Nguyễn chuyên lên non, thỉnh thoảng mới xuống bể, thì vừa gặp lúc bể đang động. Hay là Cô Tô đã cố ý dàn chào cho đích đáng một người đi lão luyện? Lênh đênh, được thấy màu vẻ lạ lùng của nền trời mặt biển trước cơn dông, đổ bộ được “đại liên” gió quạt lia lịa “đạn” cát vào mình mẩy tay chân mặt mũi, được đẩy chạy trên bãi cát như “một cái buồm thuyền chạy vát (…) sắp đứt dây lèo”, rồi về đến nơi tạm trú thì được thấy hình ảnh tượng trưng cho tàn phá, được nghe gió rú rít “quỷ khốc thần kinh” suốt đêm, vậy chẳng là mới đáng đi sao? Nhưng Cô Tô bão bùng cho biết, rồi Cô Tô thôi bão cho khách thấy những “mình” khác êm đềm hơn. Như mặt trời trên biển lúc bình minh, như màu xanh liên tục thay đổi của nước biển một buổi chiều thật trong trẻo sáng sủa… Đặc biệt, thăm Cô Tô ngoài cảnh lớn, mắt khách còn được gặp một vẻ đẹp kỳ ảo và bất biến ở một nơi thật bất ngờ là bên trong cái vỏ rất khiêm tốn của loài trai ngọc. Hai mảnh vôi bé tí úp vào nhau chôn dưới đáy bùn cát, nhặt lên trông không có gì lạ, ai ngờ mở ra lại thấy trên hai vách lung linh những sắc cầu vồng, thấy như “tất cả những buổi tốt trời trên mặt biển vịnh Bắc bộ” đã kết tinh lại ở đây! Này, vẫn lòng trân châu, nước biển chiều, mặt trời lên, gió dông sóng bão, mây xám trời vàng biển đục v.v. ấy, có phải ai cũng thấy được như “ai” đâu. Một vùng cảnh sắc độc đáo của quê hương đất nước năm xưa đã có khách quý. Dấu chân người ấy cát xóa lâu lắm rồi, nhưng dấu bút trên giấy thì còn sờ sờ đây!

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Bão biển và lòng trai và...”





Cô Tô - ảnh khuyết danh


Mũi Ngọc. Trên chỏm nó là một cái đồn. Dưới chân nó là một tí phố cụt của cây số cuối cùng thuộc đường số 4. Mười căn nhà ngói, mái thâm giòn, hòn ngói đực xoắn xuýt lấy hòn ngói cái. Chỉ có cái trạm hàng giang là còn cái màu ngói của một trụ sở mới. Nước thủy triều vẫn rút xuống. Tìm cái tàu thủy đón đoàn ra Cô Tô thì chưa thấy nó đâu cả. Cát ở đây vàng rộm hoàn toàn khác hẳn cát bãi Trà Cổ xam xám sền sệt.

Biển càng hướng ra Cô Tô, càng thấy nồng. Vĩnh Thực, Cái Chiên, Núi Miều, Núi Tụi, vùn vụt lướt qua sườn tàu, mà trên boong tàu, mớ tóc trần trên đầu chị bạn vẫn không chịu rung lấy nửa sợi. Đứng gió quá. Chân đảo Thoi Xanh xa xa cát vàng như một nét chỉ mành tơ lưới kéo ngang nền giời hâm hấp của biển chờ cơn dông. Nước đùng đục. Mặt biển lặng lờ và láng mềm đi như dầu mỡ nào đang chảy tràn tới tận cái cuống mây chân giời. Nó gợi gợi một cái chảo khổng lồ nước xuýt vịt béo sôi giấu khói, mới trông qua rất dễ lầm với một nồi canh nguội. Có tí sóng nào dội lên phía chân vịt tàu, thì sóng chỉ xông thêm ong ong oi oi lên mặt tàu. Bầu trời tắt gió càng về quá trưa càng đặc sánh. Thấy nghẹn thở. Trời vàng vàng cái mặt màu da đồng.

Tối đầu trên đảo Cô Tô, đã có ngay một buổi họp, - họp chạy bão, rất có thể ngày mai bão đã vào thấu tới quần đảo rồi (...) Nửa đêm, gió ở đâu đùng đùng kéo tới (...) thổi bay cả gối cả chăn, xô băng đi cả chén cả ấm để ở ngoài hiên gác đảo ủy (...) Một anh trong đoàn, như mắng gió, bằng một giọng ngái ngủ: “Tiền trạm xích hầu của của trận bão số 6 ngày mai đó phải không?” Đùng đùng, hồi lùng, mạnh hơn gió quẩn vùng núi Tây Bắc rung cột nhà sàn theo lối vòi voi lắc gốc chuối rừng. Nó làm một chập dài (...)

