Phụ nữ thành thị đã mặc áo dài từ trước, chứ không phải đợi đến ngày họa sĩ Cát Tường tung “các kiểu” thì mới mặc. Mặt khác, đây ta chỉ thấy nêu toàn những thất bại của “Lơ Muya”. Nếu đọc Tô Hoài, Trần Ngọc Thêm, ta sẽ thấy “mốt tân tiến” cũng có chỗ thành công, góp phần đáng kể vào việc hoàn chỉnh thứ nữ phục hiện đại tiêu biểu của dân tộc. (Thu Tứ)



Đoàn Thị Tình, “Chiếc áo dài tân thời”




Vào những năm 1920 – 1930 ở nông thôn trang phục phụ nữ vẫn giữ được lối cổ, nhưng ở thành thị có nhiều thay đổi. Phụ nữ thành thị thường mặc áo dài. Cổ áo tròn đứng, cao khoảng 1cm. Từ vai đến cổ tay áo nhỏ dần, dọc ống tay áo mở một đoạn (dài chừng 3cm) sau khi mặc cài kín bằng cúc bấm cho cổ tay áo khít vào cổ tay. Gấu áo dài cách đất từ 10 đến 20cm (ở Sài Gòn thường quá đầu gối một ít). Khi mặc áo, cài cúc cạnh, chiếc cúc ở cổ nhiều khi không cài, gọi là áo cổ hở (riêng phụ nữ vùng Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế thì mặc áo cài kín cổ) (...)

Năm 1935 ở Hà Nội, áo dài “Lơ Muya” các kiểu ra đời, được coi là “mốt tân tiến”. Áo dài vai bồng, tay măng-sét (như tay áo sơ-mi nam) hay tay chun. Cổ áo tròn khoét sâu xuống ngực, viền đăng-ten, hoặc kiểu lá sen tròn, lá sen cài vắt chéo... Gấu áo cắt hình sóng lượn, đáp vải khác màu, hay đính những đường đen, đăng-ten diêm dúa.

Nhiều chi tiết của chiếc áo dài “Lơ Muya” đã vay mượn ở loại áo, váy của phụ nữ châu Âu thời đó (...)

Năm 1939 chiếc áo dài (...) lại quay trở về dạng quen thuộc cũ (...) Cái đẹp giản dị, thanh nhã (...) lại được phục hồi (...)


(Ðoàn Thị Tình,
Tìm hiểu trang phục Việt Nam (dân tộc Việt), nxb. Văn Hóa, 1987. Nhan đề phần trích tạm đặt.)