Cái học ngày xưa cơ bản là học làm người. Hay chữ thì thi đỗ, thành ông nghè. Nhưng nghè rồi mà có khi vẫn chưa làm được người, vẫn cần phải nọc ra đánh ba roi cho biết thân mà tiếp tục tu thân. Văn hóa một thời, hay quá đi chứ. (Thu Tứ)



Chu Thiên, “Đánh ông Nghè”




Một hôm, trời đã gần tối, anh Cử Tốn, người làng và là học trò ngài, đưa vào hầu ngài một người đàn bà trạc ngoài ba mươi ngót bốn mươi. Ngài đương ngồi hè bảo cậu Thứ học, thấy Cử Tốn vào lậy chào, ngài hỏi ngay:

- Anh Cử vào chơi có hỏi thầy gì không?

Cử Tốn vội thưa:

- Bẩm lậy thầy, con dẫn chị Nghè Tiến bên Ðồng Phú vào hầu thầy. Chị ấy sợ không dám vào nhờ con đưa.

Người đàn bà lúc ấy mới dám tiến lên ngồi thụp xuống lậy chào.

Ngài hỏi:

- Chị là vợ anh Nghè Tiến à? Chị ngồi chơi lên chõng này. Chị đến chơi, hay đến hỏi việc gì?

Cử Tốn nhanh miệng đáp hộ:

- Bẩm thầy, anh ấy ốm, mà có người ở xa đến xin trướng, anh ấy sai chị này sang nói nhờ thầy làm hộ.

Ngài trông chị Nghè và hỏi:

- Người ta xin trướng gì? Anh ấy có viết giấy đấy không?

Chị Nghè liền run sợ thưa:

- Bẩm lạy cụ lớn, con đem đầu sang kêu cửa cụ lớn, không phải thế, xin cụ lớn đại xá rộng phép cho con nói.

Cử Tốn hơi cau mày quay nhìn chị Nghè hỏi:

- Sao lúc nãy, chị bảo tôi là đi xin trướng.

Thấy vẻ người chị Nghè lúng túng ngượng ngập, quan Hoàng Giáp liền nói lấp đi:

- Anh để im chị ấy nói!

Quay lại, ngài hồn hậu bảo chị Nghè:

- Muốn điều gì, chị cứ nói thực!

Chị Nghè ngập ngừng thưa bằng một giọng nho nhỏ:

- Bẩm lạy cụ lớn, cụ lớn đại xá rộng phép cho con xin thưa: Con nghĩ con tủi lắm. Con lấy nhà con từ năm mười lăm tuổi đầu, thắt lưng buộc bụng làm lụng nuôi cho nhà con ăn học, đến ngày nay thành tài. Bây giờ đỗ tấn sĩ anh ấy danh giá, anh ấy lại tình phụ con, anh ấy chực bỏ con, để lấy con gái ông Thượng nào ấy... Con lậy van, anh ấy cũng không tha, anh ấy cứ đánh đuổi con, con cực thân lắm... không lẽ chết được... Con thấy cụ lớn đạo cao đức rộng, ai ai cũng đều phải sợ, nên con đem đầu đến cửa cụ lớn, trăm lậy cụ lớn xin cứu con với...

Hai người ngồi nghe, đều sửng sốt lấy làm lạ sao Nghè Tiến lại có thái độ vũ phu như vậy. Nghe đến đấy, quan Hoàng Giáp nói:

- Cái thằng thế thì láo quá. Chị cứ về để tôi viết giấy tôi bảo.

Chị Nghè sợ hãi thưa to:

- Bẩm cụ lớn, con về bây giờ thì nhà con đánh con chết, lại đánh đuổi đi chớ không cho về.

- Ðược, thế tôi cho Cử Tốn đưa chị về.

- Bẩm lậy cụ lớn, bác Cử đưa con về, nhà con biết con sang kêu với cụ lớn, lại lấy cớ hành hạ con thêm, mà đi với bác Cử, nhà con lại nghi...

Cử Tốn nghe nói thế cũng hơi tức liền nói:

- Bẩm thầy, con không đi được ạ, con bận mẹ con ươn mình.

