Trương Chính v.v., “Vải vóc ngày xưa”





Bông vải - ảnh khuyết danh


Trên nhiều đồ đồng, đồ gốm Đông Sơn có in dấu vải. Vải nói đây chưa hẳn là dệt bằng bông sợi. Sách Lĩnh Nam chích quái chép: "Thời bấy giờ, nhân dân lấy vỏ cây làm áo...". Chắc là vỏ cây sui mà ngày kháng chiến chống Pháp ta thấy ở vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa: "Bát cơm xẻ nửa chăn sui đắp cùng" (Tố Hữu).

Tượng người, hình người trên di vật Đông Sơn cho biết người Lạc Việt mặc áo chui đầu, gài khuy bên trái, đàn ông có khăn khố (đóng kiểu chữ "đinh" như người các nước vùng nhiệt đới và người Nhật), đàn bà có váy áo thêu. Sách Hậu Hán thư cũng nói: "Phàm các đất thuộc bộ Giao Chỉ, người không phân biệt trưởng ấu, bối tóc ở gáy, lấy vải luồn qua đầu làm áo...". Đến thế kỷ I sau công nguyên, Nhâm Diên bắt người nước ta ăn mặc như người phương Bắc, theo chính sách đồng hóa; do đó, khuy cài bên trái đổi sang cài bên phải (...) Khoảng năm 1774, chúa Võ Vương bắt đàn bà Đàng Trong mặc quần cho khác với người Đàng Ngoài. Năm 1828 đời Minh Mạng, có lệnh bắt đàn bà mặc quần thống nhất từ nam chí bắc (về việc này, xin xem thêm bài Mặc Váy, Mặc Quần của Đào Đức Nhuận - GN) (...)

Từ vải bằng vỏ cây sui, đã tiến đến vải tơ chuối (tiêu cát). Sách Quảng chí của Trung Quốc chép: "Ở Giao Chỉ, thân cây chuối xé ra như tơ, dệt thành vải gọi là tiêu cát, dễ rách, nhưng đẹp, màu vàng nhạt. Cũng gọi là vải Giao Chỉ." Từ vải tơ chuối, lại tiến đến vải dệt bằng sợi quả cây bông vải, gọi là vải cát bối hay cát bá. Sách Ngô lục của Trương Bột ghi: "Huyện Yên Định ở Giao Châu có cây bông cao hơn một trượng, quả to như chén rượu, da mỏng, trong ruột như mối tơ, sắc trắng bạch, làm vải được...". Trong những sản vật mà Sĩ Nhiếp đưa về làm cống phẩm có hàng nghìn tấm vải cát bá mịn (...) Đã dệt được khăn bông, thêu hoa, gọi là "bạch diệp". Lại đã bắt đầu trồng dâu nuôi tằm.

Bước sang thời kỳ độc lập tự chủ, người Việt đã sản xuất được các hàng đẹp như lụa, gấm, vóc, đoạn, đủ để triều đình dùng, không phải mua hàng của nhà Tống. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 2 năm Canh Thìn (1040), vua Lý Thái Tông xuống chiếu phát hết gấm, vóc của nhà Tống (...) ban cho quần thần (...) để tỏ ra rằng (không cần đến nữa)". Năm 1156, Lý Anh Tông tặng nhà Tống 850 tấm đoạn màu vàng thẫm có thêu rồng cuốn...

Đời Trần, nghề dệt càng phát triển hơn. Người trong nước mặc lụa thâm, cổ áo khâu bằng là, đội khăn dệt bằng tơ nhuộm màu xanh thẫm.

Đầu đời Lê, Đông Đô chia ra 36 phố phường: phường Thụy Chương và Nghi Tàm dệt vải lụa, phường Hàng Đào nhuộm điều. Sách Địa dư chí của Nguyễn Trãi, viết năm 1435, có nói tới "loại vải nhỏ đẹp hơn lụa, đựng vào trong hộp tre để tiến cống". Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cho biết: "Các xã Hạ Hồi, Thiên Mổ, Ỷ La, Trung Thụy và Đại Phùng có tài dệt lụa, trìu, lĩnh, là, và các lụa dày tục gọi là lĩnh vả hoặc láng." Còn như xã Mật Cầu, phủ Quốc Oai, thuộc xứ Tam Giang (Hà Sơn Bình) đã làm được các thứ hàng nói trên đủ các màu: xanh, tím, biếc, vàng, không kém gì Trung Quốc. Ở Đàng Trong, nghề dệt cũng rất thịnh. Thuận Hóa dệt gấm, nhiễu đỏ, lĩnh trắng hoa tròn, Quảng Nam dệt lĩnh bóng v.v. Cho đến thời gần chúng ta, vùng Bưởi ngoại thành Hà Nội vẫn nổi tiếng về lĩnh trơn, Cầu Giấy nổi tiếng về lĩnh hoa (...) (Sao không nhắc lụa Hà Đông?!)



Kén tằm - ảnh khuyết danh


(Trích Trương Chính và Ðặng Ðức Siêu,
Sổ tay văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1978, tr. 113-116. Nhan đề phần trích tạm đặt.)