Reid, T.R., “Xã hội Đông, Tây” (1)




Theo những tiêu chuẩn thường dùng để đánh giá mức độ thành công của một xã hội, khu vực Đông Á cực kỳ thành công: Họ có những đường phố an toàn nhất, những gia đình bền vững nhất, và những trường học tốt nhất thế giới. Cụ thể:

Về tội ác

Ở Đông Á, nạn giết người, hiếp dâm, trộm cướp, bắt cóc v.v. ít xảy ra hơn hẳn ở phần lớn những nơi khác trên thế giới (...) Vào cuối thập kỷ 1990, tính theo đầu người, trên nước Mỹ tội ác bạo động xảy ra nhiều gấp mười lần, hai mươi lần, thậm chí có trường hợp đến 100 lần, hơn so với các quốc gia Đông Á (...) Đa số các quốc gia này có rất ít cảnh sát (...)

Về đời sống gia đình

Hôn nhân: Nhật chắc là nơi có mức ly dị cao nhất ở Đông Á (...) nhưng ly dị vẫn ít xảy ra hơn hẳn ở Âu Mỹ. Khoảng 16% cuộc hôn nhân ở Nhật kết thúc bằng ly dị; ở Mỹ gần 50% và ở Âu khoảng 30%. Tại những nước Đông Á khác có giữ số liệu, tỉ lệ ly dị là ít hơn 10%.

Cũng như Đông Á ít tội ác không phải vì nhờ có nhiều cảnh sát, Đông Á ít ly dị không phải vì luật không cho phép mà vì quan niệm về hôn nhân (...) Không phải ở đây đôi lứa nào cũng hạnh phúc tuyệt vời; sở dĩ ít xảy ra ly dị, đó là do vợ chồng nhường nhịn nhau để tránh đổ vỡ (...)

Con cái: Người Đông Á xem chuyện làm cha mẹ lại còn quan trọng hơn cả chuyện làm vợ làm chồng. Ở Mỹ từ 30 đến 35% trẻ sinh ra chỉ có mẹ. Ở Âu từ 20 đến 25%. Trong khi ở Đông Á tỉ lệ này là 1%, hoặc thấp hơn. Không phải ở đây gia đình nào cũng hòa hợp lý tưởng, nhưng gần như tất cả đều là những gia đình trọn vẹn (...)

Về giáo dục

Trong những môn mà kết quả học hành có thể so sánh được, như toán và khoa học, những trường công ở Đông Á gần như luôn luôn đứng đầu thế giới (...)

Về mức độ phân hóa tài sản

Nói chung, khu vực Đông Á đang hình thành một tầng lớp trung lưu khổng lồ, trong đó đa số mọi người giàu có ngang nhau (...) Nước Nhật đi đầu về chuyện này (...) hơn 90% người Nhật xem mình thuộc giới trung lưu. Trong các nền kinh tế năng động khác của Đông Á, tài sản mới nẩy sinh cũng đang được phân chia rộng khắp (...)

Bạn có thể đặt vấn đề liệu việc phân chia tài sản đồng đều có nên được xem như là một dấu hiệu của tổ chức xã hội thành công hay không. “Giấc mơ Hoa Kỳ” là giấc mơ thành công kinh khủng – không phải chỉ kiếm được nhiều tiền bằng mọi người, mà là trở nên giàu sụ. Giấc mơ ấy đã là một lý do chính đằng sau tính năng động và khả năng mau phục hồi của nền kinh tế Mỹ trong một số thập kỷ qua. Mặt khác, việc chia đều tài sản khiến mọi người dân cảm thấy mình được đối xử công bằng chắc chắn là một trong những nguyên nhân làm cho các xã hội Đông Á hòa nhã và ổn định.


(Trích dịch từ T.R. Reid,
Confucius Lives Next Door, nxb. Random House, New York, Mỹ, 2000, tr. 8-14. Reid là một phóng viên của The Washington Post và từng là trưởng văn phòng đại diện của báo này ở Luân-đôn và Đông Kinh. Nhan đề phần trích dịch tạm đặt.)