Quan Hoàng Giáp ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi:

- Hay cũng tại chị lăng loàn nên nó mới khinh.

Chị Nghè luống cuống thưa:

- Bẩm lậy cụ lớn, không ạ. Con chỉ có biết ăn biết làm, không có to tiếng nói năng gì cả. Ông già bà cả trong làng và hàng xóm láng giềng đều biết. Cả các bạn học nhà con, học trò cụ lớn đây, cũng biết, chớ con không dám nói dối.

- Sao không nói với các ông chú bà bác bảo nó?

- Bẩm lậy cụ lớn, nhà con xưa nay vốn hiền hậu, biết trên kính dưới nhường. Ngay khoa năm nọ đỗ cử nhân về cũng vậy, rất là hòa nhã vui vẻ. Thế mà không biết năm nay đi thi về phải bùa phải bả hay mê muội thế nào ấy, đánh đuổi vợ và cãi lại các chú các bác, không coi ai ra gì cả. Các chú con mới bảo con sang kêu với cụ lớn. Xin cụ lớn rủ lòng thương mà truyền bảo cho nhà con nghe ra.

Quan Hoàng Giáp ngồi trầm ngâm một lúc rồi lại nói:

- Thế bây giờ chị không dám về? Chị chờ tôi bảo anh ấy nghe ra rồi mới dám về à?

- Dạ!

- Ngộ tôi bảo nó cũng không nghe thì sao?

- Dạ! Bẩm lậy cụ lớn, con trông mong ở lượng cụ lớn thương thì con được nhờ. Cụ lớn chẳng thương thì con cũng đành chịu ngậm oan!

Ngài lại im lặng lâu lâu mới nói:

- Thôi được! Ðể mai tôi thân đưa chị về. Bây giờ chi xuống nhà chơi với hai bà. Có cả mợ hai ở nhà đấy. Xuống mà nói chuyện cho khuây. Ðợi mai, mai tôi sang sửa cho anh ấy một trận cho anh ấy tỉnh thân ra!

Quay lại ngài nói với Cử Tốn:

- Anh Cử đưa chị Nghè này xuống trình bà và bảo thổi cơm cho chị ấy ăn nhé. Rồi mai, anh cũng phải đi đấy. Sáng ra, cơm nước rồi lại đây.

Cử Tốn vâng dạ, đứng lên đưa chị Nghè xuống nhà dưới. Ði tắt ngang hết sân, bước lên đầu nhà dưới, Cử Tốn tỏ vẻ khó chịu lẩm bẩm bảo vợ bạn:

- Chị chỉ lôi thôi làm khổ chúng tôi, mà rồi anh ấy lại trách. Mà sao chị không bảo tôi trước?

- Thưa bác, em sợ nói rõ ra bác lại gạt đi thì hỏng việc.

- Hỏng mới lại chả hỏng, chị làm tôi hốp tốp nói ngay, thành ra lại mang tiếng là nói dối. May hôm nay thầy hiền đấy. Chớ hôm khác đã phải một mẻ mắng vuốt mặt không kịp! Chị tưởng thường lắm đấy.

- Thôi, em xin bác bỏ quá đi cho. Em ruột đang như điên như dại, không kịp suy nghĩ... bác tha...

Gặp bà lớn ở trong nhà ra, Cử Tốn lậy chào và dẫn trình chị Nghè giới thiệu với bà. Bà lớn liền mời chị Nghè vào nhà và gọi mợ Nghè Hai ra tiếp chuyện. Còn Cử Tốn vội vã cáo từ ra về.

Sáng hôm sau, cơm nước xong, quan Hoàng Giáp giục người nhà sắp võng che màn kín và sai gọi Cử Tốn, cả Tuấn cùng đi theo cụ đưa chị Nghè Tiến về nhà. Ði ngang làng An Bài, ngài dừng lại, cho Tuấn vào gọi Bảng Tuân và Kép Nghĩa. Tuấn đã chạy đi ngài còn gọi lại dặn:

- Cứ bảo họ ra ngay thầy bảo thôi nhé! Ðừng nói gì cả.

