Qua đã có mặt ở Bắc bộ từ thời Phùng Nguyên.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, qua là vũ khí truyền thống của người Tàu. Nhưng vào thời Phùng Nguyên – Đồng Đậu, đại khái tương đương với đời Thương, nước Tàu hãy còn nằm tít trên bờ sông Hoàng Hà cách Bắc bộ hàng bao nhiêu nghìn cây số!

Cái qua nó đã lang thang xa thế, hay nó thực ra không phải sáng kiến riêng của người Tàu?

(Thu Tứ)



Bùi Hữu Tiến, “Vũ khí Đồng Đậu”





Qua đồng Trung Quốc - ảnh khuyết danh


(Ở) các địa điểm thuộc văn hoá Đồng Đậu ở Vĩnh Phúc như Lũng Hoà, Đồng Đậu, Thành Dền đã phát hiện được khá nhiều (...) vũ khí (...)

Vũ khí đá

Có 35 chiếc, trong đó ở Đồng Đậu có 25 chiếc, ở Thành Dền có 4 chiếc, ở Lũng Hoà có 6 chiếc. Vũ khí bằng đá phổ biến ở giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm và Đồng Đậu điển hình. Vũ khí được chế tác bằng đá ngọc hoặc đá spilite. Về loại hình gồm các loại: mũi tên, qua, lao, giáo.

Mũi tên

Có 9 chiếc, trong đó ở Đồng Đậu có 5 chiếc, ở Thành Dền có 1 chiếc, ở Lũng Hoà có 3 chiếc. Căn cứ vào mặt cắt ngang, mũi tên được chia làm hai loại:

- Mũi tên có mặt cắt ngang hình thoi: Mũi tên có sống nổi ở giữa, mỏng dần về hai bên thành lưỡi sắc. Mũi tên này có phần cán dài để tra cán vào cán gỗ hoặc tre, chỗ cán tiếp giáp với lưỡi rộng, thu dần về đầu cán.

- Mũi tên có mặt cắt ngang hình tam giác: Mũi tên có mặt cắt ngang hình tam giác cân hoặc hình tam giác đều. Có chiếc thân và chuôi không phân biệt rõ ràng, nhưng cũng có chiếc hình thành hai phần thân và chuôi rõ rệt.

Lao

Có 5 chiếc, trong đó 3 chiếc ở Đồng Đậu, 2 chiếc ở Thành Dền. Lao có 2 phần thân và chuôi phân biệt rõ ràng, mũi có sống nổi. Mặt cắt ngang chuôi hình chữ nhật, hình bầu dục…

Giáo

Có 10 chiếc, trong đó 8 chiếc ở Đồng Đậu, 2 chiếc ở Lũng Hoà. Ngoài 4 chiếc không xác định được độ sâu, 6 chiếc còn lại có 4 chiếc thuộc giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm; 2 chiếc thuộc giai đoạn Đồng Đậu điển hình. Giáo thường có phần chuôi phân biệt rõ với thân, giữa có sống nổi. Mặt cắt ngang thân có hình bầu dục, hình thoi.



Qua đồng Trung Quốc - ảnh khuyết danh


Qua

Có 11 chiếc, trong đó có 9 chiếc ở di tích Đồng Đậu, 1 chiếc ở Thành Dền, 1 chiếc ở Lũng Hoà. Đa số các qua đều bị vỡ, số còn nguyên hoặc gần nguyên rất ít. Qua có 2 phần lưỡi và cán. Lưỡi hình gần chữ nhật, 2 rìa gần song song và thu hẹp dần về phía mũi, mặt cắt ngang hình bầu dục dẹt. Chuôi tiếp liền với phần lưỡi và cùng một độ dày, nhưng chiều rộng có phần hẹp hơn nên phần lưỡi và chuôi có ranh giới rõ ràng. Có chiếc hai bên phần tiếp giáp giữa lưỡi và cán được mài lồi ra một ít giống như bộ phận che tay ở dao hay kiếm, gần cuối phần lưỡi có khoan một lỗ tròn.

Vũ khí đồng

Có 105 chiếc, trong đó ở Đồng Đậu có 96 chiếc, ở Thành Dền có 9 chiếc. Vũ khí đồng đều phát hiện được trong lớp Đồng Đậu điển hình và lớp Đồng Đậu muộn – Gò Mun sớm. Về loại hình gồm: lao, giáo, mũi tên.

Lao

Có 19 chiếc, trong đó có 18 chiếc ở Đồng Đậu, 1 chiếc ở Thành Dền. Căn cứ vào kiểu dáng và mặt cắt ngang, lao được chia thành 4 loại:

- Loại 1: Lao có mặt cắt ngang lưỡi hình thoi, sống nổi rõ, lưỡi mỏng, sắc.

- Loại 2: Lao có họng tra cán, thân dài, thon, mặt cắt ngang họng có hình bầu dục hoặc hình tròn. Họng sâu vào khoảng một nửa mũi lao, đầu mũi đặc. Loại lao này có hình dáng gần giống chiếc mũi nhọn.

