Ngoài năm, tháng, ngày, giờ, xưa kia ta còn có canh và khắc:

“Đêm thu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương” (
Kiều),

“Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng
Ðêm năm canh tiếng lắng chuông rền
Lạnh lùng thay giấc cô miên
Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u” (
Cung oán).

Sáu với năm là 11, mà ngày đêm tổng cộng 24 tiếng, vậy canh với khắc tính ra tiếng đồng hồ thì lẻ? Ngoài ra, đêm ngày thay đổi theo mùa...

Chỉ biết: “Nửa đêm giờ Tí canh ba...”.

(Thu Tứ)



Trương Chính v.v., “Tính thời gian lối xưa”



Cách tính thời gian của ông cha ta ngày trước rất phức tạp, nhưng không thể không biết, vì nó liên quan đến nhiều kiến thức thông thường.

Lịch cũ của ta lấy tháng tuần trăng làm cơ sở, gọi là âm lịch. Chu kỳ tròn rồi khuyết, khuyết rồi lại tròn, tương ứng với 29 đến 30 lần mặt trời mọc, lặn. Trên cơ sở đó, đặt ra tháng đủ 30 ngày, và tháng thiếu 29 ngày. Một năm gồm 12 tháng, 6 tháng đủ, 6 tháng thiếu, tổng cộng là 354 ngày.

Lại nhận thấy số ngày của một năm phải lớn hơn 354 ngày, do đó mà đặt tháng nhuận. Lệ thường cứ 3 năm đặt thêm một tháng nhuận. Tính gộp lại, số ngày của năm âm lịch đại khái cũng tương đương với số ngày của năm dương lịch, và về đại thể cũng ăn khớp với qui luật tuần hoàn của khí hậu. Như vậy, lịch tính theo tháng tuần trăng, nhưng lại có thêm tháng nhuận, không còn là âm lịch thuần túy nữa, mà có thể coi là âm dương hợp lịch.

Thiên can, địa chi là tên dùng để chỉ giờ, ngày, tháng, năm, theo sự phối hợp với nhau thành một hệ thống rất chặt chẽ.

Thiên can, gọi tắt là can, gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Địa chi, gọi tắt là chi, gồm: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mười thiên can phối hợp với mười hai địa chi thành một hệ thống gọi là lục thập giáp tí hoặc hoa giáp, gồm 60 đơn vị.

Mỗi địa chi tương ứng với một con vật. Tí: chuột; Sửu: trâu; Dần: cọp; Mão: mèo; Thìn: rồng; Tị: rắn; Ngọ: ngựa; Mùi: dê; Thân: khỉ; Dậu: gà; Tuất: chó; Hợi: lợn.

Mỗi ngày chia ra làm 12 giờ đều nhau, cho nên cũng lấy 12 chi mà ghi, như vậy mỗi giờ cũ bằng hai tiếng đồng hồ hiện nay. Đối chiếu thì như sau:

Tí: từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng
Sửu: từ 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng
Dần: từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng
Mão: từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng
Thìn: từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng
Tị: từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa
Ngọ: từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều
Mùi: từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều
Thân: từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều
Dậu: từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối
Tuất: từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối
Hợi: từ 9 giờ tối đến 11 giờ đêm.

Lại chia mỗi “giờ” làm hai phần, gọi là sơ và chính. Tí sơ là 11 giờ đêm (tức 23 giờ), Tí chính là 12 giờ đêm (tức 24 giờ). Cứ như thế, rút cục, mỗi ngày đêm cũng được chia làm 24 phần đều nhau, tương ứng với 24 tiếng đồng hồ hiện nay.


(Trương Chính và Ðặng Ðức Siêu,
Sổ tay văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa, VN, 1978, tr. 271-272)





______________________
Nhan đề phần trích tạm đặt.