Ở trên “cao lồng lộng”, thảo nào những người anh em ấy hay nhắc giời! Ai nấy đều biết họ nuôi lợn cắp nách, nấu rượu ngô, thích thổi sáo. Có lẽ biết cả cái tài vừa thổi khèn vừa nhảy trên cọc, nhưng chắc ít ai ngờ họ còn rất ưa thuốc lào… Dân tộc Mèo có truyền thống hiếu khách, mà ăn nói cũng khéo lắm. Cái câu chí tình “Có cán bộ về, giời như gần lại” của “bà Mèo hàng xóm” đã làm “tôi” nghĩ mãi… Người xứ gần giời khó quên, mà cảnh lại càng… Về giữa Hà Nội, mắt Nguyễn trông cây xanh hồ xanh mái ngói thâm nâu phố cổ, nhớ những mây làm khách không mời, mây diều hâu, đường rắn trắng, đường chỉ hồng, chân trời lô xô nhấp nhổm “mở ra lồng lộng ở sau một cái đỉnh đèo” v.v., còn các bắp thịt trong đôi chân Nguyễn đang bước đều trên đất bằng của Thủ đô chắc đôi khi giật mình hồi tưởng thứ mặt đất “í ộ liên hoàn”!

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Lên thăm xứ gần giời”



Cuộc sống Tây Bắc ở một nơi địa đầu (...) khó mà thuần nhất được (...) Vùng này toàn người Mèo. Mèo Việt Nam, Mèo Ai Lao. Lúc họ đi, lúc họ về (...)

Tôi tìm đến cái xóm Mèo có dăm sáu gia đình ấy (...) Gia đình bà cụ có con gái và con dâu góa chồng. Cả chúng tôi nữa là tám người ăn một bữa cơm có rượu ngô và cả một con lợn vừa mới chọc tiết lúc sớm. Người Mèo nổi tiếng là chăn nuôi lợn giỏi. Bà cụ ép ăn thịt lợn, đúng với truyền thống hiếu khách của người Mèo. Đã có khách quý là giết lợn, giết con lợn như giết con gà. Mổ lợn đãi khách, còn bao nhiêu phơi ướp và mỡ để dành thắp đèn dần, chứ tịnh không có đem bán, và cũng không khi nào đánh đụng mổ chung lợn bất cứ ai.

Bà cụ Mèo thương con dâu cũng bằng cái tình thương đối với con gái. Con dâu và con gái đều có sắc đẹp và tuổi trẻ, người con dâu hay nói hay cười hơn cô con gái. Ba mẹ con cùng ngồi ăn, ăn bằng thìa, vừa ăn chuyện với khách vừa mời khách uống rượu. Thỉnh thoảng lại hát những câu hát lãng mạn miền núi, những câu hát thuộc loại “tình sử” Mèo. Cái không khí thật là thân mật, và tôi cứ nghĩ như mình đang là một người thực khách của một gia đình Trung Âu nào.

Chỉ tiếc rằng xóm Mèo này dựng ở một lườn núi lũng xuống, ngồi trong nhà nhìn ra thiếu mất cái mênh mông bát ngát núi xa núi gần mọi ngày vẫn hằng thấy. Bữa cơm rượu uống được nửa chừng thì có bà Mèo hàng xóm sang chơi, nói cười đon đả: “Nghe có cán bộ về, tôi sang chào đấy”. Lại thêm cái chén uống cái thìa ăn, và lại thái thêm thịt lợn, cái quầy thịt tươi ở giữa nhà. Bà cụ chủ nhà vừa cười vừa bảo là cứ ăn cho hết đi. Bà Mèo hàng xóm giọng cảm động: “Có cán bộ về, giời như gần lại”. Từ phút đó, tôi không muốn ăn thêm nữa, chỉ uống thôi, cầm chén lên đặt chén xuống mà cứ nghĩ đến câu nói chí tình của bà Mèo vừa sang chơi. Và thấy rằng người Mèo thường hay nói đến giời. Phải chăng vì ở núi cao, mà hình ảnh giời đã luôn luôn phảng phất trong tâm tư người Mèo? Trong cái nói năng thông thường làm ăn sinh sống hàng ngày, và trong thơ ca Mèo, trong cuộc sống từ xưa để lại, thấy giời thành ra một hình ảnh rất quen rất thuộc của họ. Đôi tình nhân Mèo nhớ nhau: “Thở vào, nghĩ đến giời gần – Thở ra nghĩ đến giời xa”. Gặp cảnh uất ức: “Giời bỏ đi xa rồi”. Chịu đựng lâu ngày oan khổ, và gần hết tin vào công lý, thì “Giời hết mất rồi, không có giời nữa” (...)