Ngài cười bảo Cử Tốn:

- Ðể bắt họ cùng đi cho vui!

Ðợi một lúc, hai anh học trò đã khăn áo chỉnh tề theo Tuấn ra đến nơi, trông thấy thầy học đều cúi rạp đầu xuống đất vái dài và thưa:

- Bẩm lậy thầy ạ! Thầy đi chơi đâu? Xin rước thầy quá bộ ghé vào chơi tệ xá cho chúng con được hầu tiếp.

- Không, tôi muốn nhờ các anh một việc.

- Dạ! Thưa thầy dạy gì?

- Các anh đi đằng này với tôi.

- Thưa thầy đi đâu ạ?

- Ði với thầy sang chơi bên Nghè Tiến!

Thấy thầy đi đột ngột như vậy, giữa khi cư tang, lại thấy cả vợ Nghè Tiến theo sau, hai người học trò rất thông minh kia đã thừa đoán được mọi việc xảy ra, và họ thấy ngay bổn phận phải theo thầy đi duy trì chính đạo, liền lễ phép đáp ngay:

- Bẩm thầy vâng ạ!

Quan Hoàng Giáp lại hỏi:

- Ði ngay được chớ?

Hai người lại cùng đáp:

- Bẩm thầy vâng!

Ngài liền truyền:

- Vậy ta đi!

Ngài cho bốn anh học trò đi trước, còn chị Nghè đi theo võng ngài. Cả bọn đi đều đều và nói chuyện nho nhỏ. Thỉnh thoảng có anh nào được ngài truyền hỏi câu gì, lại đứng lùi lại và đáp to. Ngoài ra những giọng nói thì thầm như hơi thở. Ði được một thôi đường dài rồi, Tuấn thấy vui vui liền buột mồm nói to:

- Ðám cưới, đưa dâu chị Nghè về nhà chồng đây!

Quan Hoàng Giáp gắt mắng:

- Cái thằng Tuấn! Be bé cái mồm!

Cả bọn đều sợ hãi im thin thít, lặng lẽ đi mải miết, không ai dám nói một câu gì nữa. Ðến nơi, vào nhà, không thấy Nghè Tiến đâu. Nhưng các ông cụ trong họ và anh em thân thuộc, thấy ngài đến đều chạy sang vái chào, đứng hầu và mời mấy ông tùy tùng ngồi chơi. Quan Hoàng Giáp đương tức vì Nghè Tiến lẩn mặt, liền hỏi ngay:

- Các ông có biết Nghè Tiến đi đâu?

Một ông bác già đầu đã trắng như bông co tay lên gãi tai, thưa giọng cũng run run:

- Bẩm lậy cụ lớn chúng con cũng không biết anh ấy đâu. Lúc buổi, con hãy còn thấy anh ấy ở nhà.

- Có phải nó tình phụ cái con vợ nó. Nó đánh đập chực đuổi đi?

- Bẩm cụ lớn vâng. Anh ấy mê mẩn thế nào ấy. Chúng con có bảo, nhưng anh ấy cũng không nghe.

- Tại sao lại hành hạ vợ nó? Có tại vợ nó không?

- Bẩm cụ lớn không ạ, chị ấy vẫn đảm đang tử tế. Ðâu chỉ tại chị ấy xấu mà đần, nên anh ấy muốn lấy con gái quan Thượng nào ấy...

Quan Hoàng tức lắm, không để cho người kia nói dứt, dõng dạc truyền, với một vẻ bực tức:

- Ông nào đi tìm ngay nó về đây hộ tôi, chắc nó trốn đâu đấy. Chứ chẳng đi đâu đâu!

Mấy người vâng dạ, đứng lên đi, ngài lại gọi giật bảo:

- Nầy! các ông bảo nó hễ không về mai tôi gọi tất cả học trò bắt lôi đem ra Văn Miếu đánh cho một trận, rồi thu lấy áo mũ cờ biển tiến sĩ dâng trả nhà vua. Ðánh cho chết đi chứ để làm gì cái hạng người bất hiếu, bất mục, bất nghĩa ấy!

