Chiếc áo dài tân thời bắt đầu từ chiếc áo dài năm thân xưa kia.(1)

Bước cách tân thành công đầu tiên là do một “bác phó tài hoa nào” đã nẩy ý bỏ vạt con, thay chiếc thắt lưng bằng khuy cài cạnh sườn lên tận nách…, khiến cho “cái áo nổi mình hơn”.

Bước cách tân thành công thứ hai là do họa sĩ Cát Tường. Sáng kiến lần này chủ yếu gồm “thắt lưng ong” và “nâng ngực cao lên”. Theo Trần Ngọc Thêm, đây là một ảnh hưởng của trang phục phụ nữ Tây phương.(2)

Họa sĩ Cát Tường còn nẩy nhiều ý cách tân áo dài khác nữa, cũng đều gốc Tây, nhưng đều thất bại vì không hợp với dáng vóc phụ nữ ta, như Tô Hoài nhận xét.

Cùng cải cách, họa sĩ lắm bạn bè rồi được lưu danh, còn “bác phó” bơ vơ cứ mãi mãi khuyết danh.

(Thu Tứ)

(1) Xem “Yếm, váy, áo” của Đoàn Thị Tình.
(2) Xem “Khêu gợi tế nhị” của Trần Ngọc Thêm.




Tô Hoài, “Chiếc áo dài tân thời”




Ở nước ta, các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao và một số dân tộc anh em khác, trong trang phục có cái áo dài mà cả đàn ông và đàn bà xưa kia đều mặc (...)

Không biết bác phó tài hoa nào đã sáng tạo những cung cách tân thời ấy (...) mốt mới chiết tà áo, cánh tay, lưng lượn bó, bỏ vạt con (...) thêm khuy bấm cho thật sát nách, chặt chẽ cổ tay, dựng cái áo nổi mình hơn. Những chiếc thắt lưng và yếm đã bỏ đi từ lúc nào, cái thắt lưng đã giản dị thay bằng cái cạp quần giải rút, thay yếm là cái áo lót cộc tay ba lỗ (...)

Áo dài Cát Tường cải tiến có cái được (...) có cái trải qua sử dụng rồi nhạt dần. Dáng áo Cát Tường vạt rộng, vừa buông chùng xuống vừa thắt lưng ong lại nâng ngực cao lên và cổ áo cao hơn một phân thì bây giờ vẫn đương thịnh hành. Nhưng không phải tất cả áo dài bây giờ đều kiểu ấy. Có áo dài vạt không chiết và ngắn dưới gối một chút, tay áo rộng, các cô gái Sài Gòn, nhất là những nữ sinh áo tím thành Huế ưa mặc và đấy cũng là một kiểu phổ biến ngày nay như bóng dáng Cát Tường (...)

Những cải tiến (như) cổ bắt chéo thêu hoa, khuy tết, hai vai áo cắt rời để khâu bồng vai áo lên, gọi là vai bồng, mốt đặc biệt của họa sĩ Cát Tường đã tung ra, mà các báo của Tự Lực văn đoàn cổ động (...) “Công tử vai long đình, tiểu thư vai bồng” chỉ háo hức lúc ấy, rồi mai một dần vì nó Tây quá, không hợp. Phụ nữ châu Âu và Ả-rập cao lớn, vai và ngực đồ sộ, áo vai bồng càng tôn cái rực rỡ lên (...) Phụ nữ Việt Nam mảnh dẻ, thêu hoa lá và khuy tết rườm rà, hai cái vai áo bồng lởm chởm che mất vẻ đẹp của đôi vai nhỏ nhắn. Vai tròn, vai lẳn, cái áo dài mượt mà càng thêm ý nhị, duyên dáng con người.


(Trích Tô Hoài,
Chuyện cũ Hà Nội, nxb. Hà Nội, 2000, tr. 747-755. Nhan đề phần trích tạm đặt.)