Buổi sớm dậy, xem qua loa bản đồ 18 hòn lớn nhỏ của quần đảo Cô Tô, rồi vội đi theo luôn anh Quốc Sĩ dẫn đường về hợp tác xã đánh ngọc trai Tô Bắc. Trời vẫn còn nắng, nhưng không có tia nắng, và nó ấp úng như cái cười nham hiểm của một anh giáo giở sắp táng tận lương tâm. Cung cách này, phải nói với xã viên Tô Bắc tranh thủ ngay chiều nay cho ra đánh ngay một chuyến trân châu gần bờ (...)

Cái thuyền ba góc đặc biệt của Cô Tô lừ lừ nhả bờ, Quốc Sĩ và Thái Mao Hữu cùng chèo chung một cuống chèo. Chèo lối này là lối chèo lụ, chèo cứ xoáy cứ khoan vào nước mà trườn cái thuyền đít bè đi tới, mũi chèo lúc nào cũng ngập sâu xuống dưới mặt sóng. Thuyền đánh ngọc trai xoay lưng vào đảo Cô Tô mẹ và hướng thẳng sang đảo Cô Tô con. Cả Thái Mao Hữu cả Quốc Sĩ đều buông chèo, cởi quần áo, đeo kính lặn, và nhảy ùm xuống biển. Thoáng một cái, họ đã ngoi lên, một tay bám mạn thuyền, một tay bỏ vào lòng thuyền hàng nạm con trai, hàng chùm trai ngào ngạt mùi bùn cát đáy biển. Tôi ngắm những chùm trai tươi, tôi ngắm biển, ngắm trời, ngắm cái bờ cát đảo Cô Tô mẹ đã mờ và cái bờ cát đảo Cô Tô con rõ nét nhà và nét cây xóm chài. Chân trời đàng Đông, mây xám buông thõng xuống sóng như một thần nữ nào đang bực mình quạt phành phạch hong tóc trên thau nước gội bồ kếp đục ngầu. Thấy người se se lạnh cái mùi gió của thứ gió dẫn mưa đang thổi tới.

- Thôi, ta quay vào bờ thì vừa đấy! (...)

Mấy chục con trai còn non chưa con nào đậu ngọc. Nhưng tôi vẫn vui như chính mình vừa tìm được ngọc bể. Trong mắt tôi vẫn chưa biến hết cái lung linh ban nãy của những người thanh niên lặn tìm trân châu giữa biển (sắp) bão. Con trân châu tươi vừa bổ đôi ra, hai mảnh vỏ óng lên cái hào quang của một thứ pha-lê nạm sà cừ. Buổi chiều vàng đùng đục trên hòn đảo, cũng như biển bão đang đục ngầu quanh trụ sở hợp tác xã Tô Bắc. Nhưng vỏ trai ngọc vẫn tươi ánh thanh khiết, kết tinh lại tất cả những buổi tốt trời trên mặt biển vịnh Bắc bộ. Màu sắc mát nhẹ của lòng vỏ trân châu đang từ chối mọi cái mờ ám càng giờ càng tăng của bầu trời bão quanh mình. Vỏ trân châu xanh hồng huyền ảo, càng nhìn càng ưa, và thấy như lộng lên cái thảm kịch của sinh vật nằm dưới rốn bể mà vẫn không chịu nguôi lòng tương tư cái nguồn sáng cội gốc đang bị trần sóng trên đỉnh đầu bẻ gẫy hết tia chói. Màu vẻ lòng trai ngọc thật là kiều diễm như nửa vòng cung cầu vồng bắc lên từ một thế giới đáy biển vẫn hoài bão ánh trời (...)

Đêm thứ hai ở Cô Tô, vẫn có những ngôi sao sáng thoi thóp giữa trời đục. Sao của đêm bão không tia nhấp nháy. Trời cao lại thẳm như đáy biển mình vừa tuột tay đánh rớt ngọc mình vào, và mình cũng đang lao theo.