- Loại 3: Lao có họng tra cán, có ngạnh. Thân lao nhỏ, dày và đặc, mặt cắt ngang thân nửa trên hình bầu dục và nửa dưới hình thoi. Giữa thân và họng có nấc phân biệt rõ rệt. Họng tra cán có mặt cắt ngang hình tròn. Ngạnh dài, dẹt, mũi tù, nằm xiên xuôi theo thân.

- Loại 4: Lao thân đặc, nhọn 2 đầu, ở giữa to, thân và chuôi không có ranh giới rõ ràng. Lao dài, hai đầu nhọn cân đối, mặt cắt ngang hình tròn, đường kính lớn nhất ở giữa thân.

Giáo

Có 5 chiếc, trong đó 4 chiếc ở Đồng Đậu, 1 chiếc ở Thành Dền. Căn cứ vào kiểu dáng, giáo được chia làm 2 loại:

- Loại 1: Giáo có hình trụ tròn thân đặc có chuôi để tra cán.

- Loại 2: Giáo hình lá, dài, mỏng, ở một hoặc hai mặt có sống nổi kéo dài từ mũi đến chuôi. Mặt cắt ngang thân hình thoi dẹt hoặc hình bán nguyệt.

- Loại 3: Giáo hình búp đa.

Mũi tên

Có 81 chiếc, trong đó ở Đồng Đậu có 74 chiếc, ở Thành Dền có 7 chiếc. Căn cứ vào hình dáng, mũi tên được chia thành 3 loại:

- Loại 1: Mũi tên hình cánh én. Có 54 chiếc, phát hiện được ở di tích Đồng Đậu. Loại này có thể chia làm 2 kiểu. Kiểu 1: Mũi tên cánh én có hai cánh xoè rộng và xuôi về một phía, giữa thân có đường sống nổi. Chuôi dẹt, dài. Kiểu 2: Mũi tên cánh én có thân thon, hẹp, hai cánh không xoè rộng, giữa thân có đường sống nổi. Chuôi dẹt, dài.

- Loại 2: Mũi tên hình lá. Có 25 chiếc, trong đó có 6 chiếc ở Thành Dền, 19 chiếc ở Đồng Đậu. Loại này chia làm 2 kiểu. Kiểu 1: Mũi tên hình lá có rãnh lõm ở giữa, mặt cắt ngang hình thoi lõm giữa. Kiểu 2: Mũi tên hình lá có đường sống nổi chạy từ mũi đến chuôi.

- Loại 3: Mũi tên có ngạnh, đầu rất nhọn, thân dài, mặt cắt ngang thân hình gần tròn.

Vũ khí xương

Có 150 chiếc, đều phát hiện được ở di tích Đồng Đậu. Vũ khí xương gồm mũi tên, lao, giáo, móc câu. Vũ khí xương phổ biến trong tầng văn hoá Đồng Đậu điển hình. Trong số 131/ 150 hiện vật phát hiện được trong 3 đợt khai quật ở Đồng Đậu: lớp Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm có 24 chiếc, lớp Đậu Đậu điển hình có 93 chiếc, lớp Đồng Đậu muộn – Gò Mun sớm và Gò Mun điển hình có 14 chiếc. Về loại hình gồm: lao, giáo, mũi tên, hiện vật hình móc câu.

Lao

Có 46 chiếc. Trong số 44/46 chiếc được thống kê: lớp văn hoá 1 có 10 chiếc, lớp văn hoá 2 có 32 chiếc, lớp văn hoá 3 có 2 chiếc.

Căn cứ vào kiểu dáng, lao được chia thành 3 loại:

- Loại 1: Lao cắt khấc ở đầu mũi. Lao có mũi được cắt khấc thành hình tam giác, thân được cắt gọt nhỏ hơn, mặt cắt ngang hình bầu dục dẹt. Chuôi nhỏ, đoạn thân gần chuôi cắt khấc tạo thành 1 gờ nổi để buộc dây.

- Loại 2: Lao có ngạnh, được chia làm 2 kiểu. Kiểu 1:Lao có 1 ngạnh, các ngạnh nhọn thẳng, hoặc hơi xuôi theo thân. Lao có thân hơi dẹt, mặt cắt thân hình bầu dục, giữa thân và chuôi tạo gờ nổi cân đối ở hai bên để buộc dây. Kiểu 2: Lao có 2 ngạnh, trong đó có chiếc ngạnh nằm khá cân đối ở hai bên, có chiếc 2 ngạnh nằm lệch nhau. Mặt cắt ngang có hình bầu dục, hoặc hình thoi, chuôi được vót nhỏ và nhọn, giữa thân và chuôi tạo gờ nổi cao.

