Đầu năm 1944, Nguyễn Đình Thi viết:

“Tinh thần Việt Nam biểu lộ trong ca dao và cổ tích, không phải một tinh thần buồn bã, yếu hèn, sợ sống, sợ đấu tranh. Trái lại đó là một tinh thần vui vẻ, lạc quan, ham sống, ham vật lộn (...) Tinh thần ấy, mỗi khi bị nén xuống, đều cố tìm đường thoát dậy, mỗi khi gặp một sự thật đau đớn, lại cố tìm một cách chữa cho kỳ được. Nó yêu khỏe khoắn, buồn trung hậu, chứ không đắm đuối, chịu đựng, ủy mị. Nó khác hẳn những tư tưởng chán đời, thoát tục (...) (Nó) giữ vững lửa sống”.(1)

Thiết tưởng đặc điểm nổi bật của truyện (và ký và thơ) Lê Tất Điều chính là cái tinh thần Việt Nam nói trên.

(Thu Tứ)

(1) Trong “Sức sống của dân tộc Việt Nam trong ca dao và cổ tích”, bài nói chuyện đầu năm 1944, in lần đầu trong
Mấy vấn đề văn học, nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1958, in lại trong Luận về quốc học, nxb. Ðà Nẵng, VN, 1999.



Võ Phiến, “Truyện Lê Tất Điều”




Ðiều (1) lớn lên trong chiến tranh. Nhân vật trong tác phẩm Ðiều, nam có nữ có, phần đông là trẻ con, phần đông là nghèo khó, lắm khi cơ cực, trong ấy cái số nạn nhân của chiến tranh không phải ít. Thảm thương là số phận thông thường. Nhưng lạ lùng là không khí khắp các truyện không u uất, cũng không hừng hực oán hờn. Trái lại.

Trẻ con bất hạnh, chúng cũng xuất hiện đông đảo ở một số tác giả khác. Ở Duyên Anh, ta gặp những trẻ đáo để. Ở Nhật Tiến là hạng trẻ em hiền lành, hẩm hiu. Ở Ðiều, thường là những đứa trẻ thông minh, tinh quái, mà thật đáng yêu.

Ðêm dài một đời kể chuyện những trẻ mù. Trẻ mù được nơi nuôi nấng, dạy dỗ trong năm năm, thế đã là điều an ủi. Trẻ mù được những thanh niên nam nữ - sinh viên, ca sĩ, phật tử - tình nguyện đến chăm sóc: lại càng quí hóa nữa. Nhưng thiết tưởng quí nhất là ở chỗ một trong những kẻ mù nọ đã tha thiết thành khẩn khuyên một đàn anh lành mạnh, một sinh viên làm việc thiện nguyện, về quan niệm tin tưởng yêu đời. Anh Phong và chị Kim yêu nhau, nhưng Phong nghèo mà Kim giàu, nên Phong né tránh nhân duyên. Bằng rụt rè khiêm tốn - vì tuổi nhỏ, vì mù lòa - xin góp ý với anh Phong: “Vị trí đời em cũng chỉ là một vực sâu thăm thẳm. Nhưng em tin là nếu mình hết sức cố gắng, trời vẫn cho mình đủ thời gian để leo từ vực thẳm lên đỉnh núi. Vì nỗi khổ hiện tại mà từ chối sự sung sướng trong tương lai là một điều dại dột. Nếu có một người con gái yêu em, em sẽ nhất định xin cưới cô ta làm vợ, không có mặc cảm, lo lắng hay sợ hãi gì hết. Có thể nỗi khổ sẽ đến ngay sau hạnh phúc. Nhưng em sẽ tiếp đón cả hai như một người chủ tiếp đón những ông khách vừa xấu, vừa tốt. Em muốn được sống, thiết tha sống. Em thích một căn phòng ồn ào hơn là một căn phòng trống rỗng (...) Theo ý em, anh đã yêu thì cứ tiếp tục và tính chuyện xây dựng với chị Kim. Một cuộc đời đủ dài để anh làm giàu, tạo sự nghiệp, lại rất có thể quá ngắn khiến anh không kịp tìm ra một người yêu thương mình thực tình.” Sau những lời chí tình như thế, thấy Phong im lặng, Bằng e ngại, lại rất mực khiêm tốn, hỏi: “Em nghĩ sai hả anh Phong.”

Kết thúc cuốn truyện là cái cảnh San lên đường ngay giữa cơn mưa đi tìm gặp cô Quỳnh về dự án một trang trại cho người mù mà hai người - một sáng một mù - cùng ôm ấp bấy lâu.