Bữa cơm sáng nay chia tay với anh em xã viên hợp tác xã trân châu (...) Thế nào chiều nay cũng phải về tới đảo ủy (...) Gió vẫn thổi thốc vào nách vào gáy bọn tôi đang leo đèo Đầu Chó. Gió lật ngửa lá sim, lá mua, lá cỏ dàng dàng, và mỗi cái giật của đợt gió, cổ mình như sái hẳn đi, như cổ ngựa bị gió giật cương để chân mình khỏi sa thụt xuống ổ gà rừng. Đến đỉnh dốc Đầu Chó, gió càng giật dữ. Thế này thì ít nhất cũng là gió cấp 8. Mặc kệ cấp 8, phải dừng lại, nhìn biển cái đã. Đây là mỏm của mũi đảo ăn thẳng hướng bắc. Thấy được cả bãi biển phía đông, thấy được cả bãi biển của phía tây đảo (...) Cả hai mặt biển sóng đều không thấy một bóng buồm nào. Nước biển chỗ vòng cung phía đông thì ngầu đục vàng ệnh, nước biển vòng cung mặt tây kia thì xanh màu cánh trả. Nhiều mảng biển phía tây, đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, thấy chồm chồm màu sà cừ uyển chuyển của mấy mảnh vỏ trân châu bỏ kỹ trong đáy túi dết của mỗi người.

Hình như gió bão chờ chúng tôi lọt hết vào trận địa cánh cung bãi cát, rồi mới tăng thêm hỏa lực. Mỗi viên cát bắn vào má vào gáy lúc này buốt như một viên đạn mũi kim. Gió bắn rát từng chập. Chốc chốc gió ngừng trong tích tắc như để thay băng đạn, thì đầu cổ lại bật lên khi gió giật. Gió liên thanh quạt lia lịa vào gối vào ngang thắt lưng, đẩy cả người chạy theo luồng cát mà bạt ra phía sát bờ biển của một bãi dài ba ngàn thước, rộng chừng trăm thước. Sóng cát đánh ra khơi, bể đánh bọt sóng vào, trời đất trắng mù mù toàn bãi như là kẻ thù đã bắt đầu thả hơi ngạt. Tôi lảo đảo trên sa trường, đi sâu mãi vào sa trường như cố tìm cho bằng hết mọi nỗi thương vong ở chỗ thiên hôn địa ám này. Hòn đảo gần hòn đảo xa, chỉ còn mờ mờ xam xám cái chót đỉnh, còn chân đảo thì đã mất trong cái mịt mùng của bụi muối ẩm. Sóng tung vòi cao và đổ dài, bọt trắng tãi thành hàng thành hàng. Sóng thúc lẫn nhau mà vào bờ âm âm rền rền như vua thủy cho các loài thủy tộc rung thêm trống trận. Tôi đúng là một cái buồm thuyền chạy vát nhưng sắp đứt dây lèo. Gió đánh bật cả từng cụm sim biển mà lùa ra biển, bụi sim biển cứ thế mà nhảy câng câng, mà lộn tùng phèo qua hết bãi cát rồi nhào đầu xuống những con sóng đứt chân đổ vào bờ. Cát vẫn bắn đón đầu. Cát vẫn bắn theo sau. Cả cái bãi vắng sa trường bỗng trở thành cái boong hoang dại của một chiếc tàu say sóng biển. Và trên đó, tôi như một người lính thủy đang cố lao về phía vị trí đằng mũi tàu. Tất cả những vỏ ốc con đều bay lên như tàn vàng giấy. Gió đặt vỏ ốc vào lòng tay tôi đang che gió. Ốc ở đây màu rất đẹp và hình vẻ nhiều kiểu khác nhau, chưa thấy mấy bãi biển mà ốc đẹp như thế. Và cũng chưa lần nào tôi được trông thấy những cái lâu đài dã tràng nghiêng ngửa tan vỡ đến như thế. Bãi bị gió mài lì, trở thành một mặt bàn bi-a đại cồ lồ trên ấy quay lông lốc hàng triệu hàng triệu viên cát dã tràng đang tìm lỗ nẻ để thụt xuống. Cuối cùng, bàn tay gió, như một anh chơi ngang phá đám đã gạt phăng hết chúng vào bất cứ con sóng đứt chân nào đổ bờ.

Về tới đảo ủy mới biết rằng tất cả các đồng chí đã chia nhau về hết các cơ sở để chống bão.

Cuối canh một sang canh hai, bão thật sự bắt đầu. Gác đảo ủy nhiều khuôn cửa kính bị gió vây và dồn, bung hết. Kính bị thứ gió cấp 11 ép, vỡ tung. Tiếng gió càng ghê rợn mỗi khi nó thốc vào, vuốt qua những gờ kính nhọn còn dắt ở ô cửa vỡ. Nó rít lên rú lên như cái kiểu người ta vẫn thường gọi là quỷ khốc thần kinh.

