“Oai như gái Việt”! “Tôi mới chợt nhận thấy rằng trong đầu óc đàn ông của tôi vẫn còn nhiều thành kiến đối với đàn bà lắm”. Những thành kiến ấy trong “sọ” trí thức Việt Nam là do giặc Tàu trong thời Bắc thuộc và do chính vua quan Việt Nam từ thời Lê đã ra công “nhồi” vào. Nhưng nhồi “nhiều lắm” suốt bao nhiêu thế hệ mà vẫn không chặt được, động cái là rơi ra ngoài “sọ”! Và dù sao, dù đàn ông Việt Nam có nghĩ thế nào, có muốn “giữ rịt phụ nữ ở nhà, cấm”, thì đông đảo đàn bà Việt Nam vẫn cứ xông ra khỏi nhà, rủ nhau đi “làm cái bổn phận công dân” y như thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu! (Thu Tứ)



“Những bàn tay đẹp ấy”

Nam Cao







Ba thằng nói láo, bảo: ““Phún” có xấu và ế chồng, chiến đấu mới hăng!”. Tôi đã gặp những nữ du kích ấy rồi. Tôi có thể nói thẳng ngay rằng: Những thằng nói thế là những thằng nói láo. Các chị không xấu. Cũng không ế muộn.

Chị tổ trưởng ngồi tiếp chuyện tôi, mới độ mười chín đôi mươi. Chị đẹp như một cô gái Bắc Ninh. Khăn vuông mỏ quạ, yếm trắng bong, áo nâu dài, hai vạt trước lỏng lẻo bắt chéo nhau bên ngoài hai dải thắt lưng xanh, quần nái đen buông đến tận mắt cá chân. Đấy là lúc nghỉ ngơi, không phải lúc đánh giặc, các chị vẫn duyên dáng lắm. Và cũng thùy mị nữa. Khuôn mặt trái xoan rất dịu dàng. Da nhỏ, mơn mởn, trắng hồng. Mắt bồ câu. Miệng nhỏ xinh xinh. Mỗi khi cười, đôi má bầu bầu lúm đồng tiền. Cô con gái nền nếp xứ quê này, mặc dầu cái mộc mạc nâu sồng, cũng khả dĩ làm lắm chàng trai mơ ước. Tôi không biết lúc xông vào trại giặc thì chị có dữ dội, ngổ ngáo không. Lúc này đây, chị cũng khép nép như bất cứ cô thôn nữ đẹp nào ngồi trước mặt đàn ông. Trong khi nói chuyện, đôi mắt chị luôn luôn nhìn xuống, đôi bàn tay trắng mịn đặt trên đùi. Những ngón tay búp măng muồn muột chít vào nhau. Những bàn tay nhỏ nhắn này đã từng cầm súng bắn Tây, ném lựu đạn vào Tây, hoa mã tấu lăn xả vào Tây. Nó vẫn không kém mềm mại chút nào. Trước kia, hẳn là nó đưa thoi rất nhẹ nhàng. Và ẵm em rất khéo.

Tôi nhìn những bàn tay xinh ấy. Những bàn tay rất mềm yếu, nhưng cũng biết rời mái tóc mềm như tơ của trẻ con để cầm vũ khí giết quân thù, bảo vệ tấm thân trong trắng của mình và tương lai của những đứa con mình sẽ đẻ ra (...) Đâu có phải những bàn tay ấy không có mái đầu nào để vuốt ve. Đâu có phải những bàn tay ấy không biết làm món ăn ngon vừa miệng người chồng hay khâu một cái áo xinh xinh cho đứa con mong đợi của vợ chồng.

Chị tổ trưởng du kích bảo tôi:

- Hai phần ba chúng em đã có chồng, vài người đã có con.

Tôi băn khoăn không hiểu những đứa con ấy bây giờ ở với ai. Chúng nó có thấy thiếu mẹ lắm không? Và những người chồng có vui lòng thành thật khi thấy vợ vào du kích không?