Trẻ con trong các truyện của Ðiều hầu hết có nét nghịch ngợm, có đứa lười lĩnh nữa, nhưng không ác độc bao giờ. Chúng yêu thương cha mẹ, anh em, bạn bè. Có thể láu lỉnh, nhưng vẫn tình nghĩa: có tấm vé số, bé Dũng ước trúng độc đắc lấy tiền “mua cái xe hơi để chở cả thầy và hết cả lớp đi chơi và đi coi hát bóng”. (Cỏ Hoang)

Còn người lớn, gặp thời khói lửa, họ chịu nhiều đau đớn. Thượng sĩ Hoan trúng đạn vào ngực, vào bả vai, vào sườn, cánh tay phải vô dụng; hội đồng bác sĩ giám định cho là bất lực vĩnh viễn, đề nghị cho xuất ngũ. Thượng sĩ Hoan nằm khóc ấm ức một lúc, rồi hét: “Mình còn khỏe mạnh chứ đã chết chóc gì đâu!... Mẹ! Thằng này bắn tay trái cũng không đến nỗi gửi đạn về làng. Những đứa còn đủ chân tay đánh lộn chưa chắc đã ăn thằng này.” (Ðoạn Đường Còn Lại). Không phải thượng sĩ Hoan ham đánh giặc vì tự ái, như lão tướng Hoàng Trung khi bị chê già. Chẳng qua đông con, sợ xuất ngũ không biết làm gì để nuôi gia đình. Về sau, giải ngũ về nhà trổ tài đan rổ rá kiếm được tiền, sườn hết đau, “cưỡi xe gắn máy chạy như gió”. Ðời giản dị thôi.

Một thương binh khác, mất tay phải chân phải, teo chân trái, mù mắt, ngồi xe lăn, khi nghe hội đồng xướng đến tên mình: “Nguyễn Ðình Phúc, tàn phế trăm phần trăm, miễn dịch vĩnh viễn, mẫu số... một”, thì ông liền quơ tay tìm người vợ đang đẩy xe, reo: “Rồi, trăm phần trăm! Biết trước mà.” Người vợ cũng mỉm cười sung sướng, nhưng bà ta cúi đầu giữ nguyên vẻ khép nép. Nghe xong các chi tiết về trường hợp mình, người chồng lại vừa giơ tay vừa cúi đầu chào. Ông ta cười vui thành tiếng: “Xin chào hết mấy ông. Xin lỗi! Tôi mù cả hai mắt thành ra không biết mấy ông chức gì! Xin chào!” Người vợ đẩy xe đi rồi, bàn tay trái ông ta còn giơ cao tới ngang mũ. (Ðoạn Đường Còn Lại)

Trẻ con và người lớn, kẻ tàn tật và người lành mạnh, đa số nhân vật của Ðiều yêu đời, lạc quan, tin cậy ở cuộc sống.

- “Vậy thì xã hội có hướng đi lên mạnh quá!”

Những ai có ác ý liên hệ cái viết của Ðiều với một xu hướng nhằm minh họa chính sách nào, ca ngợi chủ nghĩa nào, tôn vinh chế độ nào, ai đó sẽ tha hồ hổ thẹn về sự sai lầm của mình. Không thể tìm thấy tác phẩm ca ngợi chính quyền của Ðiều đâu, chúng ta chỉ gặp những chỉ trích, giễu cợt chính giới (của Kiều Phong) thôi. Ðiều có ca ngợi là ca ngợi con người, cả loài người, cả cuộc sống; chứ không phải một chính quyền, một chế độ nào.

Ðây đó, tác giả có ghi nhận cái mỉa mai trong những cảnh ngộ nghiệt ngã. Nhưng cả tác giả lẫn nhân vật đều chấp nhận hoàn cảnh không cay đắng uất hận.

Không phải chỉ cái nhìn vào con người, mà cả cái nhìn ra thiên nhiên ở Ðiều cũng thế.

Hãy để ý đến một cái nhỏ nhặt: cái gió. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp ở Ðêm dài một đời một thoáng gió. Cậu bé Thương đang ngồi với hai huynh trưởng. “Anh Phong, anh Bằng và tôi chiếm một chỗ cỏ mọc dày gần cửa phòng nhạc. Ðêm mát, cỏ thơm (...) Gió thổi đều như không bao giờ dứt. Nhờ gió tôi cảm thấy bãi cỏ rộng mênh mang. Bóng tối bớt nặng nề. Sự vui mừng cùng nỗi buồn rầu đã hòa hợp lại gây nên một cảm giác lâng lâng dễ chịu. Thỉnh thoảng, một con vật nhỏ bé từ lá cỏ bò lên chân tôi. Tôi gạt nó đi rất chậm để khỏi làm nó phật lòng.” Ngọn gió làm cho người mù cảm thấy bãi cỏ rộng, thế đã thú. Lại còn cái gió này mới tuyệt: “Tiếng máy ở cổng xưởng trước trường bỗng nhiên ngừng. Gió đêm lùa qua cửa sổ, vào phòng, thoáng qua tôi như một bóng người vội vã. Trời lạnh, đêm khuya rồi.” Gió, như bóng người thoáng qua một đứa trẻ cô đơn trong bóng tối triền miên: tài tình và cảm động biết bao! Cơn gió được bắt gặp, được nhận định tinh tế, và được phát huy công đức trong một lúc bất ngờ!

Ðọc Ðiều, ta tiếp cận một tâm hồn nhân ái bao la và dịu dàng.


6 - 1998

(In trong phần Truyện của bộ
Văn học Miền Nam)





______________
(1) Các nhà văn nhà thơ nói đến trong sách này đều được xưng là ông hay bà. Tuy vậy, đối với một ít vị mà tác giả có quan hệ tình cảm thân thiết đã lâu, tiếng ông bà nghe có vẻ vờ vĩnh giả tạo. Vậy xin được giữ cách xưng hô riêng vẫn dùng từ trước. (VP)