Về con cheo, người ta còn hay để ý tới bốn cái chân quá gầy: “Cẳng như cẳng cheo”.



Trần Huiền Ân, “Thịt rừng”





Con cheo - ảnh khuyết danh


Thịt thú rừng ngon nhất là thịt con cheo. Cheo có trọng lượng khoảng 4-6kg, màu lông xám tro, trên lưng sẫm hơn, không có sừng, sống ở vùng rừng thưa tương đối bằng phẳng, ăn lá cây, quả và củ. Con cheo lanh lẹ và nhát, người ta thường nói: “Lẹ quá cheo. Nhát quá cheo. Con mắt láo liêng như con cheo.” Con mang, trên cao nguyên Vân Hòa còn gọi là con xách, con quảy (theo động từ gần nghĩa) hoặc con đỏ da (theo màu lông). Thịt mang ngon hơn thịt nai. Vùng Sơn Phước có nhiều cà tông.

Đi săn nai là một hoạt động cộng đồng rất vui. Khi biết con thú ở một vạt rừng, người ta chặt cây rấp rào một vòng cung, đem lưới đóng nơi các trổ dự đoán con thú sẽ chạy qua. Sau đó xua chó vào cắn đuổi, bên ngoài phía không có lưới thì người hò hét uy hiếp, con thú tìm đường thoát thân, thấy lối trống chạy vào bị mắc lưới.

Con thú đã bị hạ gọi là “con thịt”, đem tới nơi cao ráo quơ củi chất lên, nổi lửa thui (...) Hai trái thăng xắt ra nướng cúng lưới cùng với nguyên cả con thịt (...)

Cúng xong mọi người quây quần lại. Thịt rừng còn nóng hổi những sớ hồng, chỉ ướp muối ớt, còn mang cái ngọt ngào nguyên chất hoang dã. Thêm chút nắng, chút gió, sự phấn khích sau lúc săn đuổi, người ăn thấy càng ngon miệng (...)

Thịt nai dùng chế biến nhiều món ăn. Xương, gân nấu nhừ rất ngọt. Rau thơm nêm cho chảo thịt rừng, kể cả chim rừng, dân quê thường dùng đọt non của cây sân, có mùi thơm đậm đà của trầm của quế. Thịt rừng nêm bằng rau vườn (hành, ngò...) chỉ là sự kết hợp gượng ép. Có thể dùng rau ngò tàu (hình như trong Nam gọi là ngò gai – TT) là loại rau trước đây ở thôn quê ít khi trồng, là rau tự mọc, cũng gần như rau rừng. Chân nai đem phơi, sau đó hầm rục, lấy gân làm gỏi. Thịt thì làm khô. Khô nai ngày trước thái dày, không ướp nhiều vị hương, khi nướng ăn xé từng sợi như khô mực, còn nhận rõ chất thịt. Khô nai bây giờ thái mỏng quá, như dán lại, khi ăn mùi vị hương lấn át, không phân biệt được thịt nai hay thịt bò. Nói “không phân biệt” là cách nói lịch sự thôi. Còn gì để phân biệt đâu? Vì có lẽ hầu hết cái gọi là khô nai hiện nay đều là khô bò.


(Trích Trần Huiền Ân,
Phú Yên miền đất ước vọng, nxb. Trẻ, 2004)