Giá Kim Trọng vẫn ngay bên kia tường nhỉ! Nếu nhà Kim không đủ thế lực để cứu cha Kiều thì chắc cũng có “ba trăm lạng” để giúp “xuôi việc này”… Chao ơi, thiên hương quốc sắc bán mình đây: “Nỗi mình thêm tức nỗi nhà / Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng / Ngại ngùng giợn gió e sương / Nhìn hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”. Mối “vén tóc bắt tay”, vuốt sửa món hàng cho thêm hấp dẫn. “Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”… Khách săm soi ngoại hình, rồi đòi thử tài cầm thi. Cúc với mai, với ngọc Lam Kiều, với tài nọ tài kia, kẻ “ngồi tót sỗ sàng” kia ngắm nghe đo đắn chẳng qua để “cò kè bớt một thêm hai”. Nghìn vàng “ngã giá (chỉ còn hơn) bốn trăm”, Mã Giám Sinh chuyến này mua được người với cái giá chắc chắn hời to. “Trăng già độc địa làm sao / Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên”…

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 599-692)



Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,
Trong khi ngộ biến tòng quyền, biết sao? (600)
Duyên hội ngộ đức cù lao,
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?
Ðể lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình nàng mới hạ tình: (605)
“Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”
Họ Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.
Thấy nàng hiếu trọng tình thâm,
Vì nàng, nghỉ cũng thương thầm xót vay. (610)
Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.
Hãy về tạm phó giam ngoài,
Dặn nàng quy liệu trong đôi ba ngày.
Thương tình con trẻ thơ ngây, ( 615)
Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ!
Ðau lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân. (620)
Sự lòng ngỏ với băng nhân,
Tin sương đồn đại xa gần xôn xao.
Gần miền có một mụ nào,
Ðưa người viễn khách tìm vào vấn danh.
Hỏi tên, rằng: “Mã Giám sinh”, (625)
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Trước thầy sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang. (630)
Ghế trên, ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng giợn gió e sương, (635)
Nhìn hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.
Ðắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ. (640)
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu.
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Mối rằng: “Giá đáng nghìn vàng, (645)
Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài!”
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Một lời thuyền đã êm giầm,
Hãy đưa canh thiếp trước cầm làm ghi. (650)
Ðịnh ngày nạp thái vu quy,
Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong!
Một lời cậy với Chung công,
Khất từ tạm lĩnh Vương ông về nhà.
Thương tình con trẻ cha già, (655)
Nhìn nàng ông những máu sa ruột dàu:
“Nuôi con những ước về sau,
Trao tơ phải lứa gieo cầu đáng nơi.
Trời làm chi cực bấy trời!
Này ai vu thác cho người hợp tan. (660)
Búa rìu bao quản thân tàn,
Nỡ đày đọa trẻ càng oan khốc già!
Một lần sau trước cũng là,
Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!”
Theo lời càng chảy dòng châu, (665)
Liều mình, ông rắp gieo đầu tường vôi.
Vội vàng kẻ giữ người coi,
Nhỏ to, nàng lại tìm lời khuyên can:
“Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành. (670)
Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,
Lại thua ả Lý bán mình hay sao?
Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.
Lượng trên dù chẳng dứt tình, (675)
Gió mưa âu hẳn tan tành nước non.
Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây.
Phận sao đành vậy cũng vầy,
Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh. (680)
Cũng đừng tính quẩn lo quanh,
Tan nhà là một thiệt mình là hai.”
Phải lời ông cũng êm tai,
Nhìn nhau giọt ngắn giọt dài ngổn ngang.
Mái ngoài, họ Mã vừa sang, (685)
Tờ hoa đã ký cân vàng mới trao.
Trăng già độc địa làm sao!
Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên!
Trong tay đã sẵn đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì! (690)
Họ Chung ra sức giúp vì,
Lễ tâm đã đặt tụng kỳ cũng xong.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)