Tiếc cái phủ Chúa Trịnh quá.



“Một thoáng Hồ Gươm”

Trương Chính v.v.




Hồ Hoàn Kiếm ở giữa thành phố Hà Nội, còn có tên là Hồ Gươm, xưa gọi là hồ Lục Thủy, vì nước hồ xanh quanh năm. Tương truyền Lê Thái Tổ (1428-1433) chơi thuyền ở hồ này thấy rùa vàng nổi lên, nhà vua lấy gươm chỉ vào rùa, rùa đớp thanh gươm lặn xuống, vua bèn đổi tên hồ thành “hoàn kiếm” với ý nghĩa “trả lại cây gươm thần”.

Hồ rộng 12 công mẫu (?), trước kia còn rộng hơn nữa, chia ra hồ Tả Vọng, hồ Hữu Vọng, lại có đường thông ra sông Hồng. Cuối thế kỷ XVI, chúa Trịnh lập phủ Chúa ở vùng này, không kém gì cung điện vua Lê, có 52 tòa lâu đài dinh thự ngoảnh mặt ra hồ. Tất cả lâu đài dinh thự ấy đều bị Lê Chiêu Thống thiêu hủy. Giữa hồ có Gò Rùa, nơi chúa Trịnh xây Tả Vọng đình làm nơi nghỉ mát, sau sửa thành Tháp Rùa. Lại có đền Ngọc Sơn thờ anh hùng liệt sĩ đời Trần, sau khi đánh thắng quân Nguyên; đời Lê đổi làm chùa; đời Nguyễn thờ Tam thánh, lại thờ cả Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, có cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên, do Nguyễn Văn Siêu quyên tiền xây đắp. Lúc này đền lại thờ thêm thần Văn Xương, vị thần coi việc văn chương khoa cử.


(Trương Chính và Ðặng Ðức Siêu,
Sổ tay văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1978)