Có sống ở cái thế giới núi cao lồng lộng những nắng những gió những mây những giời của vùng cao Tây Bắc thì mới nhập hết được cái ý giời trong tập tục đời sống đồng bào Mèo (...) Ánh sáng trong vô cùng, sáng vô ngần, lọc vô tận (...) Cái chân giời của người Mèo cũng không hoàn toàn giống cái chân giời của người đồng bằng đồng bể có giời có mây nhưng lại có cả nước nữa. Nếu chân giời của người đồng bể là một ngấn nước thẳng tắp, thì chân giời của người Mèo là một cái gì cũng không kém lồng lộng nhưng lô xô nhấp nhổm, một cái gì mở ra lồng lộng ở sau một cái đỉnh đèo họ đang đi miết lên kia. Đã có nhiều lúc, tôi là một cái bóng lẻ sắc cạnh in hằn lên cái chân giời đó, nơi bóng mây thì thừa mà lại thiếu hẳn cái bóng buồm nước (...)

*

Đồng chí N. (kể chuyện) đi tìm người Mèo (...)

Kinh nghiệm cũ là, muốn tìm người Mèo, thì cứ đi vào những chỗ thật cao, đã cao mà lại có mỏ nước khe nước mạch, thì thế nào cũng thấy. Ban ngày mà chưa thấy thì cứ đứng quanh đấy mà đợi mặt trời lặn, như cái kiểu con đười ươi tay giữ cái ống tre mắt nhìn đau đáu mặt giời chuyển chỗ trên đầu áng cỏ nhọn. Đợi đó cho đến sẫm tối, cứ thấy chỗ nào có cái tia khói lam phụt lên trong núi, thì cứ tìm đến, thế nào cũng gặp được nhân dân (...) Phát hiện được ba gia đình Mèo.

Đồng chí N. nói luôn: “Bộ đội đánh tan đế quốc rồi, bộ đội vừa đuổi hết Pháp rồi. Giờ thì ta trở về nhà cũ xóm cũ mà làm ăn. Thiếu muối, chính phủ sẽ cấp cho từng gia đình.” Người Mèo liền giết gà. Nhưng đồng chí N. và đồng chí liên lạc suốt bữa cơm chỉ nhấm nháp mỗi người vài miếng thịt gà, chấm chấm vào cái chỗ muối mình đưa theo đi. Hai “thầy trò” anh cán bộ Kinh chỉ ăn có mấy miếng, nói nhiều nhưng ăn thì ít, ăn vài miếng cho nó có cái hơi thịt. Để lấy sức mà leo núi này núi khác đi tìm tất cả những người Mèo có bụng với mình, giải thích cho ai nấy đều trở về xóm cũ (kể đến đó, đồng chí N. nhấn mạnh với tôi rằng lúc ấy mà mình ăn thịt nhiều không lợi cho công tác, nhân dân sẽ coi thường mình, cho là mình trốn tránh lâu ngày, bị địch vây hãm rồi khổ sở đói khát...).

Trong những ngày vạch cỏ bám núi đi tìm dân, đi tìm đồng bào Mèo, mấy bánh thuốc lào Vĩnh Bảo thật là có tác dụng. Gặp gia đình Mèo này Mèo nọ đều véo cho mỗi người một ít, họ rất vui sướng (...)

*

Tôi nghỉ lại một đêm, nửa ngày hôm trước và nửa ngày hôm sau tại nhà một anh bạn Mèo ở cách thị xã Lai Châu khoảng hai chục cây số (...)

Chiều hôm ấy nhiều mây, mây xô cả cửa mà vào nhà vợ chồng anh Giàng. Tôi ngồi nhìn lửa ánh lên những tấm gỗ vách bóng nhậy đầu khói mồ hóng. Những tấm gỗ không bào, chỉ đẽo bằng rìu, gợn lên cái đẹp chạm trổ của vẩy rồng vẩy cá. Con diều hâu phía đường đèo xa tạt nhanh vào xóm đây, liệng cánh chao cánh sà xuống định quắp gà con, cả xóm Mèo la hú lên, con ác điểu lại bay mất, lại liệng ra phía đường cái. Xa xa dưới chân tôi, xa tít ngoài núi kia, đường quốc lộ trắng nhờ nhờ như con bạch xà xoắn khúc. Và mây chờn vờn dải đường như diều hâu xám là cánh. Con đường rắn trắng hất xuống lòng vực cái đám mây ỡm ờ kia.

