“Liền mấy năm và bấy nhiêu lần đi Hà Giang...”. Cái tỉnh biên giới “tột bắc” đầy núi đá ấy rất có duyên với người ở xa: đã bao nhiêu thanh niên của 16 dân tộc từ nhiều địa phương khác cả miền cao lẫn miền xuôi tới tham gia lao động cật lực, lại thêm một nhà văn nổi tiếng từ Thủ đô diệu vợi lên lên xuống xuống viếng thăm. Giữa những người cầm bút hay đi, Nguyễn Tuân đáng gọi là một “dũng sĩ”. Nguyễn đi kịch liệt rồi Nguyễn kể. Cái kể cái đi của một người, nó có giá trị giục những người chẳng viết hay vẽ hay chụp gì hết cũng muốn đi… Để ý vùng núi đá này có đến hai loại “sóng”. “Sóng con” là vô số đá lớn đá nhỏ phủ trên các triền núi, còn “sóng cái” là chính cơ man các ngọn núi nhìn từ xa. Nhưng như trong tất cả những “tranh” quê hương đất nước của Nguyễn, tự nhiên dù ấn tượng đến bậc nào cũng chỉ là một nửa. Nửa còn lại là phần đóng góp của con người và độ hùng vĩ của phần ấy ở đây có thể cảm thấy được phần nào qua cái liên hoan “mừng đường” của cả một huyện. Đường cho xe và đường cho nước tạo ra ngay trên vách đá sừng sững! Ngày mồng một Tết Đinh Dậu 2017, chúng tôi đứng ở đỉnh dốc Mã Pí Lèng đọc mấy dòng tạc vào đá của Trung ương Đảng và Khu ủy Việt Bắc về lực lượng tham gia xây Đường Hạnh Phúc Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc từ ngày 10-9-1959 đến ngày 15-6-1965. Một tấm thạch bia ghi công dựng ở ngay cao điểm của chốn hùng quan nơi bao nhiêu dũng sĩ đã “treo mình trên vách đá đứng thành vại” suốt gần một năm trời, thôi cũng coi như tạm đủ tượng trưng cho lòng vô cùng trân trọng... (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Ơi dũng sĩ treo mình...”





Mã Pí Lèng - ảnh Ngô Huy Hòa


Hà Giang là một tỉnh biên giới nằm trên đỉnh đầu Tổ quốc (...) Núi Hà Giang hùng vĩ nhiều cổng trời (...)

Trên đường đèo vào Mèo Vạc, xe tôi dừng ở đỉnh dốc Mã Pí Lèng, đúng chân tấm bia đá ghi công những người mở đường. Cả quãng Đồng Văn – Mèo Vạc hai mươi bốn cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pí Lèng, Sống Mũi Ngựa này thì phải tốn mất mười một tháng treo mình trên vách đá để đục, đánh mìn, bổ đá khắc đá ra mà cẩn mặt đường vào vách đá đứng thành vại. Ba năm trước, cũng vào tiết thu tôi đứng ở mép vực Mã Pí Lèng nhìn dòng sông Nho Quế như thế này. Hồi ấy, phá để khai đường, ầm ầm cây lao xuống vực, ầm ầm đá lao xuống dòng sông tít tắp dưới kia, có hòn đá to bằng cái tủ áo nhưng chỉ lộn nhào vài chục vòng là tan vụn ra thành khói. Và ầm ầm vang dậy những trận cốt mìn, nhưng tan hết khói mìn, tan hết bụi đá, thì chỉ thấy tắc đường. Con đường chỉ đến chỗ đỉnh dốc Mã Pí Lèng hiểm nghèo này là hết (...) trước mặt chỉ có đá (...) Những người dũng sĩ mở đường ấy nay đều vắng mặt cả, nhưng trước mắt tôi là một con đường cái quan cộm lên một màu đá xanh và ro ro xao động dưới lốp chiếc xe tiến vào huyện Mèo Vạc, càng vào càng mưa to. Mưa cả nửa ngày hôm ấy, mưa suốt cả đêm hôm ấy và không ngớt hạt lúc nào, trận mưa Mèo Vạc kéo dài sang luôn cả nửa ngày hôm sau. Mưa như thối đất ra, nhưng cất cơn mưa một cái là mặt ruộng lại nứt nẻ ra ngay. Đêm mưa không ngủ được, cứ thao thức về nông nỗi khan nước khát nước cổ truyền của bãi ngô cánh đồng Mèo Vạc. Mùa đông hạn hán, đốt đuốc ngồi rình nước rỏ ra từ hang đá, ngồi chờ thùng nước quảy được về, có khi mất cả đêm. Mãi cho đến mấy năm gần đây mới hoàn thành được mương nước chạy về từ trên nách núi cao. Nước xuống dốc, nước uốn khúc trong lòng đá máng, đá đã cạp, bê-tông, nước ngoặt chữ chi, nước nổi gió nổi sóng trắng mà chạy xộc về ruộng thấp. Con đường thủy lợi trông xa xa cũng tựa như một con đường bộ nào trắng bệch trăng ngàn, những khúc rồng rắn cuộn thừng. Cái năm 1965 nước thủy lợi chảy về đến cánh đồng huyện, thì cũng là năm con đường cái quan mở vào tới phố huyện. Mừng nước về, mừng đường vào, cả huyện mở hội liên hoan song hỷ! (...) Nằm ở huyện có hai đêm, nhưng cũng đã phần nào thấm được cái khổ xưa và cái vui hôm nay của huyện núi Mèo Vạc (...)

