tôi” còn được gặp những cái khó quên khác. Nơi vạt ruộng bậc thang xa xôi, những tiếng “mõ canh” có nhớ một bóng người?

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Theo chân người đi khảo đất”





Sông Nho Quế, Hà Giang - ảnh khuyết danh


Có cái suối nhỏ chỉ ba bước đã lội qua, có con suối to như một dòng sông mỗi lúc sang ngang lại phải lụy đò. Và đứng trước một con suối, cũng nhiều cách nhìn khác nhau.

Ví dụ một anh chuyên viên giao thông thủy bộ trông thấy suối, nghĩ ngay đến cầu đường. Qua con suối bằng cầu nổi hay cầu chìm? Mở con đường mới này, thì nên đi tuyến đỉnh cao tránh được cầu cống, hay là cho đi tuyến thấp dưới lũng, cứ dọc theo mép suối mà dựng nền đường?

Cán bộ địa chất nhìn con suối lại có những xúc động và nghĩ ngợi khác. Anh không nghĩ cách vượt ngang, mà thường là hay đi dọc theo con suối; không đi dọc men bờ mà dầm ngay mình vào giữa lòng suối nước ngập bụng ngập ngực, rồi cứ thế mà lội ngược dòng. Cứ đi cả giày vào giữa dòng, rồi càn ngược lên có khi đi liền một tuần có khi nửa tháng, có khi ba tuần liên miên từ cửa suối cho đến thượng nguồn con suối lạ. Có khi phải bắc thang trèo lên chõm thác, có khi chui luồn qua cái màn nước thác trắng ngần, tay lăm lăm cái búa cán dài. Đá lăn, đá gốc (?) mà còn nước dềnh lên, tức là còn xa nguồn. Bao giờ thấy chân đá chỉ còn xâm xấp tí nước, thì mới là sắp tới nguồn. Ngọn nguồn thường là một cái lòng chảo, trong không có nước mà chỉ là hơi ẩm đọng dưới một lũ đá hoặc một đám lá già (...) Càn ngược giữa lòng suối mỗi ngày chỉ lội được khoảng hai cây số. Vừa đi, vừa bói đá (...)

Một buổi trưa nào đó của Tây Bắc, tôi bước theo một đàn ngựa thồ lội qua một khúc suối trong. Nắng rừng rọi xuống, xuyên qua tấm kính mặt suối. Sỏi, đá cuội, đá lăn, đá đầu sư, đá hộc, đá gốc, hiện lên bằng hết. Bỗng thấy nơi đầu hòn này nơi đầu hòn kia ẩn ẩn hiện hiện, những vết sứt rất mới. Toàn thân viên đá đều một chất rêu lưu cữu, chỉ riêng chỗ vết thương mới là không có rêu, và lộ ra những hạt cấu trúc của đá. Đàn ngựa thồ nào qua đây, chắc là tải hàng nặng lắm, mỗi con chở tới bốn thùng dầu hỏa là đúng 80 cân! Thồ nặng, trượt chân trên trán đá, ngựa vấp mạnh móng sắt vào, làm sứt sẹo lũ đá lòng nước chứ gì! Tôi nhìn kỹ cái sẹo đá lóng lánh cát bạc cát vàng và li ti nổi gân xanh đỏ. Móng sắt ngựa thồ không đời nào vấp bật tóe đá đến như thế được. Chỉ có đánh búa vào thì mới vỡ to vỡ gọn như thế. Thôi, đúng là quanh vùng đây có một đội địa chất nào (...)

Ngồi bên con suối mơ trưa rừng quạnh, thấy nhơ nhớ đến anh bạn trẻ tên là Tịnh, đội trưởng của đoàn địa chất 35. Tịnh lúc đầu định hướng sự học vào nghề y, nhưng sau lại xoay sang địa. Trong đầu anh lúc ấy toàn thấy vo vo tàu bay địa chất bốn cánh đi khảo sát những khu vực địa chất có dị từ. Nhưng từ ngày vào nghề địa, anh không ngồi vào cái tàu bay nào là là sát ngọn rừng, mà chỉ toàn đi bằng đôi bàn chân mình, mỗi năm bục đến mấy đôi giày cấp phát, đi theo một cái đà chậm, đã chậm mà lại hay ngừng (...) Càng đi (...) Tịnh càng thấy yêu cái nghề của mình (...)

