Trong Chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài cũng có kể khá tỉ mỉ về lối mặc áo tứ thân ngày hội (xem bài "Áo tứ thân").



Đoàn Thị Tình, Màu sắc hội hè





Ảnh khuyết danh



Ảnh khuyết danh



Bộ áo mớ ba là trang phục điển hình của những cô gái Kinh Bắc trong những ngày xuân trảy hội. Đó là một bộ áo dài ba chiếc: ngoài cùng là chiếc áo tứ thân bằng the màu thâm hay màu nâu hoặc màu tam giang, hai chiếc trong màu mỡ gà và màu cánh sen, hay màu vàng chanh và màu hồ thủy. Cổ áo tròn. Vạt áo thẳng. Tay áo bó, ở cổ tay xẻ một đoạn để xỏ bàn tay qua được dễ dàng.

Khi mặc những chiếc áo dài, các cô gái thường chỉ cài cúc cạnh sườn, còn đoạn từ nách lên đến cổ thì lật chéo để lộ ba màu áo ra ngoài. Bên trong là chiếc áo cánh trắng không cài cúc cổ, tôn màu áo hoa hiên hay đỏ thắm. Cổ yếm có hai dải bơi chèo (vì trông giống chiếc bơi chèo) buộc ở sau gáy để lộ ra phía ngoài những lớp áo. Nhờ khéo chọn màu sắc, nhờ cách buông, thắt tế nhị, các cô gái làm cho bộ trang phục ngày xuân của mình tuy nhiều màu, lắm sắc, nhưng vẫn hài hòa, kín đáo, nền nã.

Tấm váy lưỡi trai bảy bức (?) bằng lĩnh hay sồi đen dài chấm gót. Cạp váy bao giờ cũng may rộng bản, khoảng từ 8cm đến 10cm, và đặc biệt là dùng màu sáng như màu xanh, màu vàng chanh hay màu hồng điều. Màu đen của tấm váy làm nền cho những dải thắt lưng bằng vải sồi hay lụa tơ tằm màu mỡ gà, màu hồng đào, màu hoa lý... thắt so le buộc múi, buông rũ dịu dàng.

Các cô thường vấn khăn nhiễu tím hay nhung đen với đường ngôi chính giữa làm cho khuôn mặt tròn hay trái xoan trông đoan trang mà duyên dáng. Bên cạnh lại buông rũ món tóc đuôi gà, nhắc bộ tóc dài, đen mượt.

Đội đầu là chiếc nón quai thao (còn gọi là nón ba tầm). Nón hình tròn, mặt trên bằng, xung quanh có gờ dày khoảng 10cm – 12cm, bằng lá gồi, khâu dây móc. Mặt dưới, ở giữa có gắn một hình tròn ống bằng tre đan để làm chỗ dựa đội lên đầu cho cân gọi là chũm nón. Quanh chũm nón là những vòng tre chuốt nhỏ, khâu bằng chỉ tơ, đan chéo sợi với nhau rất công phu, lại được trang trí những hình bướm hay những bông hoa bằng chỉ nhiều màu. Quai nón làm bằng dây thao đen (do đó gọi là nón quai thao), gồm từ một đến ba dây chập lại buông võng xuống đến thắt lưng (có khi quai nón là một dải vải dài). Hai đầu quai nón mỗi bên có năm, bảy đến mười nhóm tua nhỏ, dài khoảng 25cm đến 30cm. Khi đội nón, các cô phải dùng ngón tay giữ lấy quai nón ở trước bụng cho nón khỏi ngật ngưỡng. Khi e thẹn lại che nghiêng nón để làm duyên. Nón không đội thì quàng quai nón ngang vai, đeo nón ở bên cạnh sườn, hay đặt vành nón lên vai, tay vẫn phải giữ cho khỏi rơi. Có lúc ngắm khuôn mặt mình, sửa lại vành khăn một cách kín đáo, trong chiếc gương nhỏ được gắn ở giữa chũm nón. Ngày thường chiếc nón loại này cũng được dùng phổ biến, nhưng không có quai thao và thành nón chỉ cao khoảng 7cm – 8cm.

Cùng với bộ quần áo đẹp, các cô còn đeo bên mình một bộ xà tích bằng bạc, có ống đựng vôi cũng bằng bạc, và con dao nhỏ chuôi bằng sừng vừa là trang sức đồng thời cũng để bổ cau, têm trầu. Chân đi đôi dép cong (bằng da trâu) hay đôi guốc cong bằng gỗ sơn đen, quai tết bằng da hay mây (một quai ngang hay hai quai). Loại hai quai, đầu quai từ hai thành guốc phía sau tập trung xâu vào một lỗ trên mặt đầu guốc. Khi đi guốc, ngón chân cái và ngón cạnh cặp vào đó.


(Ðoàn Thị Tình,
Tìm hiểu trang phục Việt Nam (dân tộc Việt), nxb. Văn Hóa, 1987. Nhan đề phần trích tạm đặt.)