Nắng lên, chúng tôi bồi hồi cầm tay các đồng chí huyện Mèo Vạc hẹn hò ngày trở lại, và đi thẳng luôn xuống xã Lũng Cú (...) Bỏ đường cái ô-tô, đi vào đường mòn ngựa thồ, càng phải dấn bước (...) Quá trưa thì tới trụ sở ủy ban xã Lũng Cú. Liền mấy năm và bấy nhiêu lần đi Hà Giang luôn luôn vấn vương về cái mảnh đất tận cùng Tổ quốc là xã Lũng Cú này đây. Nay tới được, nó như là giữ trọn được một lời hứa. Mở túi dết lấy bản đồ ra mà xem lại, thấy nó đúng là như vậy. Lũng Cú tột bắc này và Cà Mau cực nam Nam bộ là hai mũi nhọn cùng nằm trên đường kinh tuyến 105 độ, mũi Lũng Cú đây ngả ngả sang mặt đông, và mũi Cà Mau trong ấy chênh chếch sang phía tây (...)

Nhà Mèo chúng tôi vào nghỉ chân là ngôi nhà dựng trên mấy thước đất tận cùng miền Bắc nước ta. Sau lưng nhà cụ Mèo Lý Chúa Dềnh sáu mươi nhăm tuổi đó là đã chuyển sang đất nước làng giềng rồi, cái luống ngô cao mướt tay ta với được ngọn đó là đã thuộc về nương ngô họ rồi. Cụ Dềnh bà đang xay đỗ nành, đang khuôn bột đổ thành bìa đậu phụ trắng muốt. Hai ông bà Mèo muốn giữ khách lại để cùng luộc bìa đậu nóng đánh chén (...)

Quanh đây có khá nhiều gốc lê, để vài tháng nữa vị ngọt đậm hơn và hương sẽ nồng hơn, nhưng bây giờ cũng đã hái ăn được lắm rồi. Chúng tôi rủ nhau đi trảy lê mùa, xúm quanh một gốc lê sum sê quả, quả xanh, quả vàng, quả ửng má hồng. Lý Xè Páo bảo chúng tôi đứng dưới gốc mà đón lê, anh trèo lên cây rung cành lê. Lê rụng như mưa đá rơi. Ở đây vui quá (...) Chao ôi, mùa thu biên giới (...) cảnh thật là hết chỗ trữ tình. Trên các triền núi láng giềng, nắng hanh như rây bột nghệ, và đá núi lượn chạy như xô bồ những con sóng đời đời không chịu tan. Nhìn sóng đá các triền núi bạn, thấy như biển cả đang vỗ bờ mà sao tự nhiên phim lại mất hẳn đi cái phần lồng tiếng. Ngồi trên núi cao mùa thu, nhìn ra sóng núi tứ bề, cứ thấy nhớ biển (...) Lũng Cú cao hơn mặt biển khoảng hai ngàn thước (...)




Cột cờ Lũng Cú - ảnh Ngọc Viên


(Trích từ bài “Mõm Lũng Cú tột bắc” trong tập
Ký Nguyễn Tuân, nxb. Văn Học, 1986. Nhan đề phần trích tạm đặt.)