- Loại 3: Lao không có ngạnh, có 20 chiếc. Căn cứ vào kiểu dáng được chia thành 2 kiểu. Kiểu 1:có 11 chiếc.Lao có thân và chuôi phân biệt rõ, mặt cắt ngang hình tròn/ gần tròn hoặc hình bầu dục dẹt. Tỷ lệ chiều dài giữa thân và chuôi có sự khác nhau, có chiếc thân thon dài, chuôi ngắn, hoặc ngược lại thân ngắn, chuôi dài. Kiểu 2: có 9 chiếc. Lao có thân và chuôi không phân biệt rõ, mặt cắt ngang hình bầu dục, hình chữ nhật, hình tròn. Các lao này có dáng chung thân thon cả hai đầu, song đầu chuôi buộc cán có phần nhỏ và ngắn hơn.

Giáo

Có 2 chiếc, phát hiện trong lớp văn hoá 2 của di tích Đồng Đậu. Hai chiếc đều bị gãy, chỉ còn lại một phần. Giáo được làm từ những đoạn xương ống chẻ đôi, mặt cắt ngang hình thấu kinh nồi, thân rộng đều, đến gần mũi thì thuôn vào, rìa cạnh được mài sắc.

Mũi tên

Có 101 chiếc. Ngoài một số mũi tên có hình dáng rõ rệt, một số ít có hình dáng gần giống với mũi lao. Mũi tên dùng để bắn tầm xa cần nhỏ nhẹ, mũi lao phóng tầm gần cần lớn và nặng hơn. Do đó những di vật dài khoảng 10cm, rộng khoảng 1cm được xếp vào mũi tên. Mũi tên xuất hiện ở lớp văn hoá 1, phát triển mạnh ở lớp văn hoá 2, sau đó giảm nhanh ở lớp văn hoá 3 – 4. Trong tổng số 84/ 101 mũi tên được thống kê thì có 14 chiếc ở lớp 1, 54 chiếc ở lớp văn hoá 2, 11 chiếc ở lớp văn hoá 3 - 4.

Căn cứ vào kiểu dáng, mũi tên được chia thành 2 loại:

- Loại 1: Mũi tên có thân và chuôi không phân biệt rõ. Loại này có mặt cắt ngang hình tròn/ gần tròn, hình tam giác cân. Tỷ lệ chiều dài giữa thân và chuôi thường có sự khác nhau.

- Loại 2: mũi tên có thân và chuôi phân biệt rõ ràng. Mũi tên có kiểu mặt cắt ngang thân hình tròn/gần tròn, hình bầu dục dẹt. Loại này cũng giống như loại trên tỷ lệ giữa chiều dài thân và chuôi thường có sự khác nhau.

(...)

Nhận xét

- Qua tìm hiểu vũ khí phát hiện trong các địa điểm thuộc văn hoá Đồng Đậu ở Vĩnh Phúc, tôi nhận thấy các loại hình vũ khí trong giai đoạn văn hoá Đồng Đậu tăng lên cả về số lượng và loại hình so với giai đoạn Phùng Nguyên. Chất liệu để chế tác vũ khí cũng phong phú hơn. Bên cạnh các loại vũ khí đá, xương, đã xuất hiện các loại vũ khí bằng đồng. Với những ưu điểm nổi trội hơn như dễ chế tác, sắc bén, độ sát thương cao, vũ khí đồng ngày càng tăng nhanh về số lượng và dần lấn át, thay thế các loại hình vũ khí khác. Đây là một nét khác biệt so với giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên.

- (...) Sự gia tăng về số lượng, loại hình của các loại hình vũ khí thể hiện nhu cầu sử dụng vũ khí tăng lên. Phải chăng điều này phản ánh sự gia tăng những xung đột trong xã hội bấy giờ?

- Các loại hình vũ khí (...) thay đổi (...) về số lượng, loại hình, chất liệu theo các giai đoạn phát triển của văn hoá Đồng Đậu. Giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm: vũ khí đá giữ vai trò chủ đạo (...) Giai đoạn Đồng Đậu điển hình: vũ khí bằng đồng tăng đột biến về số lượng (...) Giai đoạn Đồng Đậu muộn – Gò Mun sớm: Vũ khí đồng giữ vai trò chủ đạo (...) vũ khí đá, xương giảm mạnh cả về số lượng và loại hình.

- Trong các địa điểm thuộc văn hoá Đồng Đậu ở Vĩnh Phúc, vũ khí xương – sừng chỉ phát hiện được ở địa điểm Đồng Đậu. Có thể nói cho tới nay không có di tích nào trong văn hoá Đồng Đậu phát hiện được nhiều đồ xương và vũ khí xương – sừng như ở di tích Đồng Đậu. Điều này cho thấy hoạt động săn bắn của cư dân Đồng Đậu khá phát triển (...)


(Trích từ bài “Vũ khí phát hiện được trong các địa điểm văn hóa Đồng Đậu ở Vĩnh Phúc” đăng trên trang
baotangnhanhoc.org)