Phải coi như đây là một cuộc ăn vạ của gió, gió ập vào nhà mà đòi hôi của. Cái gác bê-tông mà rung lên như đài chỉ huy một con tàu đi trên sóng cuồng. Càng về gần sáng, gió đông bắc càng giật, đợt nào cũng là một đợt quỷ sứ ma vương ùa tới mà đập gõ hàng ngàn vạn cái thúng rách, mà nện vào ngàn vạn cái mâm đồng nát. Những lúc này thì cá dưới biển đang chạy đi đâu? Và dây thừng và cột buồm của thuyền Cô Tô có chịu đựng nổi cho hết trận bão không? Hòn ngói, mái tranh các xóm trên quần đảo có đứng được đầu gió này không? (...)

*

Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô là một ngày trong trẻo sáng sủa (...) Sau mỗi lần giông bão, bao giờ bầu trời Cô Tô cũng trong sáng như vậy. Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đặm đà hơn hết cả mọi khi, và cát lại vàng giòn hơn nữa (...)

Nước biển Cô Tô sao chiều nay nó xanh quá quắt đến như vậy? (...) Cái màu xanh luôn luôn biến đổi của nước biển chiều nay trên biển Cô Tô như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa tôi đang nổi gió trong lòng. Biển xanh như gì nhỉ? Xanh như lá chuối non? Xanh như lá chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng? Nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết Thanh Minh? Đúng một phần thôi. Bởi vì con sóng vừa dội lên kia đã gia giảm thêm một chút gì, đã pha biến sang màu khác. Thế thì nước biển xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư mã nghe đàn tỳ bà trên con sóng Giang Châu thì có đúng không? Chưa được ư? Thế thì nó xanh như một màu áo cưới, được không? Hay là nói thế này: nước biển chiều nay xanh như một trang sử của loài người, lúc con người còn phải viết vào thân tre? Nghe hơi trừu tượng phải không? Mà kìa, nhìn cho kỹ mà xem, nước biển đang xanh cái màu xanh dầu xăng của những người thiếu quê hương. Cũng không phải là sợ lai căng, nhưng nghe nó vẫn chưa trúng vẫn chưa được ổn phải không? Sóng cứ kế tiếp cái xanh muôn vẻ mới, và nắng chiều luôn luôn thay màu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào tuôn ra kịp được với nhịp sóng. Đua với sóng, thì chỉ có mà thua thôi. Chao ôi, nước biển Cô Tô chiều nay xanh cái màu xanh của ngọc bích. Hoặc là chao ôi, nó xanh như một niềm hy vọng trên cửa biển. Nghe nó lại càng chung chung; chưa sướng gì, nhưng thôi (...)

Mặt trời lại rọi lên ngày thứ sáu của tôi trên đảo Thanh Luân một cách thật quá là đầy đủ. Tôi dậy từ canh tư. Còn tối đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu đầu mũi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Điều tôi dự đoán, thật là không sai. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể, sạch như tấm kính lau hết bụi. Mặt giời nhú lên dần dần, rồi lên cho kỳ hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng. Lòng đỏ trứng khổng lồ đặt lên một cái mâm bạc rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mặt bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh (...)

Khi mặt trời đã lên một vài con sào, tức là lúc nó trở về sự bình dị hàng ngày, thì tôi đang múc gầu nước giếng dội lên đầu lên cổ lên vai lên lưng, nghĩa là tôi cũng đang đi tắm như mọi người lao động bình thường đang tắm quanh giếng. Cái giếng nước ngọt ở dìa một hòn đảo giữa biển cái sinh hoạt của nó vui như một cái bến và đậm đà mát nhẹ hơn mọi cái chợ trong đất liền.

Giếng đảo Thanh Luân sớm nay có không biết bao nhiêu là người đến múc và gánh. Múc nước giếng vào thùng gỗ, vào những cong những ang gốm màu da lươn. Lòng giếng vẫn còn vài cái lá cam lá quýt do trận bão vừa rồi quăng vào. Chỗ bãi đá nuôi sáu mươi vạn con hải sâm ngoài kia, bao nhiêu là thuyền của hợp tác xã đang mở nắp sạp đổ nước ngọt vào. Sau trận bão, hôm nay hợp tác xã Bắc Loan Đầu cho 18 thuyền lớn nhỏ cùng ra khơi đánh cá hồng. Anh hùng Châu Hòa Mãn cùng bốn bạn xã viên đi chung một thuyền. Anh quẩy nước bên bờ giếng, tôi né ra một bên. Anh quẩy 15 gánh cho thuyền anh: “Đi ra khơi, xa lắm mà. Có khi mười ngày mới về. Nước ngọt cho vào sạp, chỉ để uống. Vo gạo thổi cơm cũng không được lấy nước ngọt. Vo gạo bằng nước biển thôi” (...)


(Trích từ bài Cô Tô trong tập
Ký Nguyễn Tuân, nxb. Văn Học, 1986. Nhan đề phần trích tạm đặt.)