Về phát biểu sau đây, chúng tôi đã có lời bàn trong bài viết “Ảo tưởng và thách thức” (II) (xin bấm vào tên bài để đọc).



Reid, T.R., “Xã hội Đông, Tây” (2)




Phép lạ xã hội ở phương Đông (...) cái gốc của nó có thể tóm gọn trong mấy chữ: giá trị đạo đức.

Khắp khu vực này, đâu đâu người ta cũng bảo tôi trong xã hội họ có những niềm tin chung – đôi khi gọi là tinh thần hay giá trị Đông phương – đã phổ biến từ bao đời và vẫn còn đang được tích cực truyền dạy ngay ngày hôm nay. Những giá trị ấy là như thế nào? Đây là một chủ đề đáng viết hàng pho sách, chính tôi trong tác phẩm này cũng sẽ cố gắng trình bày chút hiểu biết của mình về “giá trị Đông phương” – chúng là gì, chúng từ đâu ra, và chúng được truyền đi bằng cách nào trong thời hiện đại. Nhưng trước tiên chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của vài thức giả bản địa:

Theo Ogura Kazuo, một viên chức lão thành trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản: “Tinh thần Đông phương bao gồm tôn trọng kỷ luật, trung thành, có ý thức cần lao tự thăng tiến chứ không trông cậy vào thừa kế, chịu đầu tư lâu dài, nhấn mạnh giáo dục, quý gia đình, quan tâm duy trì hòa khí chung, và tiết chế ham muốn riêng”.

Theo Fei Ching Han, người cầm đầu một học viện ở Đài Loan: “Những ưu điểm của văn hóa Đông phương là thái độ chuyên cần, chủ trương đặt nặng giáo dục, và một triết lý sống nhấn mạnh tu thân, tự túc”.

Theo Kishore Mahbubani, một nhà ngoại giao Xin-ga-po từng sống rất lâu ở Mỹ: “Xã hội Đông phương không phải luôn hòa hợp lý tưởng đâu. Vẫn có xẩy ra những trục trặc gia đình, cộng đồng. Nhưng so với đa số các xã hội khác trên thế giới, thì nó kỷ luật và gắn bó hơn. Trật tự được thượng tôn. Gia đình luôn được xem trọng. Kể ra, gia đình cố kết cũng có khuyết điểm, là dễ dẫn đến tệ nạn gia đình trị; mặt khác, cách tương đối, nó dẫn đến nhiều hòa hợp xã hội hơn... Ở đây bài học căn bản mà Đông phương có thể cung cấp cho nước Mỹ là: có thể sẽ lợi hơn cho cộng đồng nếu ta giới hạn bớt, thay vì mở rộng thêm ra, một số quyền tự do cá nhân. Việc cộng đồng trở nên hòa hợp hơn sau đó tự nó có thể có giá trị giải phóng đối với cá nhân”.


(Trích dịch từ T.R. Reid,
Confucius Lives Next Door, nxb. Random House, New York, Mỹ, 2000, tr. 16-17. Reid là một phóng viên của The Washington Post và từng là trưởng văn phòng đại diện của báo này ở Luân-đôn và Đông Kinh. Nhan đề phần trích dịch tạm đặt.)