Tối hôm ấy tôi nghe sáo Mèo, thứ sáo hình như chỉ có hai nốt: í lên rất cao, rồi ộ xuống rất thấp, nghe như một cái gì bừng lên rồi sa làn xuống mà hẫng đi. Nghe hai nốt sáo, tôi cứ thấy nhạc Mèo lên xuống dốc, một thứ nhạc khỏe nhưng dễ mỏi chân người quen đi núi nay phải đi bước bằng dưới xuôi. Tối hôm ấy, trên cái tràn ruộng bé bằng vài cái nong, tôi xem múa Mèo. Gọi là nhảy Mèo thì đúng hơn.

Hai anh thanh niên Mèo gò người trên cái khèn, vừa thổi vừa nhảy vòng tròn. Phụ nữ Mèo không nhảy múa. Hai anh khèn vờn nhau. Hai chiếc khèn gù gù nhau, vào miếng. Như hai cái nòng súng muốn gạt nhau. Như hai cái sừng trâu chọi thi. Múa trên cọc gỗ như thi võ điệu mai hoa quyền. Anh thanh niên Mèo đẹp như tượng tạc trên đế gỗ. Nghe nói ai mà nhảy khèn trên cọc mà không lỡ bước không tụt thì được thưởng mấy cân thịt mấy cân rượu ngô. Nếu ngã, người khác lên thay ngay. Lửa bẹ ngô áo bắp ngô khói tợn, phải luôn tay giở lửa. Lửa bập bùng soi người nhảy đang múa gối múa gót, bấm ngón chân và múa cả gót chân, múa và đổi chân này sang chân khác. Anh thanh niên vừa múa vừa quay, quay chín vòng. Vẫn những cái bó đuốc những người đi xem chậm đến một lúc một đông thêm. Quanh tràn ruộng, đủ cả mười hai anh du kích Mèo của cả xóm.

Sớm hôm sau, mây lại vờn lên dải đường quốc lộ xa xa. Nắng ửng dần. Dải đường như búp chỉ hồng hoàng rối không gỡ được. Cả nhà thay quần áo mới để chụp ảnh kỷ niệm. Váy lanh trắng chếp nếp, áo sa tanh đen có khoang vòng xanh lam ở hai cánh tay. Và những chiếc vòng bạc.

Tôi xin đi. Cả nhà không bằng lòng. Lên chơi với bạn Mèo, phải ở một tuần lễ là ít, ở một hai buổi (...) không phải là đi chơi thăm nhau. Có thể giận đấy. Mà sao lại ra đi ngày chẵn, kiêng đấy, sái đấy. Phải đi ngày lẻ cho nó còn có ngày về, đi ngày chẵn là đủ đôi đủ cặp rồi về thời gian, và sẽ không nghĩ đến trở lại nữa.

Tôi ngoái cổ lại con đường dốc, vẫn thấy em Muờ đứng trên dốc trông theo, lưng cõng đứa con nhỏ anh Giàng. Muờ là em gái Giàng, đôi mắt đen láy như hạt nhãn.

*

Tôi trở về thủ đô đường bằng mà càng thấy nhớ mây Mèo. Giữa Hà Nội, thật khó tưởng tượng cái cảnh mây chiều mây sớm xô cửa mà vào giữa nhà mình. Thấy nhớ nhớ cái đôi mắt cô bé Muờ hút theo cái dốc núi hôm nào, đôi mắt thăm thẳm xanh lắc như cái lối nhìn của người lính thủy bói sóng chân trời. Hà Nội quay tít cù đèn hàng vạn hàng vạn xe đạp boóc-tê nhau. Sau lưng người trai đạp nhanh, cánh tay đàn bà mặc áo ve sầu đang đan len ngay sau yên xe. Vành bánh xe đạp quay, bàn tay đan len quay. Lại thấy nhớ những bàn tay ngón tay cánh tay đàn bà Mèo guộn lanh nối sợi gai quay chỉ lanh, vừa cuốn vừa nối vừa đi trên dốc núi. Đèo dốc võng lên võng xuống như bờm sóng bể động, trên đó nhấp nhô liên hoàn hai nốt nhạc í lên ộ xuống. Hà Nội vẫn loáng xanh phố cây đủ bóng to cũ và bóng mới trồng. Nhưng vẫn thấy tơ vương cái chất diệp lục ở ven sông Thái ở chân đèo Mèo.


(Trích từ bài Nhật Ký Lên Mèo trong tập
Ký Nguyễn Tuân, nxb. Văn Học, 1986. Nhan đề phần trích tạm đặt.)