Thực ra ở ta xưa kia “trò diễn” rã La không phải là “có một, không hai”. Như chúng tôi có lần bàn (trong bài “Có thần và thần”), tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam nhấn mạnh hành động giao phối chứ không thần hóa bộ phận sinh dục nam nữ như ở Ấn-độ. Sở dĩ khác nhau, ấy là do người Việt không có khuynh hướng, chứ không phải chưa tiến tới trình độ, khái niệm hóa thực tại. Mặc ai say sưa lý luận, “thăng hoa” dương vật thành linga, ta trước sau chỉ tập trung cảm cái ý nghĩa thiêng liêng của giao cấu. Ta khắng khít với thực tại đến nỗi, mặc dù từ lâu đã biết “diễn” bằng đồ giả, vẫn cứ còn tiếp tục “làm gương” cho lúa bằng đồ thật! Cái thời “xa xưa hơn”, khi nam nữ thực sự ăn nằm với nhau, có lẽ chỉ mới chấm dứt khoảng cuối thế kỷ 19? Đêm rã đám, các nho sinh địa phương có ra đình “trực tiếp tham gia” không nhỉ? (Thu Tứ)



Nguyễn Từ Chi, “Chẳng tầy Rã La”




“Rã” nói đây là rã đám, tức kết thúc lễ hội, còn “La” là làng La (Hà Sơn Bình) (...)

Hội xuân làng La chấm dứt vào lúc nửa đêm, bằng một “trò diễn” cứ tạm gọi là “có một, không hai”. Giữa lúc đông đảo dân làng đang có mặt bên trong đình, bỗng đèn tắt phụt. Giữa đêm tối mù, vang lên ba hồi trống, rồi ba hồi chiêng, nhịp đánh rất chậm, cố tình chậm... Trong khi đó, trai gái đứng gần nhau cứ mặc sức..., cho đến lúc chiêng trống im, đèn lại sáng. Một vài người bạn đã dự rã La vào những năm ngay trước Cách mạng tháng Tám nói chắc với tôi rằng “mặc sức” bấy giờ, chỉ là mặc sức ôm ấp, vuốt ve, còn như cặp nào có ý định đi xa hơn thế, thì hai người cứ chực sẵn bên nhau gần cửa, đèn vừa tắt họ liền chuồn ra khỏi đình (...) Tôi sẽ không ngạc nhiên, nếu rồi đây có bằng chứng cho phép tin rằng, vào một thời xa xưa hơn, nam nữ có thể giao phối thực sự ngay trong đình vào đêm rã La.

Ý niệm nam nữ giao phối (...) qua “trò diễn” , hiện lên dưới dạng “biểu vật” (...) nõ (...) nường (...) và động tác trình diễn nói lên hành động giao phối.

Riêng về trường hợp rã La (...) biểu vật (...) và (động tác diễn) vắng mặt (...) được thay thế bằng “vật” thực và động tác thực (...) Đa số người có mặt tại chỗ không chỉ chứng kiến “trò diễn” (...) mà (...) trực tiếp tham gia.


(Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2003)