Những người ấy đi khỏi rồi, ngài ngồi chờ, càng tức, càng giận, mặt hầm hầm, đôi mày nhíu lại, đôi mắt sắc lên, hai chòm râu mép bạc phơ cứ luôn luôn mấp máy... Ai nấy đều sợ hãi, im thít không nói năng gì cả. Ðợi một lúc không thấy tin gì, ngài sốt ruột quát:

- Thằng nầy phải cho nó một trận nó mới biết thân! Anh Tuấn, anh Tốn hai anh đi chặt cho thầy hai cái roi! Anh Bảng Tuân chạy ra xem có gặp nó bảo nó về!

Lịnh ấy truyền ra, chưa kịp thi hành, thì Nghè Tiến đã cùng mấy người đi tìm tất tả chạy về. Trông thấy quan Hoàng Giáp, anh vội bước đến trước mặt ngài phủ phục lậy. Ngài hỏi ngay:

- Anh đã biết tội anh chưa?

- Dạ! Bẩm lậy thầy, con vừa chạy vào xóm trong, không biết thầy đến...

Ngài quát:

- Anh còn nói lảng à! Mầy có biết tội mầy không hay để tao phải bảo?

Anh Nghè run bần bật vẫn nằm phủ phục ở dưới đất thưa

- Bẩm lậy thầy có ạ, con trót dại có hành hạ vợ con.

Ngài càng quát dữ:

- Mầy có biết mầy nên danh phận ngày nay là nhờ ai không?

- Bẩm lậy thầy có ạ! Nhờ công thầy dậy bảo tác thành cho, con mới...

- Không có vợ mầy nó nuôi cho mầy ăn học, thì công thầy cũng vất đi! Vợ chịu khó đầu tắt mặt tối, hai sương một nắng, nhịn đói nhịn khát, để nuôi chồng đi học, ngày nay mở mày mở mặt lại chực phụ nó... Chực lấy con đĩ nào?... Con ông trời mà bây giờ người ta mới gán cho mầy thì cũng là đồ bỏ đi. Mầy có biết chuyện Tống Hoằng không?

- Dạ! Bẩm thầy có ạ!

- Ông Tống Hoằng (1) làm đến Tể Tướng, vua định gả em gái cho, mà còn biết nói “Tào khang chi thê bất khả hạ đường”(2). Những người hiếu nghĩa như thế mới mong làm nên sự nghiệp, lưu danh về sau. Ðằng này mới mát mặt được một tí đã chực giở trò bất nghĩa, trái lời ông chú bà bác, bỏ cả chữ thánh hiền. Cái ngữ mầy cũng chỉ ăn hại cơm trời uống hại nước sông, làm bẩn lây đến cả chữ nghĩa, chứ cũng chẳng ra trò trống gì đâu!

Nghè Tiến sợ mướt mồ hôi, vẫn nằm phục ở đất, không dám kêu một nửa lời. Ngừng một lúc, ngài dịu giọng lại nói:

- Mầy đã biết tội, thì phải xin lỗi vợ mầy đi và cam đoan ăn ở với nhau hòa thuận, tao sẽ tha cho.

- Dạ!

Ngài ngẩng lên trông ra phía ngoài bảo Cử Tốn:

- Anh chạy xuống gọi chị Nghè lên đây!

Tốn vâng lời chạy xuống, chị Nghè thấy nói vội tất tả lên. Ngài liền chỉ tay vào cái ghế đẩu bảo.

- Chị ngồi đây, để anh ấy phải xin lỗi chị.

Chị Nghè còn rụt rè, ngài quắc mắt giục:

- Tôi đã bảo chị ngồi xuống!

Chị Nghè run sợ phải ngồi. Quan Hoàng Giáp đã bớt giận, dịu lời nói:

- Anh Tiến...

- Dạ!

- Ðạo vợ chồng tình nặng nghĩa dày, nhứt là chị ấy đây lại là con người hiền đức, thế mà anh thân danh đỗ tấn sĩ, còn phạm tội bất nghĩa với vợ, không trị anh thì còn mong dạy ai nữa.