*

Tỉnh núi Hà Giang là một tỉnh biên giới có cổng giời, rất nhiều cổng giời, cứ úp mặt xuống đất mà leo miết, và ngẩng đầu lên thì chỉ thấy có mây gần mây xa. Đã thế, anh địa chất Hà Giang lại còn thêm thắt ra một vài cái cổng giời địa chất nữa. Con ngựa chuyên đi lĩnh lương gạo và cốt mìn cho đội cũng xin hàng, không bám được đá cổng giời mà đành đi vòng thúng theo tuyến lũng thấp. Lên được cái cổng giời Long Bánh Chè gối này thì con ngựa cốt mìn phải chết. Cách đây hai ngày đường, bên kia phía Bắc Mê trên lối vào xã Đường Âm, có một cổng giời khác mang tên là đèo Con Ngựa Trụy Thai. Tim tôi đập thình thình như tiếng gõ cửa đòi cấp cứu. Dù sao, tôi cũng hãy quay đầu lại vài lần, để nhìn con suối dưới chân cổng giời mình vừa lội qua lội lại ban nãy tới hai mươi lần. Nhìn lại, mới thấy mình đã lên cao khá nhiều. Con suối trông lại thấy sâu hoắm! Nó bé như một thỏi thiếc chuốt dài, và nó ánh lạnh hệt một thỏi thiếc. Hết cổng giời, trên một thôi rừng lọt thỏm vào đấy một vạt ruộng lầy, nghe có tiếng mõ canh giữa ban ngày. Chỉ nghe mõ mà tịnh không thấy bóng người. Nước bậc thang ruộng trên rót xuống bậc ruộng dưới gõ luôn vào một ống tre. “Nước xanh gõ hòn đá xanh, nửa năm nghe tiếng mõ canh cổng giời”, anh địa chất vừa đọc lên, vừa bước thoăn thoắt. Anh kể chuyện một anh bạn cùng đội. Vừa rồi anh bạn nghỉ phép về xuôi để chuẩn bị tiến tới lập gia đình. “Đối tượng” hạnh phúc lứa đôi ở ngay giữa Hà Nội. Hai anh chị ấy cùng đi bách bộ trong vườn hoa Thống Nhất. Chị đi thong thà, còn anh thì quen chân, cứ tranh thủ mà đi, tưởng đâu như con đường sỏi cuội hoa viên vẫn còn là tuyến lộ trình trên ấy. Chị đối tượng thấy mỏi, gợi ý: “Anh, đi đã lâu rồi, ngồi xuống một lúc ở cái ghế đá trước mặt kia nhé!”. Tính anh bạn tôi cũng giản đơn, liền đáp thẳng thắn: “Đi bộ thế này thấm gì. Tôi quen đi cả ngày, từ sớm đến sẩm tối không nghỉ mấy tí.” Câu chuyện tìm hiểu ấy, hình như chưa tiến lên được mấy, vì cái bước chân chưa đều nhau giữa hai người định đồng hành (...)

Đội địa chất đây là một đội tìm kiếm (...) một góc trận địa im lặng (...) Nếu bắt đúng mạch (...) thì sau đó (...) mới trở nên tấp nập hối hả, khi có đội khai thác đóng lại (...) Nhưng dù có tiếp tục hay không tiếp tục các giai đoạn sau bao giờ đội tìm kiếm cũng lại rút quân đi. Và cỏ gianh lối mòn lại khép lại. Họ rút đi đâu? Đoàn quân biệt động đội ấy lại đi về một điểm nào đó trên miền Bắc lắm rừng nhiều suối, và nhiều thứ của chìm của nổi cần phát hiện (...) Phải chăng vì chưa quen được với tinh thần thầm lặng của người dũng sĩ tìm kiếm, mà con suối gần đầu nguồn (...) càng về sáng (...) kêu càng tha thiết. Nó như linh cảm (...) và như muốn níu lại cái bước chân những dũng sĩ chuyên môn ngược dòng sắp sửa đến lúc chia tay cùng bạn dòng.

Con suối nhớ thương một cách ồn ào, còn tôi thì đang tương tư đến một viễn ảnh tương lai gần nào ở quanh bờ này. Biết đâu tại đây rồi lại chả mọc lên một cái gì có qui mô lớn (...)? Biết đâu nỗi nhớ dữ dội đêm nay của dòng suối, lại không là cái tiếng vui reo khỏe mạnh sắp tới của những ống tuyếc-bin chạy điện trắng của một nhà lọc quặng luyện kim nào trên đất Hà Giang nhiều suối này?


Huyện Vị Xuyên, Hà Giang
Mùa đông 1966


(Trích từ bài Suối Quặng trong tập
Ký Nguyễn Tuân, nxb. Văn Học, 1986. Nhan đề phần trích tạm đặt.)