Quả thật, tác phẩm đâu phải cứ hễ "không biết ai làm" là "dân làm"!

Hoàn toàn có thể hình dung trường hợp một nhà nho viết ra một tác phẩm, rồi tác phẩm ấy được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, rồi không ai còn nhớ tên họ nhà nho ấy nữa. Vì dân chỉ thích nghe truyện, chứ đâu thích nghe tên người viết truyện!

Riêng gì truyện dân mới hay quên tên tác giả. Xưa dân không nhớ tên người viết truyện
Phan Trần. Nay dân không nhớ tên người viết nhạc Những đồi hoa sim. Chẳng hạn.

Cái mà dân thích nghe, cái ấy không nhất thiết do dân tự làm. Do ai làm, chuyện ấy đừng đi hỏi dân.

(Thu Tứ)



Lại Nguyên Ân, “Tác giả khuyết danh...”




Ý niệm "dân gian" chủ yếu là ý niệm về công chúng, về môi trường tiêu dùng văn hóa, hơn là ý niệm về người sáng tác ("tác giả tập thể"...). Một hiện tượng văn hóa dân gian quy mô rộng thường lôi cuốn và làm nảy sinh những sáng tác thành văn mà tác giả là những cá nhân cụ thể, tuy lâu ngày nên đã không còn biết rõ là của những ai (ví dụ các bài văn chầu trong Tứ Phủ). Dấu hiệu "khuyết danh" không phải là chắc chắn để quy vào "tác giả tập thể", "tác giả dân gian".


(Lại Nguyên Ân,
Ðọc lại người trước đọc lại người xưa, nxb. Hội Nhà Văn, Việt Nam, 1998, tr. 53. Nhan đề phần trích tạm đặt.)