Nay đã biết lỗi thì trước mặt tôi đây, anh phải đứng lên lễ tạ chị ấy hai lậy và xin cam đoan từ rày phải ăn ở với nhau hòa thuận.

- Bẩm thầy vâng ạ!

Bị dẫn vào bước đường cùng, và hối lỗi, Nghè Tiến lại đứng trước mặt vợ lẩm bẩm nói, toan lễ, thì chị Nghè đã vội đứng dậy tránh ra, tựa vào bức vách. Quan Hoàng Giáp tức mình liền đứng lên chạy ra cầm tay lôi vào bắt ngồi xuống ghế và nói:

- Chị cứ ngồi xuống đây! Hay chị không ngồi thì bận sau đừng đến kêu tôi nữa nhá!

Vừa sợ chồng, vừa sợ quan Hoàng, chị Nghè cuống cuồng ngồi xuống, run lẩy bẩy, mắt nàng hoa lên, tai nàng ù lên, không trông, không nghe không thấy chồng lễ và nói gì cả. Nghè Tiến lễ vợ xong, quan Hoàng lại bảo:

- Anh trái lời hỗn láo với các ông các bà trong họ, nhân đông các ông và mời thêm đủ các bà nữa, anh phải lậy tạ xin lỗi mới được.

Một ông cụ đứng xin hộ.

- Bẩm lậy cụ lớn, anh ấy đã biết lỗi thế là chúng con mừng, xin cụ lớn tha cho...

- Không, các ông cứ rộng rãi thế, chả trách nó lờn được. Bắt nó thế nó mới biết thân!

Quay lại ngài giục anh Nghè:

- Anh Tiến, anh còn đợi tôi mời nữa à?

Tiến sợ hãi vội chạy ra quì lạy mấy ông chú bác. Ai nấy đều đứng cả dậy, trông anh ta lạy và an ủi khuyên mấy câu, và bảo anh Nghè lạy tạ thầy nhưng ngài đã nghiêm nghị bảo:

- Tôi không lấy lậy của anh đâu. Tôi chỉ bảo cho anh biết mà chừa cái thần xác anh đấy. Anh mà còn lôi thôi làm hại đến phong thể nhà nho nữa, thì đừng trách. Cả sĩ lâm Bắc Hà nầy sẽ sửa tội cho anh không muộn. Bây giờ...

Ngài quay gọi Bảng Tuân, nói tiếp:

- Anh Bảng Tuân đâu, anh lấy danh nghĩa nhà nho nọc anh Tiến ra tạm đánh cho tôi ba roi: Roi thứ nhứt bảo anh ấy nhớ đạo Thánh Hiền, roi thứ nhì gỡ lại thanh danh cho trường ta. Roi thứ ba: rửa nhục cho khoa giáp. Xong việc ta về!

Ðúng như lời ngài nói, Bảng Tuân thi hành mạng lịnh xong rồi, ngài liền đứng dậy cùng học trò ra về, cả họ nhà Nghè Tiến, lậy lục khẩn khoản cố lưu ngài lại mà không được. Ra đến giữa đồng ngài vui vẻ nói:

- Chúng ta dắt nhau cả vào chơi anh Bảng An Bài đi.

Bảng Tuân nghe thấy mừng hớn hở như được hưởng một ơn huệ đặc biệt, liền rối rít thưa:

- Vâng, bẩm lậy thầy vâng, hân hạnh quá, xin rước thầy và mời các anh quá bộ tạt vào nhà con nghỉ chân... chơi.


(Chu Thiên,
Nhà nho. Nhan đề phần trích tạm đặt.)

















_____________________
Chú thích của tác giả:
(1)Tống Hoằng làm quan đời Quang Vũ nhà Hán. Bà công chúa em vua thấy ông đẹp muốn lấy, nhờ vua nói hộ. Vua hỏi ướm ý thì thấy ông trả lời trung thành với vợ cả, liền không bàn đến việc gả công chúa nữa.
(2) Vợ tấm cám (khó nhọc) không thể bỏ dưới thềm.