Chị mỉm cười:

- Các anh ấy rất bằng lòng. Bởi vì các anh ấy cũng đi công tác cả. Hiểu nhau đã lắm.

- Còn các cháu?

- (...) Chị em chúng tôi người nào có con, đã có chị em nuôi giúp. Có thể nói rằng chúng nó được săn sóc chu đáo lắm. Chị em phụ nữ địa phương coi sóc chúng nó còn hơn chính con các chị. Chúng nó nhiều mẹ lắm!

Chị cười hóm hỉnh. Đôi mắt đen lay láy rời đôi bàn tay đẹp để nhìn tôi một chút, vẻ hơi chế nhạo.

- Ý các anh thế nào? Nếu các anh có con, các anh thích để vợ vẫn đi công tác hay nghỉ công tác ở nhà thôi?

Tôi chưa từng đặt với tôi câu hỏi ấy bao giờ. Bây giờ có người đột ngột đặt nó ra trước mặt tôi, tôi mới chợt nhận thấy rằng trong đầu óc đàn ông của tôi vẫn còn nhiều thành kiến đối với đàn bà lắm. Tại sao chúng ta lại cứ muốn giữ rịt phụ nữ ở nhà, cấm họ không được làm cái bổn phận công dân của họ khi họ muốn?

(...) Vấn đề không phải là thích hay không thích. Vấn đề, chính là cần hay không cần...

Chị nữ du kích ngồi trước mặt tôi vẫn mỉm cười. Bây giờ thì chị không e lệ một chút nào. Chị nhìn thẳng mặt tôi, chị bảo:

- Cần thì có lẽ cũng chưa cần lắm. Phụ nữ còn khối việc làm ở hậu phương. Nhưng chúng tôi khó chịu vì có những người đàn ông nhút nhát. Vả lại chúng tôi cũng muốn thử xem phụ nữ có thể đi đánh giặc như đàn ông không.

- Chị thấy thế nào?

- Anh muốn nói sao?

- Tôi muốn biết các chị đi chiến đấu có thấy vất vả lắm không?

Đôi mắt chị lại cười. Chị tủm tỉm trả lời tôi:

- Chúng tôi thấy không vất vả bằng làm ruộng.

Người thiếu nữ này (...) trước kia (...) chỉ chăn tằm, dệt lụa ở nhà (...) (bây giờ đang) học chị em, làm ruộng (...)

- Các cụ ở nhà đối với việc các chị vào du kích thế nào?

- Đều vui lòng cả. Chúng tôi không nhận những chị không được gia đình ưng thuận.

- Nghĩa là vẫn có những cụ không ưng thuận?

- Tất nhiên là phải có. Các cụ lo con đua chị, đua em như vậy rồi thành ra lêu lổng. Nhưng chúng tôi giữ hết sức đứng đắn. Bây giờ thì các cụ hầu hết đã hiểu rồi. Một người hư thì không phải đợi vào du kích mới hư. Trái lại vào du kích, được rèn luyện theo kỷ luật, còn ngoan ra nhiều nữa. Vả lại ở trong vùng địch, Tây khủng bố, phụ nữ muốn giữ thân cần biết quân sự. Có thể nói rằng phụ nữ trong vùng địch thích quân sự hơn chính trị.

Mấy hôm trước một anh cán bộ vùng địch cũng đã bảo tôi như vậy. Kể cũng là một điều đáng cho chúng ta suy nghĩ. Trong vùng địch phần lớn thanh niên nam giới thích đi làm cán bộ; chị em phụ nữ thì lại thích vào du kích; hơi nghe nói có lớp quân sự nào là các chị đòi đi học. Mà không phải chỉ học cho biết thôi đâu. Các chị thích đi đánh lắm. Bộ đội tới thường được các chị đem xôi chuối, quà bánh ủng hộ luôn. Ủng hộ để được ngắm nghía khẩu súng cho đỡ thèm. Và để gạ: “Các anh cho chúng em đi đánh với” (...)

Những bàn tay đẹp cầm súng (...) không chướng mắt (...) (mà) đáng cho ta cảm phục.


(Trong
Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1977)