Ký, truyện kể chuyện. Nghị luận trình bày lập luận. Những nội dung ấy đều dễ viết. Trong khi tùy bút thường chứa cảm xúc, tâm trạng, là những thứ chỉ có thể gợi bằng văn có nghệ thuật. Nếu tùy bút chứa nghĩ ngợi, thì trình bày cho nhẹ nhàng cũng đòi nghệ thuật. Văn dễ viết, quan trọng nhất là nội dung. Văn khó viết, “quan trọng nhất là nghệ thuật”. (Thu Tứ)



Nguyễn Hiến Lê, “Tùy bút đòi nghệ thuật”




Tùy bút - tùy hứng mà phóng bút - là một thể rất tự do, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy. Một cơn mưa, một giọng hát, một hớp trà, một trang sách, một tà áo phất phơ dưới gió, một tiếng ve rỉ rả trong rừng... bất kỳ một cảnh vật nào, một sự việc nào, hễ gợi hứng cho ta cũng có thể là đề tài một thiên tùy bút. Nó tựa như nhật ký mà không phải là nhật ký, vì nó là “bút” chứ không phải là “ký”; nó tựa như nghị luận mà không phải là nghị luận, vì nó là tùy hứng suy đoán chứ không phải dụng ý biện luận.

Nó phóng túng như vậy nên ta tưởng là dễ, nhưng có viết thử mới thấy khó. Trước hết nó phải thân mật, hấp dẫn như một câu chuyện thanh nhã giữa những bạn đồng điệu lúc ngồi bên một giàn hoa hay một ấm trà. Nó không cần dài, trung bình mươi trang trở lại, nhưng lời phải tự nhiên, có duyên, nội dung phải thay đổi, có ý vị.

Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật. Tiểu thuyết mà dở thì người ta vẫn gọi là tiểu thuyết; thơ mà dở thì cũng vẫn là thơ - thơ con cóc; còn tùy bút mà thiếu nghệ thuật thì không có tên để gọi vì lẽ không ai thèm nhắc tới, biết tới. Cho nên lựa thể tùy bút là làm một công việc mạo hiểm: chỉ có thành công hay thất bại, không thể nhùng nhằng được.


(
Ðể tôi đọc lại, nxb. Văn Học, 2001)